Cảo thơm lần giở: Brecht nghĩ gì?

04-11-2017 08:33 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sau Điện Biên Phủ, ở miền Bắc Việt Nam, hoạt động sân khấu bắt đầu sôi nổi. Từ những năm 1960, kịch của nhà viết kịch Đức nổi tiếng thế giới Bertolt Brecht (Brecst’, 1898-1956) đã được giới thiệu ở Việt Nam.

Vở Vòng phấn Cô-ca-dơ (1945) của ông đã được chuyển thể thành tuồng, được công chúng rất hoan nghênh. Vở này kể chuyện hai bà mẹ tranh nhau một đứa con, ý nghĩa vở này rất hợp với tâm lý người Việt: trẻ con phải thuộc về tình mẹ cũng như thung lũng phải được người chăm bón để đơm hoa, kết trái.

Không lạ gì kịch của Brecht lại dễ dàng được chuyển thể sang tuồng Việt Nam, vì sân khấu của Brecht chịu ảnh hưởng rất nhiều của sân khấu phương Đông: sân khấu có nhiệm vụ giáo dục người xem thực hiện cái thiện; phương pháp gián cách của Brecht khiến người xem lúc nào cũng tỉnh táo để phê phán chứ không bị lôi cuốn bởi câu chuyện (cũng như ở chèo có nói đế); sân khấu bố trí đơn sơ để tập trung vào nhân vật, ý nghĩa tượng trưng là chính. Năm 1962, nhà phê bình sân khấu Ba Lan Zofia Markiewic xem tuồng và chèo ở Việt Nam rất ngạc nhiên tìm thấy Brecht trong sân khấu truyền thống Việt Nam.Nhà viết kịch Đức Bertolt Brecht (1898-1956).

Nhà viết kịch Đức Bertolt Brecht (1898-1956).

Brecht là nhà hoạt động sân khấu Đức, nhà thơ, nhà lý luận, nhà viết truyện. Ông là con một chủ nhà máy. Ông theo học ngành y. Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, ông đang học thì bị gọi đi lính, làm công việc chăm nom thương binh. Ông làm thơ và bài hát phản đối chiến tranh. Năm 1918, ông là ủy viên Hội đồng Binh sĩ Augsburg. Tiếp tục học ít lâu, ông chuyển sang viết kịch và đạo diễn. Năm 24 tuổi, ông viết vở kịch Tiếng trống đêm (1922) được giải thưởng văn học Kleist. Năm 1928, ông học trường công nhân Mác-xít; nước Đức sau chiến tranh theo con đường phát xít hóa. Brecht sáng tác chống lại giai cấp thống trị. Với vở Ca kịch ba xu (1928), Brecht nổi danh khắp châu Âu. Năm 1933, Hitler lên cầm quyền, sách của Brecht bị đốt. Brecht sống lưu vong 15 năm ở Áo, Thụy Sĩ, Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Liên Xô, Mỹ. Ông tham gia Hội nghị Quốc tế Nhà văn chống phát xít (1935) và phong trào chống phát xít Tây Ban Nha. Năm 1947, ông về châu Âu, ở Berlin. Cùng vợ là Helene Weigel, ông thành lập đoàn kịch Berliner Ensemble, mang lại uy tín quốc tế cho sân khấu Cộng hòa Dân chủ Đức. 10 năm sau thì ông mất. Brecht đã viết 51 vở kịch, 1.027 bài thơ, 548 tiểu thuyết và truyện ngắn, khoảng 1.000 tiểu luận về văn hóa, nghệ thuật, chính trị, xã hội... Brecht là một chiến sĩ văn hóa suốt đời phục vụ sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản, nhà lý luận văn nghệ sâu sắc. Ông là nhà thơ vĩ đại đã phản ánh trung thành hiện thực xã hội tư bản và những hoài bão của nhân dân Đức đầu thế kỷ 20, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn. Thơ ca của Brecht rất độc đáo, mang tính dân gian, tính dân tộc và tính trí tuệ: Sách ngoan đạo (1927), tập thơ Một trăm bài thơ (1951). Brecht trước hết được coi là người sáng lập nền sân khấu tự sự biện chứng. Một nghệ sĩ không đứng ngoài cuộc đời. Theo Brecht, nghệ thuật có nhiệm vụ cải tạo thế giới chứ không chỉ ngừng lại ở chỗ phản ánh hiện thực. Muốn vậy, sân khấu bắt người xem phải chủ động suy nghĩ, phê phán qua sự “gián cách”, không để người xem bị động, thụ cảm, hòa cảm với sân khấu mà mất hết cả óc phê phán; phép duy vật biện chứng được dùng làm phương pháp sáng tạo nghệ thuật. Vở Ca kịch ba xu tố cáo xã hội tư bản độc quyền, coi bọn tư bản là kẻ ăn cướp; Mẹ dũng cảm và các con (1938) kể chuyện một bà mẹ mất hết các con trong cuộc chiến tranh ba mươi năm (thế kỷ 17), chứng tỏ là người “hạ lưu” chỉ có thiệt chứ chẳng kiếm được gì trong chiến tranh; Những khẩu súng của bà Ca-rar Nỗi lo âu và khổ cực của Đế chế thứ ba đả kích chủ nghĩa phát xít; Cuộc đời Ga-li-lê-i (1939) nêu trách nhiệm của nhà khoa học đối với xã hội.

Sau đây là một số suy nghĩ của Brecht:

Tại sao người ta yêu với một tình cảm đặc biệt đất nước mình đóng thuế?

Trả thù đối với người y như tù họa đối với Chúa Trời.

Phải đánh đuổi cái ngu đần vì nó làm cho ai gặp nó cũng thành ngu đần.

Sân khấu mà khán giả không cười là loại sân khấu đáng bị giễu cợt.

Sân khấu tác động nhiều lắm ở nơi mà ít nhất có đủ cuộc sống.

Điều quan trọng không phải mình là người mạnh nhất, mà là người sống sót.

Buôn bán không biết cái chết.

Ở nơi mà bạo lực ngự trị, chỉ có cách cầu đến bạo lực, mới có những con người có thể cứu được.

Con người là con người, không phải là thiên thần.

Khoa học chỉ có một quy luật: đóng góp khoa học.

Những con đường lương thiện rất ít khi thấy những chiếc xe chở vàng.

Người có điều muốn nói phiền lòng vì không tìm thấy cử tọa. Còn những thính giả lại phiền lòng là không tìm được ai có gì để nói.

Tương lai của nhân loại chỉ đáng quan tâm khi nhìn từ dưới lên.

Hôm nay là ngày chủ nhật. Tiếng chuông reo êm ái biết bao nếu không có  biết bao cái xấu giữa những con người.


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn