Cảo thơm lần giở: Brassens nghĩ gì?

16-03-2017 17:41 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Khi tôi rời khỏi Sête (Xet-tơ), một thành phố cảng đánh cá nhỏ ở miền Nam nước Pháp, chị bạn Nadia (Na-đi-a) không quên tặng tôi vài tác phẩm của P.Valéry (Va-lê-ry) và Brassens, hai vĩ nhân quê hương chị.

Khi tôi rời khỏi Sête (Xet-tơ), một thành phố cảng đánh cá nhỏ ở miền Nam nước Pháp, chị bạn Nadia (Na-đi-a) không quên tặng tôi vài tác phẩm của P.Valéry (Va-lê-ry) và Brassens, hai vĩ nhân quê hương chị.

Hai nhà thơ phong cách hoàn toàn trái ngược nhau, mà vô hình trung bổ sung cho nhau: Valéry (1871-1945) là nhà thơ trí tuệ “tháp ngà”, còn Brassens (Brat-xen, 1921-1981), nhà thơ - ca sĩ, gia đình thợ nề, biểu tượng cho tính cách vô chính phủ, nổi loạn chống xã hội.

Nhà thơ Brassens (1921-1981).

Nhà thơ Brassens (1921-1981).

Nhà thơ - ca sĩ “điên” Trenet (Trơ-nê) làm bá chủ những năm trước và liền sau Đại chiến Thế giới II, còn Brassens thì chiếm thính giả những năm 50-60. Cũng như Prévert (Prê-ve), Brassens trả lại cho ca khúc giá trị của thơ ca: ca khúc của ông được in trong tủ sách “Nhà thơ hiện đại” của Nhà xuất bản thơ có uy tín Seghers (Xê-gher). Chống lại tất cả những cái “đểu cáng”, giả nhân giả nghĩa, đạo lý cổ hủ, ông đại diện cho quần chúng phản đối ngụy quyền, cho nạn nhân chống lại kẻ hành hình, cá nhân chống lại đám đông. Ngôn từ của ông nhiều khi khiến những bậc “thức giả” chối tai. Ông thông cảm với nỗi cơ cực của những cô gái làm tiền và thấy ở họ ánh sáng tình yêu chân thật; ông thương yêu tất cả những con người, tất cả những thách thức của ông thể hiện một sự lo âu khắc khoải, hoang mang. Ông không chạy theo thời sự. Tuy là hiện đại, mà nói về một dĩ vãng nào đó, hay nói cho đúng hơn, phi thời gian. Brassens tạo ra hình ảnh người ca sĩ mới, ra mắt công chúng chỉ với cây đàn ghi ta, không cần sự hậu thuẫn của cả một ban nhạc. Xin giới thiệu dưới đây một ca khúc “trìu mến”, tuy không điển hình lắm cho phong cách cay chua của Brassens.

CHE Ô

I

Trời mưa tầm tã trên đường cái

Em rảo bước đi, không ô che.

Anh có chiếc ô, mới sáng nay

Đánh cắp ở nhà một người bạn

Vội vàng anh chạy đến gặp em

Mời em cùng trú dưới ô anh.

Em vuốt nước mưa chảy trên mặt

Với vẻ dịu dàng, em thưa “Vâng”.

(Điệp khúc):

Một góc ô che

Đổi góc Thiên đường

Em như thiên thần

Một góc Thiên đường

Đổi lấy góc ô

Mình chẳng thiệt gì,

Tất nhiên!

II

Đường đi hai đứa, êm dịu sao

Cùng lắng nghe tiếng ca lộp độp

Của giọt mưa từ trời trút xuống

Mái nhà chung của chiếc ô anh.

Anh muốn như là thời hồng thủy

Mưa mãi mưa hoài mưa không thôi,

Giữ em nơi trú ẩn của anh,

Ròng rã suốt bốn chục ngày đêm.

(Điệp khúc):

III

Nhưng ngu ngốc thay, các con đường,

Dưới phong ba, cũng đi nhiều ngả.

Chẳng bao lâu, xứ sở của em

Chặn chân trời điên dại của anh.

Rồi đến lúc em phải rời anh,

Sau khi thưa với anh: “Đa tạ!”

Anh nhìn em thân hình nhỏ bé

Nhí nhảnh về nơi anh lãng quên.

(Điệp khúc):


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn
Tags: