Có thể nói không ngoa là tư tưởng của Bergson ngự trị triết học Pháp và thế giới vào đầu thế kỷ XX, dĩ chí thành cái “mốt” ở Paris.
Không những sinh viên mà cả các nhà khoa học, nhà văn, nghệ sĩ, các bà các cô thuộc giới trung lưu..., chen nhau chật giảng đường Collège de France là đại học cổ kính thường vắng tanh, để nghe Bergson giảng.
Bergson được trao giải thưởng Văn học Nobel (Nô-ben) năm 1927. Ông xuất thân từ một gia đình Pháp gốc Do Thái, mẹ là người Anh. Thời kỳ Pétain (Pê-tanh), Đức quốc xã chiếm đóng Pháp, Bergson từ chối đặc ân được miễn chế độ bạc đãi người Do Thái. Triết học của ông, duy tâm thần bí, chống lại chủ nghĩa thực chứng; ông không công nhận quan niệm của chủ nghĩa duy khoa học (scientisme) vì nó cho là chỉ có nhận thức khoa học (khoa học tự nhiên và khoa học chính xác, đặc biệt là toán học) mới có giá trị. Ông gạt bỏ chủ nghĩa duy vật, đoạn tuyệt với chủ nghĩa lý tính và tư duy lôgic.
Theo ông, trí tuệ và khoa học không hiểu được hiện thực, chỉ là những công cụ thực dụng của con người sử dụng để tồn tại về mặt vật chất. Chỉ có “lý hội trực giác” (intuition) mới nắm được những hiện tượng luôn luôn biến chuyển của sự sống và ý thức, cần phải phân biệt “thời gian toán học” đo bằng đồng hồ và thời gian trực cảm (durée) của đời sống nội tâm là một sáng tạo uyển chuyển và không ngừng trôi. Cái “tôi” sâu lắng, lý hội qua “thời gian trực cảm” mới là cái “tôi thật”. Cái “tôi” xã hội hời hợt bên ngoài, thể hiện trong đời sống hàng ngày, khiến cho mọi người đều đúc trong một khuôn, bị những quy ước xã hội chi phối. Về quan niệm “sự sống”, Bergson cùng một dòng với “triết học sự sống” (philosophie de la vie) và “hoạt lực luận” (vitalisme); ông cho là “sự tiến hóa sáng tạo” (évolution créatrice) mà cơ sở là “đà sống” (élan vital) là một động lực tạo ra hiện thực, vật chất và tinh thần, sự sống không phải là một cơ chế lý hóa, có “tự do” vượt lên trên quyết định luận (déterminisme) và có Thượng đế. Trong tác phẩm “Vật chất và trí nhớ”, ông khẳng định sự tồn tại của tinh thần lẫn vật chất và xác định mối quan hệ giữa hai hiện thực ấy bằng thí dụ cụ thể của trí nhớ; ông phân biệt một trí nhớ cơ khí có tính chất cơ thể và một trí nhớ thuần khiết không nằm trong não mà ở trong vô thức và từ đó những ký ức xuất hiện tùy theo nhu cầu của hành động hiện tại. Trong “Hai nguồn luân lý và tôn giáo”, Bergson quan niệm có một nền “luân lý khép kín” và tôn giáo tĩnh dựa vào những quy tắc cứng nhắc và năng động do những anh hùng và thánh nhân tạo ra bằng những giá trị mới trong sự tiến hóa sáng tạo của sự sống. “Cái cười” là một luận văn chứng minh cười là một hiện tượng của con người, có một chức năng xã hội, nó là một sự phản ánh lại cái gì máy móc trong cuộc sống, trong lời nói, cử chỉ để nhắc nhở những người đãng trí, những người kỳ quặc... trở lại trật tự xã hội.
Sau đây xin trích một số tư duy của Bergson:
- Quyền lợi cá nhân thuần túy hầu như không thể định nghĩa được, vì trong đó có nhiều quyền lợi có lẫn quyền lợi chung và rất khó tách cái chung và cái riêng.
- Có hai loại nhà nghiên cứu: có loại chỉ là người thợ phụ và có một loại có nhiệm vụ sáng tạo. Cái gì cũng cần có sáng tạo, ngay cả trong nghiên cứu khiêm tốn và sự việc, kể cả trong thực nghiệm đơn giản nhất. Ngay cả khi không có một cố gắng cá nhân, dĩ chí độc đáo, thì cũng không có một sự bắt đầu của khoa học.
- Chúng ta tự do khi các hành động của ta xuất phát từ toàn bộ nhân cách của ta, khi chúng có với tính cách của ta một sự tương tự không thể định nghĩa được mà đôi khi ta tìm thấy giữa nghệ sĩ và tác phẩm.
- Nhận thức về một đồ vật thường dùng chủ yếu là cách sử dụng nó.
- Tưởng tượng phải chăng chỉ là nhớ lại.
- Thân thể luôn luôn hướng về hành động, có nhiệm vụ chủ yếu là giới hạn sinh hoạt tinh thần, nhằm phục vụ hành động.
- Không có gì gây cười ngoài những cái thuộc tính người.
- Cái cười trừng phạt một số nét xấu cũng như bệnh tật trừng phạt một số sự thái quá.
- Nếu tôi muốn pha một cốc nước đường, dù tôi loay hoay thế nào thì cũng phải đợi đường tan.
- Chúng ta phải hiểu tinh thần là một hiện thực có khả năng rút ra từ nó nhiều hơn là cái nó chứa đựng.