Hà Nội

Cảo thơm lần giở: Bergman nghĩ gì?

09-06-2018 06:57 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - (Tiếp theo số 88 và hết)

Nhà đạo diễn điện ảnh Ingmar Bergman (1918-2007).

Nhà đạo diễn điện ảnh Ingmar Bergman (1918-2007).

Sau khi việc đánh thuế phim của mình được giải quyết, Bergman lại trở về hoạt động ở quê hương. Bản xô-nát mùa thu (1978) ghi lại những suy nghĩ về nghệ thuật và chủ nghĩa nhân văn, là một cuộc đối thoại phản ánh tâm lý trong quan hệ mẹ - con. Những phim cuối của Bergman đi sâu trực diện vào quan hệ gia đình, phân tích những bứt rứt đạo lý. Năm 1983, ông báo là phim cuối cùng của ông sẽ là Fanny và Alexander: câu chuyện kể về một gia đình trung lưu vào đầu thế kỷ XX; cái hài và cái bi kế tiếp nhau. Một bà chủ rạp hát họp ba gia đình con trai đến ăn mừng lễ Giáng sinh; người con cả là Oscar đột nhiên chết vì đứt mạch máu não. Trong đám tang, vợ anh cả cảm thấy yêu giám mục làm lễ và sau đấy quyết định lấy ông. Hai đứa con nhỏ của chị hoang mang, vì sẽ phải sống với một ông bố dượng quá ư nghiêm nghị. Sau Fanny và Alexander, Bergman còn quay thêm một phim ngắn nữa.

Ingmar Bergman là một nhà điện ảnh bậc thầy trong nền điện ảnh thế giới. Ông là đại diện “tiêu biểu cho tác gia điện ảnh toàn vẹn, nghĩa là người tưởng tượng ra rồi đạo diễn những ý nghĩ riêng của mình, vũ trụ riêng của mình”. Đạo diễn ấy thường viết lấy kịch bản phim của mình, hay ít nhất cũng thể hiện được tính cách của mình qua tất cả các khâu, không chịu sự chỉ huy của người sản xuất phim. Kế tục các nhà điện ảnh Mỹ Griffith và Orson Welles, Pháp - A. Gance, J. Vigo, J. Renoir và M. Carné... ông đã mở rộng con đường cho khuynh hướng “điện ảnh mang dấu ấn sáng tác toàn vẹn của đạo diễn” (cinéma d’auteur). Khuynh hướng này chống lại khuynh hướng chung của điện ảnh là chạy theo lợi tức và cái thoáng qua; mỗi phim phải là một tác phẩm nghệ thuật không ngừng lại ở hình ảnh mà đào sâu hình ảnh, mỗi phim phải là một “cái nhìn” của nghệ sĩ đối với mình, cuộc đời và vũ trụ.

Sau đây là một số suy nghĩ của Ingmar Bergman:

Tuổi cao y như trèo núi. Càng lên càng mệt và thở hồng hộc, nhưng cái nhìn mới bao quát biết bao.

Tôi không khóc về những gì không còn nữa. Con cái thì lớn lên. Những dây thân ái tở dần. Tình yêu kết thúc, kể cả sự âu yếm, tình bạn và tinh thần cộng đồng. Điều đó chẳng có gì lạ. Đơn giản, sự việc nó là như thế.

Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút của cuộc đời chúng ta đều đã được kẻ ô. Và trong mỗi ô nhỏ đã ghi trước cái mà ta phải làm. Các ô cứ dần dần được lấp đầy và từ trước đó rất lâu. Rồi đột nhiên, bỗng có một ô chẳng có gì chính xác ở trong, thế là ta hoảng sợ và vội vàng lấp ô đấy bằng đủ mọi thứ chữ nguệch ngoạc.

Muốn có được một sự an ninh về bên ngoài, thế giới này đỏi hỏi giá rất cao: cần luôn luôn phải chấp nhận sự phá hủy nhân cách của mình.

Xưa kia, người ta tưởng rằng không có gì có thể xảy ra đối với mình. Giờ đây thì ta biết là bất cứ cái gì cũng có thể rơi xuống đầu chúng ta. Thực tế, tất cả sự khác nhau giữa xưa và nay chỉ có vậy.

- Tôi tin tưởng vào sự đồng cảm của con người.

- Anh hiểu điều ấy thế nào?

- Nếu mỗi người ngay từ tuổi thơ được dạy để ý đến người khác, tôi chắc chắn là thế giới sẽ khác hẳn.

Một hiền nhân đã nói là bao giờ trong những khổ cực của bạn mình thì cũng có gì đó khiến mình thích thú.

Tôi có nghe một phụ nữ nói thế này: phải chăng phụ nữ chúng tôi đặc biệt có khả năng âu yếm? Tôi không dám đáp lại vì tôi là con người tử tế. Đó chẳng qua chỉ là một luận điểm tuyên truyền mà các bà, các cô sử dụng khi muốn thoát khỏi một tình huống tế nhị. Nhưng dù sao tôi cũng muốn đặt câu hỏi này: đàn bà phải chăng cũng đặc biệt có khả năng độc ác, tàn nhẫn và cả tầm thường?

- Marianne: có thật anh tin là hai con người có thể chung sống suốt đời ư?

- Đó là một ước lệ lạ lùng không biết từ đâu đến. Người ta nên ký với nhau những hợp đồng 5 năm hay ký một hợp đồng tái tục bằng sự thỏa thuận ngầm mà người ta có thể hủy bỏ bất cứ lúc nào.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn