Không biết tôi nhớ có đúng không, mà đúng thì Bacon nào nói câu ấy, vì nước Anh có hai ông Bacon nổi tiếng: Roger Bacon (nhà thần học thời Phục hưng) và Francis Bacon (nhà triết học, bác học, chính khách thế kỷ 16-17 đầu thời Phục hưng).
Về sau, gặp lại thầy Tường nhiều lần, tôi cũng quên hỏi lại cho rõ. Ngày nay, tìm hiểu Francis Bacon, tôi đoán có lẽ là câu của ông.
Tranh vẽ chân dung Francis Bacon (1561-1626).
Francis Bacon (Bây-cơn, 1561-1626) là một nhà quý tộc Anh, có một cuộc đời chính trị thăng trầm: ông là nghị sĩ, làm đến chức Đại pháp quan. Vì ăn hối lộ, ông phải vào tù và rút lui khỏi sinh hoạt chính trị.
Marx đánh giá Bacon là “Ông tổ thực sự của chủ nghĩa duy vật Anh và tất cả những khoa học thực nghiệm hiện đại”. Triết học của ông phản ánh quyền lợi của giai cấp tư sản đương lên: đả phá triết học luận, ông đề ra phương pháp khoa học thực nghiệm và quy nạp với ba giai đoạn của logic mới (quan sát sự việc, quy nạp nêu lên một giả thuyết, kiểm tra giả thuyết bằng thực nghiệm). Mục đích khoa học là làm chủ thiên nhiên. Tác phẩm chủ yếu của ông là Novum organum scientiarum (Phương pháp mới của khoa học, 1620 - tiếng la-tinh). Tác phẩm này đề ra những nguyên tắc đến nay còn dùng trong khoa học luận.
Sau đây xin trích một số câu của Bacon:
Con ruồi đậu trên trục bánh xe đang chạy tự hào nói: mình tung ra không biết bao nhiêu là bụi.
Ít người nhận ra được thế nào là cô đơn và nó bao la đến thế nào. Vì đám đông đâu phải là đám người thân, những bộ mặt chẳng qua chỉ là một loạt chân dung ở phòng triển lãm, chuyện trò với nhau chỉ là tiếng kẻng vang lên ở nơi không có tình yêu.
Đúng là một ít triết học khiến tư duy con người nghiêng về vô thần, nhưng một triết học sâu sắc lại đưa họ đến tôn giáo.
Muốn chi phối được thiên nhiên thì phải biết tuân theo lời thiên nhiên.
Có những cuốn sách để đọc nhấm nháp, có những cuốn đọc ngốn ngấu, và một số ít, cần đọc kỹ để tiêu hóa được.
Tuổi trẻ nhạy bén với sáng tạo hơn là suy xét, thực hiện hơn là khuyên bảo, đề ra những dự án mới hơn là theo đuổi các dự án cũ.
Danh vọng y như cái chợ: đôi khi nếu ta ở đấy ít lâu thì giá cả lại xuống.