Cảo thơm lần giở: Apollinaire nghĩ gì?

12-09-2016 07:57 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Xót xa vì mối tình dang dở, thời gian trôi đi, nhưng những hồi ức thân thương vẫn trở lại hoài. Một nỗi u sầu day dứt khôn nguôi.

Đó là đề tài của 4 bài thơ tình bất hủ trong văn chương Pháp. 3 bài thời lãng mạn thế kỷ 19: Hồ (Le lac) của Lamartine, Hoài niệm (Souvenir) của Musset và Nỗi buồn của Olympio (Tristesse d’Olympio) của Hugo. Bài thứ tư là của nhà thơ hiện đại Apollinaire (A-pô-li-nerơ) 1880-1918, là Cầu Mirabeau (Le pont Mirabeau): nhà thơ ngậm ngùi ngồi bên cầu nhìn nước sông Seine (Paris) chảy trôi đi như dòng thời gian, trôi đi với kỷ niệm của một mối tình tươi đẹp của một mối tình đang tan vỡ. Lời thơ giản dị, âm thanh dịu dàng, gợi một nỗi buồn bâng khuâng mà sâu lắng, nhất là do một điệp khúc gợi luyến tiếc, nhớ nhung. Chiếc cầu nối đôi bờ, y như hai cánh tay đôi bạn tình vươn ra để tay nắm chặt tay, hình ảnh tình yêu bất diệt qua thời gian và không gian nhưng ở bên dưới thời gian và tình yêu cứ lặng lẽ trôi đi không giữ lại được. Bài thơ này được coi là tuyệt tác của thế kỷ 20.

Apollinaire sinh tại Roma, mất tại Paris. Cha ông là sĩ quan Ý, mẹ là người Ba Lan. Từ 1902, ông sống cuộc đời nghệ sĩ vô danh ở Paris. Năm 1914, ông xung phong vào quân đội. Năm 1916, ông bị thương nặng ở đầu và 2 năm sau thì chết. Ông là nhà thơ độc đáo, đa dạng của thời đầu thế kỷ 20. Ông đã mang lại nhiều cách tân về hình thức và nội dung cho thơ hiện đại Pháp, hướng thơ tượng trưng vào những con đường mới, báo hiệu thơ siêu thực. Ông đã đi nhiều nước, tích lũy cảm hứng phong phú. Ở Paris, ông kết bạn với nhà thơ Max Jacob, nhà văn Alfred Jarry, họa sĩ Picasso và hầu hết các nghệ sĩ tiền phong, đặc biệt phái lập thể (cubisme). Ông phản đối những ước lệ tư sản trong tập thơ Rượu (Alcools, 1913), tập thơ hay nhất của ông, biểu hiện một thiên tài phong phú và đa dạng, tập thơ Thơ vẽ hình (Calligrammes, 1917) có những bài chống chiến tranh, có những bài không có chấm phẩy, xếp theo hình vẽ vật nào đó, Cặp vú của Tê-rê-đi-ax (Les mamelles de Tirésias, 1918) là một vở kịch mở đầu trào lưu siêu thực. Ông là một nghệ sĩ vạch con đường mới cho nghệ thuật hiện đại Tây Âu.

Sau đây là một số tư duy của Apollinaire:

- Tôi mong ước trong ngôi nhà của tôi,

Có một người đàn bà luôn biết điều

Có một con mèo lượn lờ qua những cuốn sách

Có những người bạn đi lại quanh năm

Mà thiếu họ tôi không sống nổi

- Cỏ chân ngỗng và cỏ bồ câu

Chúng nở trong vườn

Đang lơ mơ gợi một nỗi buồn man mác

Giữa tình yêu và sự chối từ

- Hỡi nàng thơ dịu dàng! Nàng là nghệ thuật tuyệt vời! Nàng khích lệ sự sáng tạo trong ta, đưa ta đến gần cõi thần linh.

- Đam mê, đam mê vì tất cả mọi thứ đều qua đi. Tôi sẽ nhiều khi quay đầu lại. Những kỷ niệm y như tiếng còi đi săn mà âm thanh tan trong gió.

- Con sông y như nỗi buồn của tôi. Dòng sông chảy mà không cạn.

- Có vô khối những vĩ nhân không được tạc tượng.

- Đã từ lâu người ta thảo luận xem lẽ phải về phía nào, về bên nào, về thiểu số hay về đa số.

- Tôi tiếc mỗi cái hôn mà tôi đã cho.

- Người ta không thể mang xác cha mình mà đi khắp nơi được.

- Một họa sĩ như Picasso nghiên cứu một đồ vật y như một nhà phẫu thuật phẫu tích một xác chết.

- Người ta đánh giá một tác phẩm nghệ thuật bằng số lượng lao động của nghệ sĩ.

- Người ta có thể thành nhà thơ trong tất cả các lĩnh vực. Chỉ cần phiêu lưu và đi tìm kiếm cái để phát hiện.

- Tôi yêu thích nghệ thuật ngày nay vì trước hết là tôi yêu thích ánh sáng và tất cả mọi người trước hết đều yêu ánh sáng. Con người đã chế tạo ra lửa.


Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn