Vào những năm 30 thế kỷ trước, thời Pháp thuộc, cứ đến năm thứ ba trung học thì bắt đầu có môn luận văn tiếng Pháp, thường cho học sinh bình luận về một vấn đề, một tư tưởng của danh nhân hay một câu cách ngôn. Các thầy hay nhắc nhở cách lập luận chặt chẽ và cách viết đơn giản của ông Alain. Hẳn các thầy cũng chỉ theo lời các giáo sư Pháp khuyên thế chứ thời ấy sách báo tiếng Pháp giá đắt, ít ai đọc thường xuyên Alain, một tác giả nghiêm túc, không ai đọc để giải trí.
Alain là bút danh của Giáo sư triết học Pháp Émilie-Aguste Chartier. Ông nổi danh vì hơn 3.000 bài luận văn ngắn thường xuyên viết cho báo chí, có khi viết hàng ngày. Ông nâng thể loại bình luận tin vặt ấy thành một thứ sáng tác triết học về mọi vấn đề của đời sống xã hội và về ý nghĩa của cuộc sống. Những bài ấy được tập hợp và in thành nhiều cuốn sách lấy tên chung là: Những bài luận đàm của Alain (Propos d’Alain). Alain bàn về đủ các vấn đề liên quan đến con người. Tư tưởng của ông nhân đạo, theo lý tưởng cộng hòa, rất phù hợp với thanh niên phe Tả. Ông hay lật ngược vấn đề, đề cao tự do tư tưởng, chống cuồng tín. Ông phán đoán sự việc một cách sáng sủa..., cụ thể, chính xác. Một số nhà phê bình chê ông là tư tưởng vụn vặt (“pense-petit”). Thực ra triết lý của ông khá sâu sắc và không những có ảnh hưởng đến công chúng độc giả rộng rãi mà cả đến những triết gia lớn như Sartre (về chủ nghĩa nhân văn).
Sau đây là một số suy nghĩ của Alain:
- Danh dự quốc gia y như một khẩu súng đã lên đạn.
- Cái vui thích nở hoa trên cái chết là hèn kém.
- Tâm lý thời chúng ta sẽ không thể vực dậy được nữa do một sự lầm lẫn. Nguyên nhân chủ yếu là do người ta tin vào bọn điên rồ và bọn bệnh hoạn.
- Muốn cảm thấy thấm thía tác động của sân khấu phải đi xem diễn thường xuyên.
- Một tâm hồn tinh tế bao giờ cũng tìm đủ lý do để buồn bã, khi cảm thấy buồn; đủ lý do để vui, khi cảm thấy vui; cùng một lý do đôi khi được sử dụng cho cả hai trường hợp.
- Không phải lúc nào ta cũng có đủ sức để chịu đựng nổi nỗi đau khổ của kẻ khác.
- Chính sự buồn chán và những cái điên rồ sinh ra từ đó khiến trật tự xã hội bị đảo lộn.
- Khi tôi có một ý nghĩ, tôi phải gạt bỏ nó. Đó là cách mà tôi thể nghiệm nó.
- Nghìn năm chẳng có nghĩa lý gì. Đối với người biết suy nghĩ thì thời gian quả là ngắn, còn đối với kẻ ham hố thì nó là vô tận.
- Không gì nguy hiểm hơn một ý nghĩ, khi người ta chỉ có một ý nghĩ duy nhất.
- Tôi thương hại những kẻ ra vẻ thông minh, đó là một hứa hẹn mà không thực hiện được.
- Suy nghĩ có nghĩa là nói: “không” (phủ nhận). Hãy để ý tín hiệu của một người bắt đầu ngủ là: “có”; ngược lại, khi thức dậy thì lắc đầu và nói: “không”.
- Trước tiên là cần phải tin tưởng. Phải tin tưởng ngay trước khi có chứng cứ, vì với người không tin tưởng gì cả thì sẽ không có chứng cứ nào cả.