Cảo thơm lần giở: Akutagawa nghĩ gì?

26-02-2019 15:15 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Có thể R.Akutagawa (A-ku-ta-ga-oa, 1892-1927) là nhà văn Nhật hiện đại đầu tiên nổi tiếng nhất ở phương Tây, nhất là sau bộ phim Rasômôn dựa vào một truyện của ông được giải thưởng quốc tế ở Vơnidơ (1951).

Câu chuyện xảy ra vào thế kỷ 15, trong một khu rừng. Một tên cướp khẳng định là y đã giết một võ sĩ sau khi cưỡng dâm vợ chàng. Thiếu phụ này lại nhận là chính mình đã giết chồng. Hồn người chết thì kể lại là chính mình đã tự tử. Đến lượt bác tiều phu kể một câu chuyện khác về cái chết ấy: là tiếng nói của nhân dân, bác lên án những nhân vật tiêu biểu của loại truyện kiếm hiệp được giới quân phiệt hồi đó đề cao: lãnh chúa, phu nhân, hảo hán lục lâm, võ sĩ...

R.Akutagawa (1892-1927).

R.Akutagawa (1892-1927).

Akutagawa trở lại những đề tài cổ Nhật Bản - Trung Quốc nhưng có thái độ phê phán phân tích tâm lý theo hiện đại, không đi sâu cái Tôi, pha trộn hiện thực và huyền ảo thơ mộng.

Akutagawa tự tử khi ông mới 35 tuổi, trong khi tài năng đang nở rộ. Ông uống thuốc ngủ “Vê-rô-nan” vào một đêm oi bức ở Tokyo, trong căn nhà nhỏ là nơi vợ và ba con nhỏ đang ngủ. Trước đó đã lâu, ông nói với một người bạn thân là ông phải chết vì bị ám ảnh bởi một nỗi “lo âu bâng khuâng”. Phải chăng ông lo vì sẽ bị điên như mẹ, rồi sẽ mất khả năng sáng tác? Có phải do thế mà trong 4 năm cuối đời, ông đã dốc toàn tâm toàn lực viết những tác phẩm sâu sắc nhất, tâm tình nhất.

Ngay từ khi còn là sinh viên học văn học Anh, Akugatawa đã nổi tiếng về tài viết văn, đặc biệt trong giới tác giả “Tây hóa” và chống công thức. Ông tìm trong sáng tác phương pháp chống lại tính nhạy cảm thái quá. Ông say mê những tác giả phương Tây như Baudelaire (Bô-đơ-le-rơ), Poe (Pâu), A.France (A.Phrăng-xơ), Strindberg (Xt’rind’-be-ri). Theo ông, tất cả cuộc đời của một con người không bằng một câu thơ của Baudelaire. Ông tự nhận là đồ đệ của A.France, có lẽ ông chỉ đồng điệu với nhà văn Pháp này ở chủ nghĩa hoài nghi duy mỹ. Cảm xúc và nhận thức của ông khá xa A.France, một tâm hồn hài hòa và thăng bằng hơn.

Akutagawa là bậc thầy của truyện ngắn (ông viết tới hơn một trăm truyện ngắn) và thơ haiku. Ông kể chuyện rất hấp dẫn, mỉm cười khoan dung đối với những nhân vật trong “tấn tuồng đời” vô tận.

Văn chương của ông thể hiện một “sự ba lơn và tuyệt vọng”. Quá trình tu luyện của nghệ sĩ đi tìm cái đẹp thật đau đớn, nghiến nát bản thân: nghệ sĩ, dĩ chí phải chấp nhận cả cái ác. Tiêu biểu cho quan niệm này là truyện Bức bình phong âm ti (xuất bản năm 1918). Câu chuyện xảy ra thời Trung cổ. Yosihide là một họa sĩ thiên tài nhưng tính nết thật khó thương: kiêu căng, thô tục, cay độc, lại thêm dáng người như khỉ, ông chỉ say đắm nghệ thuật. Ông chỉ còn một tình cảm thương yêu tha thiết dành cho cô con gái nhu mì và xinh đẹp Yuduko do người vợ quá cố để lại. Lãnh chúa lệnh cho ông vẽ một bức bình phong, thể hiện những cảnh âm ti địa ngục. Sau mấy tháng trời lao động nghệ thuật, ông chưa hoàn thành tác phẩm, ông không vẽ nổi cảnh một bà phi bị lửa đốt vì không có mẫu thật. Lãnh chúa đồng ý tạo cảnh ấy cho ông vẽ; y cho buộc con gái ông mà y đã cưỡng dâm vào chiếc xe nạm vàng của y rồi cho đốt. Họa sĩ đau khổ đành đứng nhìn, nhưng còn đủ sức vẽ lên một tác phẩm vô song. Sau đó ông treo cổ tự tử. Akutagawa đã miêu tả số phận mình: nghệ sĩ, lãnh chúa, con gái đều là dấu ấn định mệnh trong bản thân mình.

Sau đây là một số suy nghĩ của Akutagawa:

Dạy học không phải là một nghề. Theo ý tôi, đúng hơn nên coi đó là một năng khiếu.

(Đối thoại)

- Thời buổi này thế nào?

- Luôn luôn tinh thần căng thẳng.

- Không thuốc nào chữa được đâu. Thế đã không cảm thấy muốn theo đạo (Ki-tô) à?

- Nếu ít nhất có thể được…

- Việc đó quả thật có khó gì đâu, chỉ cần tin vào Đức chúa trời, tin vào chúa Kitô, Đức chúa con, tin vào những phép lạ của Người.

- Điều tôi có thể làm được là tin vào quỷ sứ.

- Thế tại sao không tin vào Đức chúa trời? Nếu tin vào bóng tối, ai cấm mình tin vào ánh sáng?

- Nhưng cũng lại có những bóng tối không có ánh sáng.

Lòng người bị chia sẻ bởi hai tình cảm trái ngược nhau. Chắc chắn là chúng ta thương cảm đối với nỗi khổ của người khác. Nhưng nếu người ấy thoát khỏi nỗi khổ ít nhiều thì chúng ta lại không thể không phật ý. Đôi khi chúng ta có thể đi tới mức mong y lại bị nỗi khổ ấy. Và rồi một tình cảm quả là yếu ớt thôi, bắt đầu nảy nở trong đầu ta.

Con chó quen bị đánh không dám đến gần miếng thịt mà ít khi người ta quẳng cho nó.

Nếu con người bị cụt mất một chân, cái chân đó sẽ không bao giờ mọc lại. Còn về con thằn lằn, có thể bị người ta cắt đuôi, thì nó tự tạo ra một cái đuôi khác để thay thế.

Vui mừng một cách điên cuồng, tôi có cảm giác không cha, không mẹ, không vợ, không con; đối với tôi chỉ có một thứ, một thứ duy nhất: cuộc sống tuôn ra từ ngòi bút của tôi.

Sự phát điên hay tự sát, là những cái duy nhất chờ đợi y. Y bước đi, cô đơn, trong những con phố khi màn đêm buông xuống, quyết định chờ đợi số phận sẽ từ từ đến tiêu diệt y.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn