Hà Nội

Cảo thơm lần giở: A.France nghĩ gì?

16-02-2019 17:25 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thời Pháp thuộc, học Trường Bưởi, tôi thường nghe thầy dạy Pháp văn khuyên là viết tiếng Pháp nên theo văn phong của nhà văn Anatole France (Ph’răng-xơ, 1844-1924), giản dị và trong sáng.

Và thầy bắt đọc thuộc lòng bài Ngày tựu trường của ông.

Sau ngày thống nhất đất nước 1975, tôi có dịp đi Pháp nhiều lần, những lúc trà dư tửu hậu, hỏi chuyện nhiều người, nhất là thế hệ trẻ thì thấy ít ai đọc A. France, bị coi là “đã lỗi thời”. Vậy mà vào đầu thế kỷ 20, ông đã từng là thống soái văn đàn Pháp, nổi tiếng thế giới và giải Nobel. Ông viết tiểu thuyết, luận văn, phê bình, thích triết lý mỉa mai về con người và xã hội. Ông có tư tưởng hoài nghi, cho là con người không thể biết được chân lý, mọi thứ đều là tương đối, nên có thái độ khoan dung độ lượng và thương cảm. Có một vốn tri thức uyên thâm, ông lại có tâm hồn nghệ sĩ, biết hưởng cái vui, cái đẹp mong manh của cuộc đời. Cuối đời, ông chuyển sang chủ nghĩa xã hội, nhưng e ngại bạo lực của cuồng tín chính trị.

Anatole France (1844-1924).

Anatole France (1844-1924).

Nhà xuất bản Ceda (Pháp) in lại tác phẩm của Anatole France, được đánh giá là vẫn “hiện đại” về tư duy.

Dưới đây xin trích dịch một số suy nghĩ của ông, luôn luôn nêu những nghịch lý có lý:

- Khi ta nói cuộc sống là tốt hay xấu, ta nói một điều vô nghĩa. Phải nói nó vừa tốt vừa xấu, vì nhờ nó và do nhờ nó mà ta mới có ý thức tốt xấu. Thật ra, cuộc sống vô cùng vui thú, tuyệt vời, gớm ghiếc, êm dịu, cay đắng, vì nó là tất cả.

- Một hệ thống triết học như của Kant hay Hegel về cơ bản không khác gì những thành tựu mà các bà đạt được khi bói bài để khuây nỗi buồn tẻ của cuộc sống.

- Chúng ta vĩnh viễn là những đứa trẻ con luôn luôn chạy theo những đồ chơi mới.

- Những ý kiến chẳng qua chỉ là những trò chơi chữ.

- Sự ngu dốt là điều kiện thiết yếu của hạnh phúc và của chính ngay cuộc sống. Nếu chúng ta biết tất cả, chúng ta không chịu nổi cuộc sống, dù chỉ là một giờ. Những tình cảm khiến cho ta thấy cuộc sống êm dịu hay ít nhất chịu được, xuất phát từ một sự dối trá, được nuôi dưỡng bằng ảo tưởng.

- Người ngoan đạo thích thú về những vết loét của mình, người ấy vui vì những sự bất công dã man do kẻ thù gây ra cho mình, ngay cả những lỗi lầm và tội của chính mình cũng không làm cho mất hy vọng. Nhưng trong một thế giới mà sự bừng sáng của đức tin đã tắt hẳn, cái ác và nỗi đau khổ mất cả ý nghĩa của chúng, chỉ còn là những trò đùa khả ố và những trò hề thê thảm.

- Càng nghĩ đến cuộc sống con người, tôi càng tin là cần cho nó sự mỉa mai và tình thương làm nhân chứng và thẩm phán… Sự mỉa mai và tình thương là hai vị cố vấn tốt: - sự mỉa mai bằng nụ cười khiến ta thấy cuộc đời dễ thương; - tình thương bằng giọt nước mắt khiến ta cảm thấy cuộc đời thiêng liêng. Ở đây, tôi nói đến sự mỉa mai không hề có ý cay độc, nó không giễu cợt tình thương và cái đẹp, nó dịu dàng và có thiện ý, tiếng cười của nó làm dịu cơn giận; nó dạy chúng ta hãy chế giễu những kẻ ác, kẻ ngu, một khi chúng ta không kiềm chế được sự ghét bỏ.

- Da thịt phụ nữ được nuôi dưỡng bằng vuốt ve, y như con ong được nuôi dưỡng bằng hoa.

- Tôi yêu sự thật, tôi cho là nhân loại cần sự thật, nhưng lại cần hơn nữa đến sự dối trá. Dối trá mơn trớn con người, an ủi con người, đem đến cho con người những tia hy vọng nhỏ nhoi. Không có sự dối trá thì con người sẽ chết vì thất vọng và sự tẻ nhạt của cuộc đời.

- Các nhà thơ giúp ta biết yêu, họ chỉ dùng được vào việc ấy. Thế cũng đủ khi sử dụng tốt tính khoe khoang dễ thương của họ.

- Hòa bình thế giới sẽ được thực hiện một ngày nào đó, không phải do con người tốt lành hơn (xin đừng hy vọng) mà do một trật tự sự vật mới, một khoa học mới, những nhu cầu kinh tế mới, buộc con người phải chấp nhận trạng thái hòa bình.

- Một cuốn từ điển là cả vũ trụ sắp xếp theo vần ABC.

- Văn hóa là cái gì còn tồn tại lại sau khi ta đã quên tất cả cái gì ta học được.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Ý kiến của bạn