Mỗi dân tộc hay quốc gia thường có một văn hào tiêu biểu. Nước Anh có Shakespeare, Ý có Dante, Tây Ban Nha có Cervantes, Việt Nam có Nguyễn Du, Đức có Goethe.
Goethe (1749-1839), sống đến 90 tuổi. Mác và Ăng-ghen đánh giá Goethe là “thiên tài khổng lồ”, “người Đức vĩ đại nhất”, đại diện tiêu biểu nhất của chủ nghĩa cổ điển nhân đạo tư sản. Sáng tác bao gồm nhiều lĩnh vực: văn học, hội họa, lý luận nghệ thuật-văn học, lịch sử, khoa học tự nhiên. Sáng tác qua nhiều giai đoạn văn học Đức: các thời kỳ Ánh sáng, Tiền lãng mạn, Bão táp và phấn khích, Cổ điển, Lãng mạn. Goethe tham gia xuất sắc vào các phong trào, trừ giai đoạn lãng mạn. Thời kỳ Tiền lãng mạn “Bão táp và phấn khích” (1771-1775) được đánh dấu bởi một loạt tác phẩm: Nhân ngày kỉ niệm Shakespeare; Về nghệ thuật kiến trúc Đức về nhà thờ Gô-tích; Goetz von Berlichingen - kịch kiểu Shakespeare về một hiệp sĩ thời Trung cổ, nổi loạn chống trật tự phong kiến; Nỗi đau khổ của chàng Werthers - tiểu thuyết dưới hình thức thư về một mối tình tuyệt vọng trong ước lệ phong kiến, kết liễu bằng tự sát. Thời kỳ sáng tác cổ điển, biểu hiện sự trưởng thành của Goethe: Egmont - bi kịch về cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Hà Lan, miêu tả tình yêu của một cô gái bình thường với hầu tước Egmont; Iphigenie ở Tauris - bi kịch cổ điển ca ngợi tình nhân đạo, kết hợp hài hòa cái Thiện và cái Mỹ; Torquato Tasso - kịch thể hiện hoài bão một cuộc sống hài hòa; Cáo Rayneke Fuchs - truyện kiểu Trung cổ về loài vật, có tính chất trào phúng, chứng minh là tình hình xã hội phong kiến độc đoán nhất định dẫn đến cách mạng; Hermann và Dorothea - tiểu thuyết tình tư sản nêu lên ý thức trách nhiệm về mặt luân lý; Những năm lang thang của Wilhelm Meisters - tiểu thuyết trình bày lý luận về giáo dục; Faust - vở kịch vĩ đại mà Goethe theo đuổi suốt cuộc đời; nhà học giả Faust nguyện trao linh hồn cho Quỷ để thỏa mãn những khao khát về hiểu biết và ước mơ, tượng trưng cho nhân loại đi tìm sự thật, hành động để thay đổi thế giới và muốn sống toàn vẹn, phản ánh lịch sử loài người, đấu tranh giữa Thiện và Ác; đại diện cho lý tưởng của giai cấp tư sản ở thời kỳ tiến bộ, đấu tranh để giải phóng con người, bảo vệ những giá trị nhân văn.
Sau đây, xin trích dịch một số tư duy của Goethe:
Mọi lý thuyết đều u xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi.
Hình ảnh thương tâm của cái chết không phải là một thứ đáng sợ đối với vị minh triết cũng như không phải là mốc cuối cùng đối với người mộ đạo. Hình ảnh ấy khiến vị minh triết trở lại nghiên cứu cuộc sống và dạy vị ấy cách tận hưởng cuộc sống. Nó đề ra cho người mộ đạo một tương lai hạnh phúc, nó mang lại cho họ niềm hy vọng trong những ngày buồn tủi. Đối với cả hai, cái chết lại trở thành cuộc sống.
Không khí mát mẻ của cánh đồng: đó đích thực là nơi ở của chúng ta. Dường như ở đó, cái thần thông của Thượng đế bao phủ con người, con người thấm nhuần ảnh hưởng thần minh (Đàm luận, 1822).
Cần mẫn từ đầu đến cuối, vậy mà đến nay, ta là kẻ điên rồ đáng thương. Vận dụng tất cả trí năng của ta, ta cũng chẳng khôn ngoan gì hơn trước. (Faust).
Người ta có lý khi nói là sự phát triển hài hòa của tất cả các khả năng của con người là điều cần ước muốn, là điều hoàn hảo. Đúng là như vậy, nhưng con người không có khả năng ấy, con người đành phải tự coi mình và tự phát triển như một mảnh của một sinh vật và cố gắng hình dung xem tất cả nhân loại hợp lại là như thế nào (Đàm luận, 1825).
Văn hóa trí thức có thể cứ phát triển mãi mãi, khoa học tự nhiên có thể luôn luôn mở rộng và đi sâu, trí tuệ con người có thể bung ra tùy theo ý muốn, nhưng người ta sẽ không tìm được cái gì hơn luân lý cao siêu sáng ngời và rực rỡ trong đạo lý Kinh Thánh (Đàm luận, 1832).
Phụ nữ là chiếc bình duy nhất còn lại cho chúng ta đổ vào sự khát vọng lý tưởng.
Óc tưởng tượng vươn cánh bay tung hoành đầy viễn vọng, đã muốn vươn tới bất tận. Nhưng rồi nó đành chịu nhận một không gian hẹp khi nhận ra là tất cả những gì nó mơ ước là hạnh phúc đã tan biến trong vực sâu của thời gian (Faust).
Tôi ưa những ai ước mơ cái không thể có được (Faust 2).
Đã từ lâu, tôi tin chắc là báo chí viết ra chỉ để mua vui làm cho quần chúng nhân dân choáng váng trong một lúc, hoặc có một sức mạnh bên ngoài ngăn cản nhà báo nói sự thật, hoặc óc định kiến đẩy họ xa sự thật. Vì vậy, tôi đã không đọc tờ báo nào (Biên niên 1808-1811).
Người ta không biết là phải mất bao nhiêu thì giờ và công phu để học đọc. Tôi làm điều ấy đã tám mươi năm nay, vậy mà tôi vẫn cho là chưa đạt (Đàm luận).
Hãy bền bỉ, hãy luôn luôn quyết tâm trong lúc này. Mỗi phút, mỗi giây vô cùng quý giá vì nó đại diện cho cả một sự vô tận (Đàm luận).
Tất cả những gì đã qua chỉ có giá trị tượng trưng (Faust 2).
Một cuộc đời vô dụng là cái chết đến trước (Iphigenie ở Tauris).
Tài năng phát triển trong sự ẩn dật, tính cách hình thành trong sự ồn ào của cuộc đời (Tasso).
Nào, hãy tiến lên, hãy vượt qua những tấm mộ (Thư cho bạn Zelter, 1831).
Ngày nay, văn học dân tộc không còn ý nghĩa lớn, thời điểm văn học của nhân loại đã đến, chúng ta ngày nay ai cũng phải hành động để nó đến cho nhanh (Đàm luận).
Hữu Ngọc