Dante Alighieri (Đan-tê A-li-gri-e-ri) (1265 - 1321), nhà thơ Ý thời Trung cổ, được xếp vào hàng những nhà thơ lớn của thế giới, người sáng lập ra văn học Ý. Ông xuất thân từ một gia đình quý tộc lớp dưới, ông đi sâu nhiều ngành: thơ, nhạc, vẽ, luật, võ, cưỡi ngựa. Từ 25 - 30 tuổi ông nghiên cứu triết. Từ 30 - 35 tuổi, ông tham gia chính quyền ở thành phố Firenze, ông nhận nhiều nhiệm vụ ngoại giao. Năm 1302, do biến cố chính trị, ông bị tịch thu của cải và bị đày khỏi thành phố quê hương. Ông sống tha hương ở miền Bắc Ý cho đến khi chết.
Sáng tác của Dante phản ánh đầy đủ nhất thế giới Trung cổ nhưng đồng thời báo hiệu tinh thần chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng. Tình yêu, một nguồn cảm hứng lớn của Dante có tính chất lý tưởng, ngoài xác thịt, nâng tâm hồn lên toàn thiện toàn mỹ. Năm 9 tuổi, lần đầu tiên, Dante nhìn thấy Beatrice; năm 18 tuổi, ông gặp lại nàng; ông lấy vợ năm 20 tuổi nhưng vẫn yêu tha thiết Beatrice suốt đời (nàng chết khi 25 tuổi). Dante ca ngợi nàng trong tập Đời mới (khoảng 1292, gồm 25 bài thơ thể Sonnetto lồng vào trong câu chuyện kể bằng văn xuôi; tình yêu được miêu tả với sự chính xác về tâm lý rất hiện đại, nhưng thấm nhuần sâu sắc thần bí Trung cổ. Tác phẩm lớn nhất của Dante là Vở kịch thần diệu. Tác phẩm này cũng bắt nguồn từ mối tình tuyệt diệu đối với Beatrice (lên thiên đường sau khi chết), mối tình trung gian giữa con người và Thượng đế, tượng trưng cho đức tin; vở kịch có 3 phần, 100 đoạn ca, miêu tả con đường của nhân loại đi tìm hạnh phúc trần gian và sự cứu vớt linh hồn ở thế giới bên kia; du khách được Lý trí (nhà thơ Vergilius) chỉ đường, qua rừng tội lỗi, âm phủ (chứng kiến cái ác ghê gớm, những kẻ thù của Dante bị tội), chốn ăn năn, trước khi lên thiên đường. Thiên hùng ca này với nhiều văn phong trữ tình, biểu tượng, kịch tính, thần bí, phản ánh tình trạng xã hội Ý rất hỗn loạn thời đó, tổng hợp chủ nghĩa nhân văn Thiên Chúa giáo và cổ điển, xen lẫn nhân vật thần thoại và nhân vật lịch sử. Dante trình bày những tư tưởng đạo lý và triết học kinh viện trong Bữa tiệc. Dante chủ trương tạo ra một ngôn ngữ văn học chung cho cả nước Ý bằng cách nhào trộn tất cả các thổ âm, thay tiếng La tinh bác học bằng ngôn ngữ dân gian: Bàn về hùng biện bằng tiếng dân gian. Dante trình bày chính kiến trong tập Bàn về chính thể quân chủ: chủ trương chấm dứt mâu thuẫn giữa Giáo hoàng và Hoàng đế, thần quyền không can thiệp vào việc đời, có một nền quân chủ thế giới đảm bảo trật tự và hòa bình.
Sau đây xin trích một số câu biểu hiện tư duy của Dante:
- Tình yêu có sức mạnh rung chuyển vầng thái dương và các vì tinh tú.
- Bạn đang qua những con đường của tình ái - bạn hãy ngừng lại và hãy nhìn cho rõ - có nỗi khổ đau nào lớn hơn nỗi khổ đau của tôi.
- Miễn là lương tâm của tôi không có gì chê trách tôi thì tôi sẵn sàng theo định đoạt của số phận.
- “Kẻ nào vào đây hãy từ bỏ mọi hy vọng” - Tôi nhìn thấy những chữ màu đen thẫm đó viết ở trên khung cửa. Tôi liền thốt lên: “Bẩm sư phụ, con cảm thấy nghĩa câu đó quả thật là cay đắng”. Nhưng sự phụ, với một giọng quả quyết nói: “Ở nơi đây, phải vứt bỏ mọi sự khiếp sợ, phải gạt hết sự hèn nhát trong tâm hồn” - Trích Âm phủ
- Ôi, trí tưởng tượng mạnh biết bao; đôi khi nó kéo ta rất xa khỏi ta, đến mức không còn nhận ra quanh ta hàng nghìn chiếc kèn vang lên!
- Ta đừng nói gì về họ, hãy chỉ nhìn rồi đi qua.
- Không có nỗi đớn đau nào hơn là trong khi đang khốn khổ lại nhớ lại thời sung sướng.
- Ý chí tuyệt đối không chấp nhận cái ác; nhưng ý chí chấp nhận cái ác trong trường hợp nếu nó gạt cái ác này thì lại rơi vào một cái ác khác lớn hơn!
- Con đường dẫn đến thiên đường bắt đầu ở địa ngục.
- Đến giữa cuộc hành trình của cuộc đời, tôi cảm thấy mình ở trong khu rừng âm u không tìm thấy đường thẳng mà đi.
- Cái gì hoàn hảo bao nhiêu thì sẽ mang lại nhiều vui buồn bấy nhiêu.
- Con quỷ không đến nỗi đen tối như người ta vẽ nó ra.
- Cái đẹp thức tỉnh tâm hồn để hành động.
- Một tia lửa nhỏ sẽ thành một ngọn lửa lớn.
- Vì câu hỏi của anh đòi hỏi sự giải thích ý nghĩa sâu sắc, tôi xin giải thích bằng những lời lẽ đơn giản.
- Tôi đã không chết, nhưng đã mất hơi thở của cuộc sống.
- Núi này có hình thể khiến ta bao giờ bắt đầu trèo thì cũng rất mệt, nhưng càng lên cao, càng dễ trèo.
Hữu Ngọc