Bình thường thì nhiều người không để ý tới nó. Chỉ tới khi răng bị đau, nhức hoặc lung lay, đến bệnh viện được các bác sĩ nha khoa chỉ ra thủ phạm đầu tiên của những điều phiền toái ấy chính là cao răng. Nếu răng thường xuyên được sạch, không có cao răng sẽ tránh được bệnh viêm lợi và viêm quanh răng (còn gọi là bệnh nha chu).
Sự hình thành cao răng
Sau khi ăn khoảng 15 phút sẽ có một lớp màng mỏng bám trên bề mặt răng. Nếu màng này không được làm sạch, các vi khuẩn sẽ kéo đến và tích tụ ngày càng dày lên, gọi là mảng bám.
Có một nghiên cứu cho thấy khoảng 70% trọng lượng mảng bám là vi khuẩn, tức trong 1mg mảng bám (bằng kích thước đầu tăm) chứa tới 1 tỉ vi khuẩn.
Khi mảng bám còn mềm, có thể làm sạch khỏi bề mặt răng bằng bàn chải hoặc chỉ nha khoa. Nhưng khi tồn tại lâu, mảng bám vôi hóa bởi hợp chất muối vô cơ trong nước bọt và cặn mềm sẽ trở nên cứng, bám rất chắc vào bề mặt răng hoặc dưới mép lợi, gọi là cao răng (vôi răng). Đến lúc này chỉ có bác sĩ mới có thể làm sạch bằng các dụng cụ chuyên dùng.
Phát hiện có dễ?
Cao răng có thể thấy ở trên lợi hoặc dưới lợi, hoặc cả trên lợi và dưới lợi.
Cao răng trên lợi: bám ở mặt răng và xung quanh thân răng, phía trên lợi nên có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Cao răng trên lợi còn gọi là cao răng nước bọt thường có màu vàng, đôi khi có màu sẫm do dùng nhiều cà phê, thuốc lá, ngậm các thuốc Nam hoặc do vi khuẩn trong miệng gây nên. Cao răng trên lợi hình thành từ nước bọt nên chúng ta thường thấy nhiều ở nơi tiết ra của các tuyến nước bọt; đó là mặt trong răng của hàm dưới và mặt ngoài răng hàm lớn hàm trên. Chúng ta cũng thấy cao răng trên lợi nhiều ở những vùng ít nhai như răng không có răng đối diện, răng đối diện với răng sâu vỡ to và bề mặt của răng giả.
Nên 6 tháng một lần, đi khám và lấy cao răng tại bệnh viện hay các phòng khám răng - hàm - mặt.
Cao răng dưới lợi: bám xung quanh bề mặt chân răng. Bị lợi che phủ nên mắt thường không nhìn thấy được, mà phải thăm khám mới phát hiện được. Loại này thường hình thành do các dịch tiết và chảy máu từ túi lợi nên còn gọi là cao răng huyết thanh. Cao răng dưới lớp lợi co màu nâu và bám rất chắc vào chân răng.
Cao răng được tích tụ dần dần theo từng lớp, ngày càng dày lên. Lớp cao răng đầu tiên với bề mặt không phẳng, nhẵn sẽ tạo điều kiện hình thành cho việc tạo nên một lớp mỏng bám răng mới và trên cơ sở đó, lớp cao răng tiếp theo được tạo nên. Nếu không được lấy đi thì cứ như thế cao răng sẽ dày lên.
Tiềm ẩn các ổ bệnh cho răng miệng
Cao răng là tác nhân đầu tiên kích thích tại chỗ chủ yếu nhất là nơi tích tụ và duy trì vi khuẩn, là tác nhân gây nên bệnh viêm lợi và viêm quanh răng. Tuy cao răng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh, nhưng nó có vai trò hỗ trợ tích cực, tạo điều kiện cho mảng bám răng phát triển, là đất cho các vi khuẩn sinh sôi nảy nở gây ra phản ứng viêm lợi và tổ chức quanh răng.
Cao răng có chứa các thành phần carbonat, phosphate, mảnh vụn thức ăn, vi khuẩn. Cao hơn nữa, cao răng còn chứa đọng sắt của huyết thanh trong máu và nước bọt gây ra một loạt các bệnh:
Bệnh viêm nướu: Vi khuẩn trong cao răng gây ra viêm nướu, làm tiêu xương ổ răng, tụt nướu khiến chân răng ngày càng lộ ra khỏi nướu, răng dễ lung lay.
Bệnh nha chu: Cao răng chính là “tổ” của vi khuẩn gây ra căn bệnh nha chu của con người. Ngoài các triệu chứng lợi bị chảy máu, miệng hôi, viêm nha chu khiến răng ê buốt, lung lay dẫn tới rụng răng sớm. Lấy cao răng sớm để kiểm soát tình hình là cách bảo về răng tốt nhất.
Bệnh niêm mạc miệng: Cao răng cũng góp phần tác động gây nên niêm mạc miệng, lở miệng (áp-xe), thậm chí nặng hơn có thể là các bệnh mũi, họng.
Tùy mức độ cao răng nhiều hay ít và tùy theo phản ứng của từng cơ thể đối với các loại vi khuẩn trên bề mặt cao răng, mà biểu hiện bệnh có thể ở mức độ nặng hay nhẹ. Theo kết quả điều tra về tình hình bệnh răng, miệng gần đây ở Viện Răng - hàm - mặt Hà Nội thì hơn 90% số người được khám là có cao răng, nhưng số người bị bệnh viêm quanh răng thì chỉ vào khoảng 25%. Vì không có biểu hiện đau nhức nên nhiều người cho rằng không cần thiết phải đi lấy cao răng. Thậm chí còn có người cho rằng cao răng góp phần giữ cho răng chắc khỏe hơn. Chỉ khi thấy đau nhức, lung lay, sưng nề vùng lợi chân răng mới đi khám. Lúc đó là thời gian quá muộn để phục hồi tổ chức quanh răng.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để giữ cho hàm răng của chúng ta luôn chắc khỏe, miệng luôn được thơm tho, sạch sẽ thì biện pháp phòng bệnh là tốt nhất. Các biện pháp tốt để phòng bệnh là: Chải răng sạch sẽ hằng ngày, sau bữa ăn và buổi tối trước khi đi ngủ, chải kỹ cả mặt trong và ngoài. Dùng chỉ tơ nha khoa làm sạch sẽ các kẽ răng, nơi bàn chải răng không làm sạch được. Nên 6 tháng một lần, đi khám và lấy cao răng tại bệnh viện hay các phòng khám răng - hàm - mặt.