Hà Nội

Cao răng phá huỷ sức khỏe răng miệng thế nào?

17-06-2016 15:15 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Vôi răng (cao răng) - Không chỉ tạo ra hình ảnh phản cảm mà vôi răng còn nơi cư ngụ của nhiều loại vi khuẩn gây hại răng. Vậy nên chẳng bao giờ là quá sớm để bạn hình thành thói quen cạo vôi răng định kỳ 6 tháng/lần.

Vôi răng là gì?

Vôi răng là những mảng bám, cặn vụn dư thừa của thực phẩm bám dính vào thân răng, chui xuống nướu răng. Mảng bám này theo thời gian phản ứng với những vi khuẩn, nước bọt,... trong miệng lắng đọng lại, tạo thành vôi răng.

Theo nghiên cứu, mảng bám răng – vôi răng là do sự tích lũy các vi sinh vật. Nó chứa 400 loài vi khuẩn khác nhau và hàng tỷ vi trùng sinh sôi trong mỗi mg mảng bám. Hầu hết các vi trùng có hại và chúng có thể gây tổn hại cho răng, nướu răng khi nó tập trung thành lớp dày.

Men răng thường láng bóng. Láng bóng như là một cách tự nhiên của men răng để làm giảm tính bám dính của vôi răng – mảng bám. Tuy nhiên, với một số người men răng lại kém láng bóng. Khi men răng sần sùi thì mảng bám dễ bề tích tụ lại. Ở những người này, vôi răng – mảng bám nhiều hơn so với người bình thường.

Nhóm người hút thuốc lá, nghiện trà, cà phê,… cũng là nhóm đối tượng chịu sự tấn công của vôi răng – mảng bám nhiều bất thường.

Miệng là cửa ngõ của cơ thể. Hầu hết thành phần 'bổ sung' vào cơ thể đều đi vào từ bộ phận này, cho dù đó là thực phẩm, chất lỏng hay… vi khuẩn. Vi khuẩn có hại khi đi vào có thể nằm trong mảng bám răng, không thể gỡ bỏ được nếu chỉ đánh răng bình thường, và nếu nó vẫn còn trong miệng của bạn thì nó sẽ 'tìm thấy' đường vào cơ thể của bạn.

Tác hại của vôi răng như thế nào?

Tác hại đầu tiên mà mọi người luôn cảm nhận được là vôi răng sẽ làm cho hơi thở nặng mùi. Cảm giác răng miệng không sạch sẽ ở những người có vôi răng nhiều, dù đánh răng vài lần trong ngày vẫn không hết.

Như đã đề cập ở trên, vôi răng chứa rất nhiều loại vi khuẩn gây hại cho sức khỏe răng miệng. Răng là đối tượng gây hại đầu tiên của vôi răng, mảng bám. Nếu để vôi răng, mảng bám tích tụ quá nhiều, quá dày và quá lâu thì sẽ gây hại cho men răng. Một số trường hợp sẽ làm tổn thương men răng đến mức không thể hồi phục, gây sâu răng. Đây được coi như là nguyên nhân gây ra sâu răng một cách cơ học.

Trong hàng tram vi khuẩn tồn tại ở vôi răng cũng chứa tới vài chục loại vi khuẩn đặc hiệu gây ra sâu răng. Cho đến nay Streptococcus mutans, Lactobacilli được xem là tác nhân chính gây ra sâu răng. Vi khuẩn này lên men carbohydrate tạo ra acid, làm pH giảm xuống < 5, sự giảm pH liên tục có thể đưa đến sự khử khoáng trên bề mặt răng, làm mất vôi ở các mô cứng của răng, khởi phát quá trình sâu răng.

Mô mềm quanh răng bao gồm nướu, nha chu,… cũng là đối tượng chính bị vôi răng tấn công dữ dội. Khi nướu răng bị vôi răng bám dính lâu ngày sẽ gây ra viêm nướu. Nướu sưng tấy, viêm đỏ và chảy máu. Vôi răng cũng làm cho nướu răng mất tính bám dính vào răng, tụt sâu xuống làm răng hở kẽ, lộ chân răng.

Vôi răng cũng là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh viêm nha chu với những biểu hiện chẳng mấy dễ chịu như nướu sưng đỏ, dễ chảy máu, chảy mủ, tiêu xương ổ răng, răng lung lay và cuối cùng có thể dẫn đến rụng răng!.

Bệnh nha chu thường diễn biến qua 2 giai đoạn: viêm nướu và viêm nha chu. Ở giai đoạn nướu bị viêm, nếu được điều trị kịp thời, bệnh sẽ khỏi hẳn. Ngược lại nếu không điều trị tình trạng viêm nướu sẽ kéo dài  và kết cục là các mô bị phá hủy, gây viêm nha chu. Lúc đó, dù điều trị thế nào răng lợi của bạn cũng không thể hồi phục như cũ. Và tệ hơn từ đó hiện tượng tiêu xương ngày một trầm trọng hơn, răng lung lay và phải nhổ bỏ răng là điều không thể tránh khỏi.

Phòng tránh và điều trị như thế nào?

Phòng bệnh luôn luôn hiệu quả và dễ dàng hơn chữa bệnh. Khi vôi răng gây ra bệnh nha chu, làm tổn thương răng đến mức độ lung lay thì việc điều trị phục hồi hầu như rất khó khăn.

Nhưng để phòng tránh bệnh viêm nha chu không hề phức tạp: ngăn chặn sự hình thành của mảng bám – vôi răng. Điều này cũng rất dễ thực hiện với tất cả mọi người, ở mọi hoàn cảnh, điều kiện: chải răng đều đặn sau các bữa ăn và trước khi đi ngủ. Hạn chế hút thuốc lá, uống cà phê cũng là một trong những cách làm giảm sự tích tụ của mảng bám – vôi răng.

Và một hoạt động không thể thiếu và nên thực hiện định kỳ là 6 tháng một lần hãy đến nha sĩ để lấy sạch vôi răng, mảng bám ở những nơi bàn chải không làm sạch được như kẽ răng, các mặt xa ở răng hàm, ở những vùng răng giả.


Ths. Bs Nguyễn Bá Lân
Ý kiến của bạn