Đêm nay và ngày mai là cao điểm của mưa lũ miền Bắc
Tối ngày 9/9, ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết , hiện các sông nhỏ khu vực miền núi phía Bắc đều ở mức báo động 2-3. Trong 6-12 giờ tới, nước trên các sông này tiếp tục lên cao, dao động mức báo động 2-3.
Do ảnh hưởng của lũ, toàn bộ miền Bắc, nhiều khu vực ngập lụt diện rộng. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, người dân phải tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chức năng để di dời đến nơi an toàn.
"Đêm nay và ngày mai (10/9), các tỉnh miền Bắc tiếp tục có mưa rất lớn, người dân ở các khu vực có nguy cơ cao cần di chuyển đến nơi an toàn để đảm bảo tính mạng. Đặc biệt, các tỉnh có nguy cơ cao nhất là Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Thái Nguyên", ông Hoàng Văn Đại cho hay.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, từ nay (9/9) đến 11/9, trên các sông khác ở Bắc Bộ xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La lên mức báo động 2- báo động 3, có sông trên báo động 3.
Theo ông Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, sau bão số 3, người dân không nên chủ quan bởi vì bây giờ vẫn là thời điểm nguy hiểm, do mưa của hoàn lưu bão. Ông khuyến cáo người dân, nhất là những người sống trong khu vực được dự báo, cảnh báo có tiềm năng về sạt lở đất, lũ quét, lũ bùn đá... được chính quyền trung ương và địa phương thông báo, cảnh báo trên các phương thông tin đại chúng như như điện đàm, hỏa tốc, khẩn, loa đài, mạng xã hội, điện đàm... về các hiện tượng như lượng mưa, thời gian mưa... Người dân cần chấp hành các khuyến cáo, thông báo về thời gian không ra đường, thời gian lưu thông trong các khu vực nói trên.
Cụ thể, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng, khi thấy dấu hiệu của sạt lở đất, chẳng hạn như mặt đất phồng lên, rung chuyển, âm thanh lạ trong lòng đất; vết nứt nền nhà, tường nhà, sườn đồi; cây cối nghiêng; nước sông suối chuyển màu đục…, người dân cần thông tin cảnh báo ngay các hiện tượng cho chính quyền địa phương và những người xung quanh để thực hiện ngay các phương án phòng tránh. Đồng thời, chính quyền địa phương theo dõi và nhanh chóng tiến hành di dời người dân trong khu vực nếu có nguy cơ lớn, cần ưu tiên bảo vệ tính mạng.
Bên cạnh đó, người dân phải hết sức cảnh giác, đề phòng khi có các dấu hiệu của lũ quét, sạt lở đất, nhất là khi có mưa lớn kéo dài; tránh xa các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất như triền núi, khu vực giáp sông suối…; tránh xa khu vực nguy hiểm và di chuyển đến khu vực an toàn do chính quyền địa phương quy định.
Lượng mưa quá lớn, vượt sức chịu tải của hạ tầng
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho rằng, nguyên nhân ngập lụt diện rộng nghiêm trọng ở miền Bắc là do lượng mưa quá lớn. Nhìn vào số liệu lượng mưa trong 24 giờ qua ở các trạm đo thuộc các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc có thể thấy rõ.
Với địa hình đồi núi dày đặc trên trung du và các tỉnh miền núi phía Bắc thì chỉ cần lượng mưa cục bộ 150mm/ ngày đã tạo ra nguy cơ ngập và lũ quét ở các vùng thấp trũng rồi. Đằng này mưa chủ yếu là hơn 250mm, cá biệt có những nơi mưa tới hơn 300mm, hơn 400mm như Thái Nguyên, Lào Cai, phía Bắc Quảng Ninh, Yên Bái.
Với lượng mưa 24 giờ như thế kết hợp mực nước lớn sẵn sau ngày mưa hoàn lưu bão đầu tiên (tối 7, ngày 8/9) thì hệ thống thoát nước khó có thể đáp ứng Ngay cả khi các hồ thủy lợi hay thủy điện ở mực nước thấp trước mưa thì nước cũng làm đầy hồ trong ngày. Lụt là không thể tránh khỏi.
"Đêm nay và mai còn mưa nên diện tích ngập lụt sẽ gia tăng do ở miền núi và trung du phía Bắc đa số các con sông đã đầy nước. Đường thoát nước ra biển rất dài nên tốc độ thoát nước sẽ chậm nên người dân ở khu vực miền núi phía Bắc cần hết sức thận trọng", chuyên gia cảnh báo.
TS Huy khuyến cáo, đêm nay và ngày mai (10/9) vẫn tiếp tục xảy ra mưa lớn diện rộng ở miền núi và trung du phía Bắc. Khả năng cao sẽ phát sinh thêm nhiều điểm ngập lụt và sạt lở mới. Bà con nên tạm tránh xa những khu vực có taluy dốc, tìm đến tránh trú ở nơi bằng phẳng. Những nơi ven sông, ven suối có nguy cơ nước dâng và lũ quét thì nên di dời lên chỗ cao hơn.
Chuyên gia khuyên người dân cách ứng phó với mưa lũ, chỗ nào không có dòng chảy thì tìm kiếm xung quanh những vật dụng có thể làm bè. Có thể tận dụng cây chuối, cọc tre làm thành bè, neo vào nơi nào đó dự phòng khi nước lên. Có thể tự tạo phao cứu sinh tạm thời bằng cách dùng vỏ chai nhựa và sợi dây thừng xung quanh kết thành khối chắc chắn. Gia đình nào có áo phao thì để nơi dễ tiếp cận nhất. Ở những vùng thấp trũng, phải đảm bảo mọi thành viên trong gia đình phải có áo phao, hoặc thứ gì đó làm phao bơi được để phòng ngừa nguy cơ ngập lũ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Siêu bão Yagi vừa qua, Biển Đông khả năng đón thêm 2 cơn bão “dồn dập” | SKĐS