Hàng chục nghìn cú sét trong 1 ngày là bình thường
Theo dữ liệu từ Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia (Cục Khí tượng thủy văn), hệ thống radar của đơn vị này ghi nhận hàng chục nghìn cú sét đánh xuống đất và sét trong mây ở trên đất liền, trên biển và khu vực lân cận Việt Nam vào ngày 24-25/4.
Sét đánh tập trung chủ yếu ở khu vực các tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ như Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang, các tỉnh thành Đồng bằng sông Hồng như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hà Nội và khu vực vịnh Bắc Bộ.

Ngày 25/4 miền Bắc chịu hàng chục nghìn cú sét.
Lý giải hiện tượng này, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết, nguyên nhân của những cơn mưa này là do khối không khí lạnh cuối mùa từ phía Bắc di chuyển xuống, tương tác với khối không khí nóng ẩm đang tồn tại ở Bắc Bộ trong những ngày qua, tạo ra dòng thăng mạnh gây mưa lớn và cả mưa đá ở khu vực vùng núi phía Bắc trong chiều và tối qua.
Ông Khiêm cũng lưu ý hiện tượng mưa dông, lốc, sét và mưa đá thường xuất hiện trong thời điểm giao mùa từ cuối tháng 3 đến hết tháng 5 ở Bắc Bộ. Do đó, thời gian tới hiện tượng này sẽ còn xuất hiện.
Nói về việc hàng chục nghìn cú sét đánh có bất thường không, ông Nguyễn Vinh Thư, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật quan trắc Khí tượng Thuỷ văn cho biết, với thiết bị hiện đại, mỗi lần phóng điện giữa các đám mây và từ đám mây xuống mặt đất đều được thu nhận.
Trên thực tế, cường độ của các tia sét sẽ rất khác nhau. Những tia sét có cường độ yếu, chúng ta có thể không cảm nhận được bằng giác quan thông thường. Chỉ khi cường độ tia sét đủ lớn, chúng ta mới có thể cảm nhận được như thấy tia chớp và tiếng sấm.
Một con số thống kê khoa học cho thấy, 70% số sét trên toàn cầu xảy ra ở vùng nhiệt đới. Trong đó Việt Nam lại nằm trong vùng tâm dông của châu Á. Trong các tháng giao mùa như hiện nay, nguy cơ về dông sét sẽ cao hơn các thời kì khác trong năm.
3 người thương vong do sét đánh ở Sơn La
Chiều tối 25/4, lãnh đạo UBND xã Nậm Ty (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra vụ sét đánh làm một người tử vong.
Theo đó vào khoảng 9h sáng cùng ngày, trong lúc Lò Văn N. (21 tuổi), Lò Văn C. (16 tuổi) và Lò Duy K. (12 tuổi, cùng ở bản Nà Tòng, xã Nậm Ty) đang làm ở khu vực ruộng ở bản Nà Tòng thì trời mưa to.
Do trời mưa to nên cả ba người đã vào một lán ruộng gần đó trú mưa. Sau đó sét đánh trúng lán ruộng này. Hậu quả, Lò Duy K. tử vong tại chỗ. Còn Lò Văn N. và Lò Văn C. bị hôn mê. Ngay sau đó, lực lượng chức năng cùng người dân đã đưa N. và C. tới trạm y tế xã để cấp cứu. Thi thể em K. đã được bàn giao cho gia đình để tổ chức mai táng theo phong tục địa phương.
Phòng tránh sét đánh, đặc biệt ở thời điểm giao mùa
Sáng ngày 26/4, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, theo Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Hà Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Huế, Quảng Ngãi, mưa lớn kèm dông, lốc, mưa đá ngày 23-25/4/2025 đã gây thiệt hại làm 1 người chết (Thanh Hóa); 1 người bị thương (Nghệ An);
21 nhà sập (Nghệ An 6, Quảng Ngãi 15); 578 nhà hư hỏng, tốc mái (Hà Giang 330, Nghệ An 129, Quảng Bình 12, Huế 27, Quảng Ngãi 80).
Về nông nghiệp: 51,32 ha lúa, hoa màu thiệt hại (Hà Giang: 4ha; Quảng Bình 42ha, Huế 05ha, Nghệ An 0,32ha); 94,86 ha cây lâm nghiệp thiệt hại (Hà Giang 10,3ha; Nghệ An 34,56ha, Huế 50ha); 3 trường học (Nghệ An 2, Huế 1), 2 trụ sở cơ quan (Quảng Ngãi) bị ảnh hưởng.
Thống kê của Viện Các khoa học Trái đất cho thấy, mỗi năm ở nước ta có thể có 2 triệu cú sét đánh xuống đất, một số địa phương sét thường xuất hiện nhiều là Hà Nội, Hải Dương, Quảng Nam và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Theo cơ quan Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, dông là một hiện tượng khí tượng, bao gồm sự phóng điện trong cùng một đám mây, giữa các đám mây hoặc giữa các đám mây với mặt đất... tạo ra hiện tượng chớp và sấm.
Trường hợp phóng điện xảy ra giữa các đám mây và mặt đất gọi là sét. Sét có thể phát ra tia lửa điện và dòng điện đủ mạnh gây chết người hoặc cháy nhà cửa. Sét có thể đánh ở hầu hết mọi nơi, ngay cả trước, trong và sau khi mưa và nhắm vào bất cứ đối tượng nào khi có đủ yếu tố hình thành sét.
Theo chuyên gia thời tiết, hiện nay đang là thời điểm giao mùa nên hiện tượng mưa dông, lốc, sét và mưa đá sẽ còn xuất hiện ở khu vực Bắc Bộ đến hết tháng 5. Để phòng chống bị sét đánh, tất cả người dân cần chủ động nắm rõ thông tin thời tiết. Khi trời sắp xảy ra dông cần vào nhà trú mưa.
Khi ở trong nhà, nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết. Rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có mưa dông.
Với các đường dây điện thoại hay dây điện vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền. Bởi vậy nên tránh xa các dây này và các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là một mét.
Khi đang ở ngoài trời, nếu không tìm được chỗ trú ẩn, phải tránh xa các cây cao, không đứng ở đỉnh đồi, không đứng ở các vùng đất trống trải, vứt bỏ các vật dụng kim loại trong người; cũng không đứng, ngồi cạnh cột điện, hoặc đường dây tải điện, đây cũng là những nơi dễ bị sét đánh hay dây điện bị đứt nên rất nguy hiểm.
Trong trường hợp đang ở vùng đất trống nên chụm hai chân, cúi người sát mặt đất (nhưng không chạm hay nằm xuống đất) với hai tay bịt tai…
Nếu ở trong rừng thì tìm những nơi cây thấp hơn và thưa để tránh. Không đứng thành nhóm người gần nhau.