Cao dán xuyên da cũng gây tác dụng phụ

06-05-2019 10:07 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Tôi thích dùng các thuốc dán trên da như: thuốc chống nôn (mỗi khi đi tàu xe) hay thuốc giảm đau (khi bị đau ở đâu đó), vì cách dùng đơn giản và vẫn cho tác dụng tốt.

Các thuốc dán trên da có gây tác dụng phụ như các thuốc khác không, các lưu ý khi dùng loại thuốc này thế nào? rất mong được quý báo giải đáp.

Hoàng Thị Lợi (Hà Nội)

Thuốc ở dạng băng dán xuyên da thường là băng mỏng, thường có hình chữ nhật hay hình tròn, có 2 loại, đó là loại dán lên da cho tác dụng tại chỗ kiểu như miếng cao dán salonpas chỉ có tác dụng giảm đau ở chỗ vùng dán. Còn loại thứ hai mặc dù dán lên da nhưng thuốc ngấm xuyên qua da, đi vào mạch máu, cho tác dụng toàn thân (tác dụng không khác gì thuốc uống hay tiêm) như thuốc giảm đau mà bạn hay dùng, thuốc chống say tàu, xe... Sau khi dán, dược chất sẽ thấm xuyên qua da để vào tĩnh mạch dưới da, vào hệ tuần hoàn chung và cho tác dụng toàn thân. Dạng thuốc này có các ưu điểm: Không làm thương tổn cơ quan tiêu hóa, không gây tai biến và bất tiện như dạng thuốc tiêm; không có sự biến đổi hấp thụ và bị gan chuyển hóa như dạng thuốc uống; có thể cung cấp dược chất liên tục mà không phải dùng thuốc nhiều lần trong ngày... Do có nhiều ưu điểm nên thuốc dán xuyên da được dùng điều trị nhiều bệnh lý khác nhau như: Đau thắt ngực, phòng ngừa nhồi máu cơ tim, say tàu xe, rối loạn mãn kinh do thiếu hormon sinh dục nữ...

Tuy nhiên, vì mang tính chất như dược phẩm nên dạng thuốc dán xuyên da có thể cho tác dụng phụ giống như dạng thuốc uống hay tiêm. Đây là điều mà người sử dụng cần đặc biệt lưu ý. Như fentanyl TTS chứa dược chất giảm đau gây nghiện có thể gây khó thở, thở chậm, suy hô hấp. Miếng dán xuyên da chống nôn chứa scopolamine có thể gây tác dụng phụ gọi là liệt đối giao cảm (có tác động đến hệ thần kinh) làm khô miệng, táo bón, nhức đầu, lơ mơ, ói mửa, rối loạn điều tiết mắt (làm mắt nhìn mờ, hoa mắt)... Trường hợp bị tác dụng phụ phải ngưng ngay sự điều trị bằng cách bóc băng dán ra khỏi da, nếu đang dùng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ phải báo cho bác sĩ biết.

Khi dùng loại thuốc dán này cũng cần lưu ý, không nên dán vào chỗ trầy xước hoặc có vết thương, vì hoạt chất có thể thấm vào bên trong cơ thể gây hại. Ví dụ: Băng dán salonpas chứa methyl salicylat, menthol, camphor, thymol... trong đó methyl salicylat nếu thấm nhiều vào máu sẽ gây độc. Không nên dùng đồng thời cả thuốc dán, thuốc uống cùng cho một tác dụng, như vật rất dễ quá liều. Khi dùng thuốc dán xuyên da cũng cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ.

DS. Thanh Trà


Ý kiến của bạn