Cao Bằng và Bắc Kạn cần tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc

24-11-2023 08:59 | Xã hội

SKĐS - Đồng chí Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn cần có những giải pháp chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công và các Chương trình MTQG đạt tỷ lệ cao nhất, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai nhiệm vụ các thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương, ngày 23/11, tại trụ sở Ủy ban Dân tộc, đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT đã chủ trì Hội nghị trực tuyến làm việc với hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn. Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc UBDT.

Cao Bằng và Bắc Kạn cần tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc- Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Đề xuất tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Tại Hội nghị, lãnh đạo hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn đã báo cáo kết quả thực hiện một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu giai đoạn 2021-2023 và tháng 11/2023 liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh; giải ngân vốn đầu tư công; tình hình thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn…

Về tình hình giải quyết những khó khăn vướng mắc của các tỉnh, đến nay tỉnh Cao Bằng đã có 37 nội dung khó khăn, vướng mắc được giải quyết, tháo gỡ; còn 20 kiến nghị, vướng mắc chưa được giải quyết. Tỉnh Bắc Kạn có 17 nội dung kiến nghị, vướng mắc đã được tháo gỡ; còn 10 nội dung khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị chưa được tháo gỡ. Cả hai tỉnh không còn những khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của UBDT.

Hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn kiến nghị: Các bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn cụ thể việc xác định giá đất; cho phép các tỉnh chủ động thực hiện điều chuyển nguồn vốn sự nghiệp giữa các dự án của Chương trình MTQG phù hợp với tình hình thực hiện thực tế tại địa phương để sử dụng vốn đạt hiệu quả; khẩn trương hướng dẫn thực hiện đối với kế hoạch vốn mô hình tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản thuộc Dự án 8 trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; có cơ chế cho người dân tại các xã đặc biệt khó khăn sau khi đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về thẻ bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, miễn giảm học phí…

Hai tỉnh đồng thời đề xuất, kiến nghị các Bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm, hướng dẫn, có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.

Cần tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn bám sát Nghị quyết số 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, rà soát các nguồn thu, tăng cường thu ngân sách; có giải pháp quyết liệt trong công tác giải ngân vốn đầu tư công; chủ động giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền địa phương; đảm bảo ổn định đời sống bà con nhân dân, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023.

Đối với các Chương trình MTQG, đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và tự nguyện tham gia các chương trình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn ngay tại cơ sở. Với những vấn đề thuộc thẩm quyền cấp tỉnh cần có giải pháp xử lý dứt điểm, kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền để có hướng xử lý. Tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành và các địa phương trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tháo gỡ trực tiếp tại cơ sở; bám nắm tình hình thực tế; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định.

Cao Bằng và Bắc Kạn cần tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc- Ảnh 2.

Đồng chí Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn báo cáo tại Hội nghị.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh nhấn mạnh, Cao Bằng và Bắc Kạn là hai tỉnh có hầu hết số xã thuộc miền núi, vùng cao, vùng DTTS, có tỷ lệ người DTTS và tỷ lệ xã, thôn đặc biệt khó khăn rất cao so với bình quân cả nước. Vì vậy, thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng chính là thực hiện công tác dân tộc. Do đó hai tỉnh cần tiếp tục quan tâm đến công tác dân tộc và thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, xoá đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các DTTS. Các kiến nghị, đề xuất của hai tỉnh sẽ được tiếp thu, tổng hợp để báo cáo Chính phủ có định hướng giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.
Chương trình MTQG 1719 ở Yên Bái có nhiều chuyển biến tích cựcChương trình MTQG 1719 ở Yên Bái có nhiều chuyển biến tích cực

SKĐS - Với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước, việc Yên Bái triển khai thực hiện các Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Khó khăn trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho đồng bào dân tộc miền núi.


Đức Minh
Ý kiến của bạn