Trong đó, thiệt hại nặng nhất là huyện Nguyên Bình có 17 người chết, 16 người mất tích, 8 người bị thương. Tại huyện Bảo Lạc, lực lượng cứu nạn, cứu hộ cũng vớt được 5 thi thể bị đuối nước do lũ dâng cao.
Ngoài ra, tại Cao Bằng, mưa lũ cũng làm 663 nhà bị thiệt hại, trong đó có 15 bị sập đổ hoàn toàn; trạm y tế các xã Tam Kim, Nguyên Bình, 10 điểm trường ở các huyện Bảo Lạc, Trùng Khánh, Nguyên Bình bị sạt lở taluy dương, đất, đá vùi lấp nền, sân xung quanh nhà trạm hoặc bị nước ngập.
Toàn tỉnh có gần 530 ha lúa, hoa màu, rau màu bị ngập nước; các tuyến đường Quốc lộ, Tỉnh lộ và nhiều đường giao thông nông thôn tiếp tục sạt lở đất khối lượng lớn, gây tắc đường đi các xã trên địa bàn các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc.
Trong ngày 9/9, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng đã khẩn trương đến hiện trường kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Tại các điểm kiểm tra, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng lưu ý các địa phương không chủ quan, lơ là mất cảnh giác; thường xuyên theo dõi sát tình hình mực nước trên các sông, có biện pháp huy động các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ đưa người dân đến nơi an toàn; kiên quyết di dời người và tài sản có nguy cơ bị thiệt hại, với phương châm bảo đảm tính mạng cho người dân phải đặt lên hàng đầu.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương thống kê thiệt hại chính xác, khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh, sửa chữa cơ sở vật chất các trường học bị ngập ứng, sớm bảo đảm điều kiện cho công tác dạy và học. Các ngành chức năng hướng dẫn người dân các biện pháp sản xuất cây trồng, vật nuôi sau bão, lũ; có phương án hỗ trợ nhân dân tiêu độc, khử trùng, phòng, chống dịch bệnh.
Tại các điểm sạt lở, các lực lượng cứu hộ đã triển khai nhưng gặp nhiều khó khăn do giao thông sạt lở, chia cắt và trời vẫn có mưa lớn. Đến 21 giờ ngày 9/9, thêm một số thi thể nữa tại các khu vực sạt lở đã được phát hiện.
Cao Bằng vẫn đang chạy đua với thời gian cũng như mưa lớn để tìm kiếm những người mất tích.