Cao Bằng: 7 trẻ tử vong bất thường nghi do viêm não cấp

27-05-2016 11:31 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, từ ngày 19/4 - 25/5, tại xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) có tới 7 trường hợp trẻ em dưới 6 tháng tuổi tử vong, nghi do viêm não cấp với các triệu chứng như ho, sốt, viêm đường hô hấp. Theo Bs.Nguyễn Văn Lê, PGĐ Sở Y tế Cao Bằng, hiện khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Lâm vẫn đang điều trị cho 7 bệnh nhi có những dấu hiệu tương tự viêm não cấp,tiến triển tốt, 5 bệnh nhi đã xuất viện.

Sáng 27/5, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ngay sau khi nhận được báo cáo về ổ dịch có 7 trẻ tử vong bất thường nghi do viêm não cấp, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác gồm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương đến địa phương để hỗ trợ điều trị, lấy mẫu xét nghiệm, giám sát và xử lý ổ dịch

Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, từ ngày 19/4 - 25/5, tại xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) có tới 7 trường hợp trẻ em dưới 6 tháng tuổi tử vong, nghi do viêm não cấp với các triệu chứng như ho, sốt, viêm đường hô hấp. Tại khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Lâm hiện vẫn đang điều trị cho 12 bệnh nhi có những dấu hiệu tương tự viêm não cấp.

Ông Trần Đắc Phu cũng cho biết, ngay sau khi nhận được báo cáo về ổ dịch, Cục Y tế dự phòng yêu cầu Sở Y tế Cao Bằng phải tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc viêm não cấp, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch lan rộng, triển khai các biện pháp phòng chống dịch trên toàn tỉnh nếu cần thiết.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, gần đây Bệnh viện Nhi Trung ương và một số cơ sở y tế khác báo cáo ghi nhận rải rác các trẻ viêm não virus. Số ca mắc trên cả nước từ đầu năm đến nay giảm so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên dự báo sẽ gia tăng trong các tháng hè. Viêm não do virus xuất hiện quanh năm nhưng mùa dịch là vào các tháng hè và đỉnh điểm là tháng 6-8. Bệnh nguy hiểm ở chỗ nếu không được phát hiện sớm, chữa kịp thời thì sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề như: bại não, liệt chân, tay, bị mắc động kinh, điếc, trí nhớ kém, ảnh hưởng đến kết quả học tập…

Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Theo Cục trưởng Phu, bệnh có thể bị lây nhiễm qua côn trùng đốt, qua đường tiêu hóa hoặc qua đường hô hấp. Trẻ dưới 15 tuổi là những người có nguy cơ mắc cao. Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương. Bất kể những hợp nào sốt, nôn, đau đầu không rõ nguyên nhân cha mẹ nên nghĩ đến viêm não do virus.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm- trưởng Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi TW: Viêm não cấp ở trẻ em do virus gây ra, bệnh có tỉ lệ tử vong 10-15% và khoảng 35% để lại di chứng rất nặng như liệt, co quắp chân tay hoặc không còn ý thức, sống thực vật. Tuỳ theo nguyên nhân, diễn tiến của viêm não cấp có thể khiến trẻ tử vong trong 24 giờ đâu hay sau 3-7 ngày hôn mê.

Để xác định bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành chọc dịch não tủy. Điều quan trọng là phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Một khi bệnh đã có đầy đủ các dấu hiệu điển hình thì nghĩa là đã nặng, co giật, hôn mê, liệt... Viêm não do virus là bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên, trong đó có virus viêm não Nhật Bản. Các căn nguyên gây viêm não là virus arbo (trong đó có virus viêm não Nhật Bản), virus herpes, virus đường ruột (như EV71 gây bệnh tay chân miệng)...

Để phòng chống bệnh, ngành y tế khuyến cáo người dân:

- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.

- Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín.

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.

- Đối với virus gây bệnh viêm não Nhật Bản, cha mẹ cần đưa con tiêm đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất với 3 liều cơ bản: Mũi một lúc trẻ được một tuổi; Mũi 2 sau mũi một từ một đến 2 tuần; Mũi 3 cách mũi 2 một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Nhờ tiêm chủng, tỷ lệ trẻ mắc viêm não Nhật bản trong số các ca viêm não do virus đã giảm từ 30% xuống còn khoảng 8-10% như hiện nay. Đây là virus gây bệnh cảnh nặng, tỷ lệ tử vong và di chứng cao.


Thái Bình
Ý kiến của bạn