Kỳ II - Tổ chức Mạng lưới sản xuất, phân phối dược phẩm
Những khuynh hướng kỹ thuật mới trong sản xuất thuốc
Từ thập niên 70, các nước phát triển đã đưa công nghệ sinh học hiện đại vào sản xuất thuốc. Năm 1972, lần đầu tiên phương pháp tái tổ hợp gen thành công, điển hình là sản xuất ra hormon tăng trưởng (GH= growth hormon), hormon tuyến tụy (insulin). Ưu thế của phương pháp sản xuất này là áp dụng kỹ thuật cao nhưng công nghệ lại không đòi hỏi quy mô nhà xưởng lớn, có thể tạo ra thuốc quí hiếm, ấn định giá cao, nhưng chi phí thấp hơn nhiều so với cách tổng hợp hóa học. Đến năm 2006, đã có khoảng 50 sản phẩm sản xuất bằng phương pháp này, thu về lợi nhuận khổng lồ: năm 1997 là 15 tỷ USD, năm 2000 là 30 tỷ, năm 2006 là 60 tỷ.
Những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, việc sản xuất thuốc bằng công nghệ sinh học hiện đại có thêm bước đột phá (chiết ra gen đơn dòng, nhân lên, làm biến đổi gen theo ý muốn) tạo ra thuốc sinh học thế hệ mới. Ngoài những ưu thế trên, phương pháp này có khả năng tạo ra các sản phẩm chữa các bệnh chưa có thuốc chữa, khó chữa như ung thư (herceptin, boctozomi, bevacizumab, eritus, rituxan), suy tim mạn nặng (natrecor), bệnh có số đông bị kháng thuốc như viêm khớp dạng thấp (humia, remicade, enbrel, keneret). Những thuốc này giá ấn định cực kỳ cao (ví dụ: một liều rituxan giá tới 10.000 USD) nhưng người dùng không ít (sau vài năm biệt dược natrecor ra đời, riêng tại Mỹ đã có 500.000 người dùng). Chúng cũng tạo ra những bước ngoặt, những cách điều trị mới, do đó ngoài lợi nhuận về bán thuốc còn tạo ra nguồn thu mới từ khám chữa bệnh.
Một khuynh hướng mới nữa trong sản xuất thuốc là tạo ra thuốc thông minh (dùng với lượng ít, tự tìm đến đúng đích) theo công nghệ nano, tạo ra các sản phẩm tác dụng theo thời khắc. Xu hướng mới này đã tạo ra các sản phẩm tiết kiệm chất gốc, có hiệu năng, tiện ích hơn cho người bệnh.
Các khuynh hướng kỹ thuật mới trong sản xuất thuốc tạo ra một lợi thế trong cạnh tranh. Hiện chúng ta chưa có đủ điều kiện, chưa có sự đầu tư thích đáng (nhân lực, trình độ, cơ sở vật chất) vào các lĩnh vực này để có được một nền công nghiệp đủ sức cạnh tranh trên toàn cầu. Điều này đòi hỏi có quyết sách của các nhà hoạch định chiến lược.
Mạng lưới sản xuất chưa tập trung
Trước đây, với mục tiêu tự cung tự cấp, nên ta thành lập các xí nghiệp trung ương và vô vàn xí nghiệp địa phương. Riêng sản xuất thuốc từ hóa dược đã có tới 93 xí nghiệp (năm 2007). Gần đây Văn phòng Chính phủ (Thông báo 127/ TB-VPCP) yêu cầu Bộ Y tế chọn lựa 5 sản phẩm thuốc đưa vào danh mục sản phảm quốc gia để đầu tư nghiên cứu phát triển sản xuất với qui mô lớn. Mới đây (1/4/2009) Bộ Y tế có công văn yêu cầu các địa phương đăng ký sản xuất các sản phẩm quốc gia. Làm được điều này phải có thời gian. Hiện nay, các xí nghiệp ta có quy mô vừa và nhỏ, khó có thể có điều kiện đầu tư sản xuất thuốc theo khuynh hướng kỹ thuật mới mà chỉ có điều kiện thực hành công nghiệp bào chế. Mỗi xí nghiệp, để có thể dùng hết công suất thiết bị, có đủ doanh số nuôi công nhân, bắt buộc phải sản xuất rất nhiều biệt dược có chất gốc trùng với hàng chục, hàng trăm biệt dược của xí nghiệp khác. Xí nghiệp khó xây dựng thương hiệu. Người dùng khó có thể phân biệt, chọn lựa. Xây dựng GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc) nhằm đảm bảo chất lượng sản xuất. Đến 30/6/2008 trong 93 xí nghiệp chỉ còn 20 xí nghiệp chưa đạt WHO-GMP. Nhưng do kiến thức về bảo đảm chất lượng thuốc chưa được phổ cập sâu rộng, không ít người tiêu dùng không hiểu được sự khác nhau giữa thuốc sản xuất từ xí nghiệp đạt và chưa đạt GMP (dù nhãn có ghi chữ GMP với dụng ý quảng cáo chất lượng). Đây là một trong những khó khăn khi lấy chất lượng làm tiêu chuẩn cạnh tranh. Các xí nghiệp phải chọn cách đẩy mạnh bán ra chủ yếu bằng quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hạ giá thành. Cách này tạo nên một số hiệu quả nhưng cũng có khi có mặt hạn chế. Một thí dụ: Người tiêu dùng quan niệm "thuốc đắt mới là thuốc tốt" nên hạ giá chưa hẳn đã bán được hàng, những nơi bán lẻ có thể mua sỉ với giá thấp, nhưng vẫn phải bán lẻ với giá cao!
Mạng lưới phân phối manh mún, chồng chéo
Hệ thống bán sỉ nhà nước gồm công ty cấp I (trung ương), cấp II (tỉnh), vài nơi vẫn còn cấp III (quận, huyện). Phần lớn chuyển sang công ty cổ phần do Nhà nước chi phối. Hệ thống bán sỉ có công ty cổ phần hay trách nhiệm hữu hạn dược, một tỉnh nhỏ có 3 - 5, thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có 200 - 300 công ty như vậy.
Hệ thống bán lẻ gồm nhà thuốc (của tư nhân, của các bệnh viện, các công ty) ước tính có 10.000, đại lý bán lẻ, quầy thuốc (phần lớn của các công ty cấp II) khoảng 30.000. Ở nước ta, mức tiêu thụ thuốc theo đầu người trong các năm qua trung bình khoảng 10 USD/năm nhưng mỗi điểm bán lẻ chỉ phục vụ trung bình 2.000-3.000 dân, trong khi ở các nước, mức tiêu thụ thuốc theo đầu người gấp 5, gấp 10 lần nước ta thì mỗi điểm bán lại phục vụ trung bình hơn 5.000 dân.
Trong lĩnh vực phân phối, cạnh tranh đúng ra phải thể hiện ở chất lượng phục vụ (bảo đảm chất lượng thuốc, bán đúng thuốc, có hướng dẫn) như: tồn trữ, vận chuyển đúng theo yêu cầu về nhiệt độ, độ ẩm (ghi trên nhãn), bán lẻ thuốc đúng qui chế (theo đơn), có người tư vấn dùng (dược sĩ). Chúng ta đang xây dựng GDP, GPP theo các mục tiêu này nhưng tốc độ chậm. Chẳng hạn: theo qui định các điểm bán lẻ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đến năm 2010, các địa phương khác hết năm 2012 phải đạt GPP nhưng cho đến 6/2008 hai thành phố lớn mới có 83. Đến tháng 4/2009, riêng TP.HCM mới có 164 nhà thuốc đạt GPP trong khi hai thành phố này ước có 6.000 nhà thuốc.
Do có quá nhiều cơ sở bán sỉ, bán lẻ manh mún chồng chéo, chưa đạt GDP, GPP, nên việc cạnh tranh chưa tập trung theo hướng trên mà còn chủ yếu vì lợi nhuận bằng các thủ pháp khác, đôi khi chưa hẳn là lành mạnh. Một công ty A chuyển lượng lớn thuốc theo định kỳ đến cơ sở bán lẻ bằng xe chuyên dụng (điều kiện bảo quản tốt), phí vận chuyển cao, giá cao chưa hẳn đã được cơ sở bán lẻ mặn mà bằng Công ty B, gửi thuốc lặt vặt nhưng kịp thời theo xe khách (điều kiện bảo quản xấu) có phí vận chuyển thấp, giá thấp. Một nhà thuốc đạt GPP có dược sĩ, bán thuốc theo đơn, có tư vấn dùng thuốc tốt có khi doanh số không cao bằng nhà thuốc chưa đạt GPP, bán thuốc không cần đơn, không có dược sĩ có mặt tại nhà thuốc. Một đại lý (của công ty cấp II) lẽ ra chỉ bán các thuốc trong danh mục do công ty đó cung cấp lại đem thuốc này bán sỉ cho tuyến xã rồi mua lại thuốc của công ty tư nhân có giá mềm hơn để bán lẻ. Trong cùng địa bàn (một chợ, một thị trấn), nhà thuốc, đại lý, quầy thuốc được thành lập theo các tiêu chí (về cơ sở vật chất, nhân lực, trình độ) khác nhau nhưng trên thực tế hầu như cùng bán các loại thuốc như nhau; kết quả là trong cạnh tranh, nhà thuốc phải chi phí nhiều hơn, sẽ bị thiệt. Cơ quan quản lý đề ra thặng số trong bán lẻ; các công ty (có khi là trong cùng gia đình) mua đi bán lại lòng vòng (có khi chỉ trên giấy tờ, kết quả cuối cùng là đẩy giá bán lên cao gấp nhiều lần so với thặng số cho phép. Những thủ pháp cạnh tranh này không đem lại lợi ích cho người tiêu dùng).
Chúng ta thường nói đến sự cạnh tranh lành mạnh. Nhưng để có được điều này, trước hết phải lành mạnh mạng lưới sản xuất phân phối thuốc, nghĩa là phải tổ chức lại mạng lưới sản xuất phân phối theo những tiêu chí nhất định, phù hợp với nhu cầu, mục tiêu phục vụ.
DSCKII. Bùi Văn Uy