Bệnh nhân P.V.T 46 tuổi (Quảng Ngần, Vị Xuyên) nhập viện trong tình trạng tinh thần mệt mỏi, cánh tay trái phần mềm hoại tử, phù nề, thối khẳm, cẳng tay còn trơ 2 xương quay trụ, rụng toàn bộ khối xương cổ tay, bàn tay.
Qua khai thác bệnh sử được biết, người bệnh đang làm cỏ rẫy thì bị rắn cắn (đây là loài rắn thuộc họ rắn lục mũi hếch) vào vùng cẳng tay trái.
Sau khi bị cắn, người bệnh đau nhức, chảy máu vết cắn nên đã tự lấy dây chun thắt chặt phần trên cánh tay, sau đó được gia đình tự điều trị bằng thuốc nam tại nhà.
Sau 25, bệnh nhân mệt mỏi, bàn tay thối rữa, xương rụng từng phần, người nhà mới đưa đi viện điều trị.
BSCKI. Chu Quốc Khánh - (Khoa Ngoại, BVĐK Vị Xuyên) người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, cho biết: Khi vào viện tình trạng bệnh nhân tiên lượng nặng, có thể có rối loạn đông máu và nhiễm khuẩn huyết gây nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh nhân được tiêm thuốc giảm đau, truyền dịch bù nước và điện giải, dùng kháng sinh phổ rộng, chống viêm, chống đông máu, phòng uốn ván và chăm sóc toàn diện... và là các xét nghiệm cấp cứu.
Sau khi có quả xét nghiệm không có rối loạn đông máu, người bệnh được hội chẩn và trải qua 3 cuộc phẫu thuật: cắt bỏ 2 xương cẳng tay để lại khớp khuỷu; cắt lọc hoại tử; vá da tự thân.
Đến nay, sau 35 ngày điều trị tình trạng bệnh nhân tốt, ăn uống được, xét nghiệm các chỉ số ổn định, vết mổ khô, vạt da liền tốt không có biến chứng sau phẫu thuật.
Cách sơ cứu khi bị rắn cắn
Qua trường hợp trên, BS Khánh cũng khuyến cáo, khi bị rắn cắn, không được tự ý sử dụng thuốc Nam để chữa bệnh có thể gây hậu quả rất nặng nề cho người bệnh. Người bệnh có thể bị nhiễm khuẩn huyết; rối loạn đông máu... khiến cho việc điều trị khó khăn, thời gian điều trị kéo dài, chi phí rất tốn kém và thậm chí có thể tử vong nếu nhiễm trùng kéo dài không được điều trị kịp thời.
Khi bị rắn cắn cần sơ cứu bằng cách:
(1) Động viên bệnh nhân yên tâm, đỡ lo lắng
(2) Không để bệnh nhân tự đi lại;
(3) Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn);
(4) Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường;
(5) Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động;
(6) Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..).
Một số lưu ý khi bị rắn cắn
- Không cố gắng hút nọc độc của rắn;
- Không trích, rạch, chọc, hút tại vùng vết cắn; Gây điện giật, chườm đá, sử dụng "hòn đá chữa rắn cắn".
- Không sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo...
- Phải nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí, điều trị theo phác đồ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro cho người bệnh.