Trong suốt bề dày hoạt động của mình, chúng tôi tự hào có được đội ngũ cộng tác viên thân thiết, là cánh tay nối dài của báo ở 63 tỉnh, thành. Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin được gửi lời cảm ơn và tri ân đến các cộng tác viên trên khắp mọi miền. Đợt dịch COVID-19 vừa qua, những cộng tác viên thầm lặng như những con ong cần mẫn ngày đêm chuyển tải tin tức nóng hổi từ địa phương, góp phần “vun đắp” lên sức sống của báo chúng tôi.
Cộng tác viên Hoàng Thía - Thái Bình:
Góp phần cổ vũ đến cán bộ y tế
Đến giờ nghĩ lại chúng tôi cũng không thể tin rằng mình đã trải qua những ngày như thế, những ngày làm việc theo một cách chưa từng có - những ngày cả nước căng mình chống đại dịch COVID-19. Những sản phẩm của tôi được đăng tải trên các ấn phẩm của Báo SK&ĐS đã góp phần cổ vũ to lớn đến cán bộ y tế Thái Bình.
CTV Hoàng Thía (người cầm micro).
Để có những thông tin chính xác tới cộng đồng, hằng ngày, tôi bám sát quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của báo SK&ĐS, của tỉnh, của ngành y và thường xuyên chủ động liên hệ với lãnh đạo ngành, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để nghe chủ trương tuyên truyền cũng như khai thác, định hướng thông tin. Tôi cùng với lực lượng y tế, quân đội đã trải qua nhiều đợt đón tiếp công dân trở về từ vùng dịch, lúc đó, bản thân tôi không cảm thấy sợ bởi vì xung quanh tôi có bao nhiêu lực lượng, họ làm đêm ngày không sợ thì mình sợ gì? Lúc này chỉ nghĩ làm sao ghi được nhiều hình ảnh nhất phản ánh về niềm vui, sự xúc động của công dân khi trở về cùng những vất vả, hy sinh của các cán bộ mà thôi. 30 ca dương tính với COVID-19 được phát hiện, chúng tôi cũng vài lần phải cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và thở phào khi có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. Qua những ngày thử thách từ đầu đại dịch đến giờ, chúng tôi rất tự hào về quyết tâm, niềm đam mê với nghề.
Đằng sau những tin tức, bài viết, hình ảnh, clip... được phản ánh trên tất cả các phương tiện, cái được lớn nhất mà ai cũng có thể nhìn thấy là cuộc sống tốt dần lên, người dân đã thay đổi ý thức khi biết giữ gìn vệ sinh chung, biết quan tâm đến sức khoẻ bản thân hơn, biết lợi ích của rửa tay bằng xà phòng và đeo khẩu trang nhiều hơn.
Cộng tác viên Quỳnh Chi - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ:
Không e ngại, lùi bước trước khó khăn
CTV Quỳnh Chi.
Từ đầu mùa dịch COVID-19, cùng với cán bộ Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế, Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng, chúng tôi - những cộng tác viên thân thiết của Báo SK&ĐS xác định tâm thế bắt đầu bước vào hành trình chống dịch chông gai.
Trong quá trình tác nghiệp ở những điểm nóng kiểm soát dịch bệnh như khu vực kiểm dịch y tế quốc tế tại sân bay Cần Thơ, khu cách ly tập trung của thành phố, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP. Cần Thơ - nơi điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19..., tôi đã rất xúc động khi chứng kiến cũng như nghe chia sẻ về những câu chuyện, tâm sự của các cán bộ nơi tuyến đầu phòng chống dịch.
Như BS. Tùng là bác sĩ của êkíp đầu tiên trực tiếp điều trị cho 2 trường hợp mắc bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP. Cần Thơ. Vì tính chất công việc, ngày đêm chăm sóc điều trị cho bệnh nhân và cũng phải cách ly nên bác sĩ cũng không có thời gian cho gia đình, nhất là đối với người vợ ở nhà đang mang thai 35 tuần, nỗi niềm nhớ mong, an ủi cũng chỉ chia sẻ được qua những cuộc điện thoại... Và còn nhiều câu chuyện khác tôi chứng kiến...
Tôi cũng thấy buồn cho nỗi buồn của y bác sĩ bởi sự kỳ thị, có thể là những lời nói vô tình nhưng lại khiến cho người nghe tổn thương. Sát cánh cùng các thầy thuốc nơi tuyến đầu, chứng kiến tận mắt khó khăn, vất vả mà các cán bộ, bác sĩ phòng chống dịch COVID-19 đã trải qua, tôi càng cảm phục sự hy sinh thầm lặng vô cùng ý nghĩa. Chứng kiến những việc làm, hình ảnh đó, tôi rất trân trọng, cảm phục họ và nhìn vào những tấm gương này, mình thấy rằng càng phải cố gắng hơn, không e ngại, lùi bước trước những khó khăn.
Cộng tác viên Minh Hiền - Đà Nẵng:
Tự hào được đóng góp sức nhỏ bé
CTV Minh Hiền phỏng vấn người bệnh.
Gần 20 năm trong lĩnh vực truyền thông y tế, luôn cảm thấy tự hào vì những gì mình đã làm. Nghiệp vụ báo chí đều không chuyên, trang thiết bị còn hạn chế... nên chưa bắt kịp với các xu hướng truyền thông hiện đại, việc tiếp cận các đối tượng đích chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, là những người công tác trong ngành y, tham gia nơi tuyến đầu chống dịch nhưng chế độ phụ cấp nghề lại ở mức thấp nhất.
Nếu không thực sự yêu nghề, trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng thì khó lòng mà trụ vững. Khi dịch bệnh đang bùng phát, chúng tôi lăn lộn như những phóng viên, nhà báo chuyên nghiệp, gửi thông tin nhanh nhất ra Báo SK&ĐS. Có thể nói, cán bộ truyền thông không trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân như các y, bác sĩ nhưng bằng ngòi bút của mình, bằng các phương pháp truyền thông trực tiếp và gián tiếp đã góp phần ngăn ngừa và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 tại Đà Nẵng.
Cộng tác viên Hồng Tấm - Lào Cai:
Đam mê trụ lại với nghề
CTV Hồng Tấm.
Công tác trong ngành y tế, thực hiện nhiệm vụ trên lĩnh vực truyền thông sức khỏe - một công việc tưởng như là rất khô cứng ấy, tôi chợt nhận thấy rằng “ươm mầm” nghề báo trên mặt trận này dẫu khó khăn nhưng nếu thành cây sẽ rất vững chãi. Qua kinh nghiệm công tác và thực tế của ngành, tôi viết báo để tuyên truyền trước hết là tới nhân dân, giúp cho họ nhận thức được tự nâng cao sức đề kháng của cơ thể, chống chọi với bệnh tật... để họ có khả năng tự bảo vệ mình.
Ai đã đam mê nghề báo, thấu hiểu được công việc của người làm báo qua những trang viết đều thừa nhận đó là nghề nhiều khó khăn, lắm vất vả. Với những người làm báo y tế như chúng tôi, khó khăn, vất vả ấy được nhân lên gấp đôi, ví dụ như muốn viết về cán bộ y tế trong khu cách ly, chúng tôi phải tham gia cùng đồng nghiệp, trực diện đối mặt với sự nguy hiểm lại phải vừa tìm hiểu, khai thác những vấn đề đời thường của người bác sĩ... rồi viết sao cho truyền tải tới người đọc có được sự nhìn nhận “đa chiều”, đảm bảo được yêu cầu chuyên môn.
Qua những lần cộng tác với Báo SK&ĐS, chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa từ tòa soạn báo như có kế hoạch cụ thể, chi tiết về nội dung, chủ đề báo muốn tuyên truyền; thường xuyên gặp gỡ trao đổi, hướng dẫn để chúng tôi nâng cao kiến thức, khả năng viết báo, mở các lớp bồi dưỡng nghệp vụ báo chí cho các cộng tác viên. Đồng thời có những trao đổi, phản hồi với tác giả, thông báo về bài viết gửi đến tòa soạn nhưng chưa hoặc không được đăng để chúng tôi rút kinh nghiệm ở những bài viết sau được tốt hơn, hay hơn.
Cộng tác viên Đức Vân, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội:
Cảm ơn báo Sức khỏe và Đời sống!
CTV Đức Vân (ngoài cùng bên phải)
Tham gia công tác tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19, tôi cảm thấy rất tự hào. Có đi mới biết và có làm mới hiểu, trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 “tình người với người” thấm đượm biết bao.
Chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng như công an, quân đội, dân quân, y tế và chính người dân đã tham gia hăng hái, nhiệt tình phòng chống dịch bệnh. Mỗi người một nhiệm vụ đặc thù, không đùn đẩy, không né tránh, mỗi khi nhận thông báo có ca bệnh xuất hiện ở địa bàn nào đó là họ vào guồng công việc, không kể ngày đêm, không trùn bước trước những vất vả, nhọc nhằn... cùng chung tay điều tra, giám sát, đưa đối tượng nghi ngờ đi cách ly theo quy định, nhanh chóng xử lý ổ dịch tránh lây lan rộng ra cộng đồng, bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của nhân dân.
Ghi nhận mỗi lần xuất hiện ca bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội, dường như các lực lượng vào cuộc không chỉ là nhiệm vụ họ phải làm, phải thực hiện, mà họ làm với cả “con tim” nhiệt huyết tham gia chống dịch, bảo vệ sức khỏe, cuộc sống bình yên cho người dân.
Trong quá trình tác nghiệp, dấu ấn để lại trong tôi sâu sắc nhất là công tác phòng chống dịch COVID-19 tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh.
Ở đó, tôi cảm nhận được tình đoàn kết, sự nhiệt huyết chung tay phòng chống dịch bệnh COVID-19 của các lực lượng chức năng, cán bộ y tế và người dân. Quyết liệt khống chế, xử lý triệt để dịch COVID-19, ngăn chặn sự lây lan, không quản đêm hôm, ngày nghỉ, đội phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh của 30 quận/huyện/thị xã đã cùng chính quyền huyện Mê Linh thực hiện công tác lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Qua đó, các ca bệnh nhanh chóng được phát hiện và xử lý kịp thời.
Trong trận chiến chống “giặc” COVID-19 này, tôi rất khâm phục sự nhiệt huyết của các cán bộ y tế. Họ thực sự là những “chiến sĩ” kiên cường, thầm lặng cống hiến nơi chiến tuyến ác liệt dù “không tiếng súng”, họ làm việc thâu đêm, suốt sáng, quên ăn... Họ làm việc mà không có thời gian nói, kêu la vất vả, nhọc nhằn... Họ sẵn sàng xông pha mọi lúc, mọi nơi chiến đấu dịch COVID-19. Cảm ơn báo Sức khỏe và Đời sống đã giúp tôi chuyển tải thông tin của ngành y tế Hà Nội đến với bạn đọc trong cả nước.