Với đặc thù nghề nghiệp của lực lượng cảnh sát giao thông là làm việc ở những nơi có mật độ giao thông lớn, phức tạp, hay phải giáp mặt với những vụ tai nạn giao thông, do vậy, công tác sơ cứu thương và xử lý tình huống khẩn cấp trước khi đưa đi cấp cứu là kỹ năng quan trọng. Chính vì thế, ngày 9/8, Phòng Cảnh sát giao thông (PC67 - Công an thành phố Hà Nội) đã tổ chức Hội nghị tập huấn sơ cứu thương cho cán bộ chiến sĩ làm công tác tuần tra, xử lý vi phạm và chỉ huy, điều khiển giao thông cho hơn 700 cán bộ, chiến sĩ tham gia và được chia làm 3 khóa học. Trong khoá tập huấn, lực lượng cảnh sát giao thông của thành phố được thực hành thành thục kỹ năng sơ cứu nạn nhân tai nạn giao thông, cả việc đỡ đẻ trong tình huống khẩn cấp. Việc tập huấn nhằm giúp cho cán bộ chiến sĩ lực lượng cảnh sát giao thông Thủ đô có thêm kiến thức về sơ cấp cứu người gặp nạn do bị say nắng, choáng, ngất, bị thương trong các vụ tai nạn giao thông...
Thông qua công tác tập huấn sơ cứu người bị thương, cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát giao thông Thủ đô có điều kiện kịp thời giúp đỡ người bị nạn khi tham gia giao thông, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người trong các vụ tai nạn giao thông. Cán bộ, chiến sĩ tham gia lớp tập huấn sẽ nghe 6 bài giảng lý thuyết về sơ cứu ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn; sơ cứu ban đầu say nắng, say nóng, choáng, ngất…; cấp cứu chuyển dạ đẻ; xử trí, cố định gãy xương bằng dụng cụ (gãy xương tứ chi); xử trí, băng bó, cầm máu vết thương phần mềm; giới thiệu về chấn thương cột sống và cách vận chuyển bệnh nhân. Về phần thực hành, cán bộ chiến sĩ dự lớp tập huấn được thực hành các thao tác sơ cứu cho người tham gia giao thông như băng bó, cầm máu vết thương phần mềm; nẹp cố định gãy xương tay, chân; sơ cứu ban đầu cho người bị say nắng, say nóng, choáng, ngất; đỡ đẻ...
Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết: Qua công tác tập huấn sơ cứu người bị thương, cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát giao thông Thủ đô có điều kiện kịp thời giúp đỡ người bị nạn khi tham gia giao thông, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người trong các vụ tai nạn giao thông.
Cũng theo Công an TP. Hà Nội, qua thực tế công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông cho thấy, nhiều cán bộ, chiến sĩ mới tốt nghiệp do chưa được tập huấn nên khi gặp những trường hợp người tham gia giao thông bị say nắng, cảm, choáng ngất do trời nóng, bị thương do tai nạn giao thông, phụ nữ chuyển dạ khi sinh... đã tỏ ra lúng túng trong việc xử lý, cấp cứu ban đầu. Khi gặp các trường hợp cần cấp cứu như trên, lực lượng cảnh sát giao thông thường chỉ xử lý tình huống bằng việc gọi xe cấp cứu hoặc taxi để đưa người bị nạn đến viện.
Thực tế, rất nhiều vụ tai nạn giao thông trên đường hay các sự cố liên quan đến sức khỏe người dân do không được sơ cứu, cấp cứu kịp thời ban đầu đã khiến nhiều người tử vong. Vì thế, khóa học này đối với lực lượng cảnh sát giao thông là hết sức cần thiết vì khi biết sơ cứu đúng có thể cứu nguy người bệnh trong gang tấc.