“Cảnh nóng” uy hiếp văn hóa điện ảnh

26-04-2012 17:26 | Văn hóa – Giải trí
google news

Mặc dù điện ảnh Việt thời gian qua không ngừng được giới truyền thông “lăng-xê” để trở thành môn nghệ thuật đẳng cấp, nhưng dường như đó chỉ là thương hiệu ảo.

Mặc dù điện ảnh Việt thời gian qua không ngừng được giới truyền thông “lăng-xê” để trở thành môn nghệ thuật đẳng cấp, nhưng dường như đó chỉ là thương hiệu ảo. Những gì đang diễn ra trên màn ảnh rộng vẫn chưa làm khán giả hài lòng, mà ngược lại, văn hóa phim ảnh Việt đang bị dư luận mổ xẻ. Bức xúc đến mức phẫn nộ chính là phản ứng của khán giả với đề tài cảnh nóng.

Thực tế, phim điện ảnh là một sản phẩm văn hóa cao cấp. Vì thế, trước khi tung ra thị trường, sản phẩm phải được phân loại rõ ràng. Điều này không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp trong cách làm việc của nhà sản xuất, mà còn giúp khán giả có quyền lựa chọn, tránh tình trạng bức xúc khi “xem nhầm” phim.

Nếu mang thương hiệu Hollywood ra làm “kim chỉ nam” thì có lẽ điện ảnh Việt chưa học hỏi được là bao. Tại kinh đô điện ảnh thế giới, những nhà sản xuất phim thực hiện tốt công việc phân loại phim và phân vùng khán giả trước khi quyết định PR cho một sản phẩm nào đó. Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPAA) đưa ra hệ thống phân loại phim và áp dụng trên toàn lãnh thổ trước khi lưu hành rộng rãi nhằm đảm bảo tựa đề, nội dung và tính chất của phim phù hợp với đối tượng xem: trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn...

 Phim Hotboy nổi loạn.

Tuy nhiên, cách làm việc chuyên nghiệp trên đã và đang diễn ra tại nơi cách Việt Nam nửa vòng trái đất. Và vấn đề áp dụng hình thức chuyên nghiệp đó đối với các nhà làm phim Việt dường như là không tưởng. Vì vậy, dù các nhà làm phim đã cố gắng nhưng vẫn chưa thể làm khán giả hài lòng, mà ngược lại, văn hóa phim ảnh Việt đang bị dư luận đem ra mổ xẻ. Bức xúc đến mức phẫn nộ chính là phản ứng của khán giả với đề tài cảnh nóng.

Trong khi các nhà làm phim Việt Nam cho rằng cảnh nóng là yếu tố nghiễm nhiên phải có trong phim vì nó thể hiện cuộc sống chân thực thì khán giả lại “phản pháo”: nếu phim ảnh chỉ đơn giản là phản ánh cuộc sống theo cách không thể chân thực hơn thì điện ảnh đóng vai trò gì, chất liệu điện ảnh ở đâu...? Với những bộ phim quá phản cảm trong cách dựng cảnh nóng thì xin hãy quên hẳn hai chữ nghệ thuật. Bởi lẽ, phần lớn những bộ phim có yếu tố “nóng” được tung ra thị trường hiện nay phải nói là quá táo bạo!

Một số nhà làm phim đang nỗ lực chinh phục khán giả bằng cảnh nóng dường như chưa nhìn ra hệ lụy của nó hoặc cố ý “phớt lờ” khán giả. Họ không ngại tự hủy hoại thương hiệu của mình bằng cách dàn dựng những cảnh nóng mang hơi hướng thô lậu, tục tĩu. Trong hoàn cảnh này, khán giả chính là nạn nhân nếu họ lựa chọn nhầm sản phẩm. Phim điện ảnh Việt đang phủ sóng đến mọi đối tượng, gần như không ai quan tâm đến vấn đề phân loại phim, phân vùng độ tuổi khán giả. Khi đã phân vùng khán giả, họ sẽ tập trung hơn vào tác phẩm, những cảnh nóng trong phim (nếu có) thực sự phù hợp với đối tượng khán giả thì sẽ tránh được nhiều hệ lụy.

Cơ chế “thoáng” của cánh cổng giao lưu văn hóa nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng giúp khán giả Việt có nhiều cơ hội tiếp cận với các sản phẩm điện ảnh quốc tế. Họ nhận thức rằng, phim ảnh không chỉ thỏa mãn nhu cầu xem, nghe và cảm nhận, mà còn có thể đạt được quyền lợi cá nhân. Ít nhất khán giả cũng được cảnh báo trước và có quyền lựa chọn, nên hay không nên xem phim. Mong rằng những nhà làm phim Việt sớm nhận ra sơ suất của mình.  

Diên Vĩ


Ý kiến của bạn