Nấm có ở khắp nơi: trong đất, không khí, theo bụi bám trên đồ vật. Khi bạn hít phải các bào tử nấm, chúng sẽ âm thầm gây bệnh.
Ai dễ bị viêm xoang do nấm?
Trong cơ thể, mỗi bộ phận thường dễ cảm thụ với một số loại nấm gây bệnh nhất định. Nấm Aspergillus thường gây bệnh ở mũi xoang. Các nghiên cứu cho thấy: trong hơn 300 chủng loại nấm Aspergillus, có 7 loại gây bệnh cho người là Aspergillus fumigatus, flavus, glaucus, versicolor, nidulans, niger... Riêng ở xoang có 90% trường hợp viêm xoang do nấm Aspergillus fumigatus gây ra.
Bào tử nấm có ở khắp nơi: trong đất, trong không khí, nấm theo bụi bặm bám trên bề mặt đồ vật. Khi bạn hít phải các bào tử nấm, chúng sẽ âm thầm gây bệnh. Như vậy, ai cũng có thể mắc bệnh viêm xoang do nấm qua đường hô hấp. Tuy nhiên, có các đối tượng dễ mắc bệnh hơn, đó là những người phải thường xuyên tiếp xúc với đất như nông dân, công nhân ở các nông lâm trường...; người tiếp xúc thường xuyên với ngũ cốc, sản phẩm nông lâm nghiệp dễ nhiễm bệnh hơn. Bệnh nhân mắc các bệnh viêm tắc lỗ thông mũi xoang do viêm xoang mạn tính, polyp mũi xoang, dị vật trong mũi xoang... cũng dễ bị viêm xoang do nấm. Người bị suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, bệnh tiểu đường, mắc các bệnh về máu, dùng thuốc corticoide kéo dài, dùng kháng sinh phổ rộng, điều trị bằng hóa chất, dùng thuốc ức chế miễn dịch... thường bị nhiễm nấm mắc bệnh. Trong điều kiện thời tiết mưa ẩm, nấm mốc phát triển, không khí ô nhiễm, nhiều bụi bặm thì con người càng dễ mắc bệnh.
Phát hiện bệnh cách nào?
Sau thời gian gây bệnh âm thầm, khi xuất hiện triệu chứng, bệnh nhân bị viêm xoang do nấm thường có các biểu hiện sau: nhức đầu, nghẹt mũi, chảy nước mũi trong hay đục. Nếu viêm xoang hàm, bệnh nhân thường nhức đầu ở vùng gò má và thái dương hai bên. Khi viêm xoang bướm thì thấy nhức đầu ở vùng đỉnh hay vùng chẩm ở bên xoang bị bệnh. Có khi bệnh nhân khịt mũi hay khạc đờm có lẫn ít máu. Tuy nhiên trên thực tế do không nghĩ đến viêm xoang do nấm, nên bệnh tiến triển trong thời gian dài, gây ra các tổn thương nặng nề. Nhiều ca bệnh, nấm đã phát triển thành khối lớn choán đầy hốc xoang, phá hủy các thành xoang rồi xâm lấn vào những cơ quan lân cận như hốc mắt, sọ não. Trường hợp nấm xâm nhập hốc mắt, bệnh nhân sẽ thấy mắt bị mờ dần, có thể bị mù vĩnh viễn. Nếu nấm xâm nhập vào trong sọ sẽ gây viêm màng não hoặc viêm não. Khi nấm xâm nhập các dây thần kinh sẽ gây liệt các dây thần kinh và vùng do thần kinh này chi phối. Nguy hiểm nhất là nấm gây tổn thương mạch máu sẽ xảy ra chảy máu ồ ạt khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng.
Chụp Xquang thấy các hình ảnh tổn thương: xoang mờ với những ổ lắng đọng canxi. Chụp cắt lớp vi tính thấy tổn thương: ổ cản quang tăng ở giữa đám mờ, đôi khi dưới dạng một khối u giả; hình ảnh đám vôi trong xoang; hình ảnh hủy xương các thành xoang hoặc các vách xương dày lên. Những trường hợp mổ xoang nhìn thấy trong xoang những khối màu nâu đen, dễ vỡ hoặc giống như bùn màu xanh đen là tổn thương do nấm gây ra. Soi tươi bệnh phẩm dưới kính hiển vi thấy những sợi nấm và những bào tử nấm. Nuôi cấy bệnh phẩm thấy nấm sinh sôi, soi dưới kính hiển vi thấy sợi nấm gây bệnh phát triển.
Điều trị khó khăn
Viêm xoang do nấm có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm. Dùng thuốc diệt nấm tùy theo giai đoạn của bệnh và thường phải phối hợp nhiều loại thuốc. Các thuốc kháng nấm thường gây độc cho gan nên phải kiểm tra chức năng gan cho bệnh nhân trước và trong khi dùng thuốc. Đối với khối nấm trong xoang phải được lấy ra, bơm rửa sạch lòng xoang. Nhờ tiến bộ của chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật nội soi giúp quan sát được rõ ràng bệnh tình và tổn thương xoang. Nhưng đối với những khối nấm lớn vẫn cần phải điều trị bằng phẫu thuật thông thường.
Lời khuyên của bác sĩ
Nấm xâm nhập cơ thể thường có giai đoạn nằm im chưa gây bệnh. Chúng chỉ gây bệnh ở mũi xoang khi gặp điều kiện thuận lợi như cơ thể suy yếu, bị bệnh nhiễm khuẩn, dùng nhiều kháng sinh… khi đó nấm phát triển và gây bệnh. Do đó, cần lấy ngay dị vật trong mũi xoang, cắt polyp, khối u hoặc những dị hình khác... để tránh gây bít tắc xoang.
Nấm xâm nhập chủ yếu qua đường hô hấp, vì thế để phòng bệnh, mọi người nên thường xuyên đeo khẩu trang khi ra đường, đến nơi đông người như chợ, siêu thị, bến tàu xe, trường học, tụ điểm du lịch... để tránh hít phải nấm. Cần thường xuyên lau chùi nhà ở, phòng làm việc, lớp học... giúp loại bỏ bụi bẩn, nấm mốc gây bệnh. Thường xuyên rửa tay sau khi tiếp xúc với đồ vật, ngoại cảnh để tránh lây lan nấm mốc.
ThS. Nguyễn Xuân Lục