Hà Nội

Cảnh giác với viêm não cấp

30-05-2016 21:42 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Vừa qua, tại xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) có 7 trường hợp trẻ em dưới 6 tháng tuổi tử vong nghi do viêm não cấp. Viêm não cấp là một loại bệnh lý rất nặng...

Vừa qua, tại xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) có 7 trường hợp trẻ em dưới 6 tháng tuổi tử vong nghi do viêm não cấp. Viêm não cấp là một loại bệnh lý rất nặng, có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.

Thường tấn công trẻ em

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Bệnh viêm não có diễn biến rất nhanh, thường gặp ở trẻ em chiếm hơn 90%, là tình trạng viêm cấp tính não bộ, nguyên nhân do một số loại virut gây ra như: virut viêm não Nhật Bản, các virut đường ruột, virut thủy đậu, quai bị... Virut có thể xâm nhập não bộ qua đường máu (do muỗi đốt), đường tiêu hóa (do virut đường ruột) hoặc qua đường hô hấp rồi gây ra viêm não cấp.

Chăm sóc trẻ mắc viêm não tại Bệnh viện Nhi TW. Ảnh: Trần Minh

Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm trùng cấp tính gây ra bởi một loại siêu vi thuộc nhóm Arbovirus có ái tính với tế bào thần kinh, có tên là virut viêm não Nhật Bản. Virut gây viêm não Nhật Bản được truyền sang người từ heo, chim có mang mầm bệnh với trung gian truyền bệnh là muỗi. Muỗi Culex tritaeniorhynchus hút máu heo hoặc chim có chứa virut, sau đó đốt  người và truyền virut gây bệnh cho người. Viêm não Nhật Bản thường xảy ra ở trẻ từ 5 tuổi trở lên. Đa số trẻ mắc bệnh sống ở vùng nông thôn, nơi có nuôi heo và trồng lúa. Người được xem như là vật chủ cuối cùng đối với virut này vì chúng tồn tại trong máu người trong một thời gian ngắn với nồng độ thấp nên không thể lây bệnh từ người này sang người khác qua muỗi đốt.

Viêm não do virut đường ruột (Enterovirus) là tình trạng viêm não bộ do Enterovirus, thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, ở cả thành thị và nông thôn. Virut xâm nhập não từ đường tiêu hóa do bệnh nhân ăn phải thức ăn, thức uống có chứa virut gây bệnh hoặc từ đường hô hấp. Từ đó, virut nhân lên nhanh chóng trong đường tiêu hóa hoặc đường hô hấp của bệnh nhân. Ngoài ra, một số siêu vi khác cũng là nguyên nhân gây ra bệnh viêm não với tỷ lệ thấp hơn như: Nhóm virut herpes type 1 (được viết tắt là HSV-1) là tác nhân quan trọng gây viêm não cho cả trẻ em lẫn người lớn, virut herpes type 2 (HSV-2) chủ yếu gây viêm não nặng ở trẻ sơ sinh (nguyên nhân do lây từ mẹ sang con) khi sinh, virut gây bệnh thủy đậu, virut gây bệnh quai bị, virut Cytomegalovirus, virut gây bệnh dại. Triệu chứng của viêm não do virut đường ruột hay viêm não Nhật Bản thường giống nhau, nhưng viêm não do virut đường ruột thường diễn biến rất nhanh và có tỷ lệ tử vong cao.

Không tự ý điều trị

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê... Trẻ bị viêm não cấp thường khởi bệnh đột ngột và có thể tử vong rất nhanh nếu không được điều trị kịp thời (trong vòng 3 ngày hoặc có trường hợp chỉ trong vòng 6 giờ kể từ khi nhập viện).

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo: Biểu hiện ban đầu của bệnh viêm não thường giống với các bệnh sốt do virut thông thường như sốt cao, chưa có biểu hiệu rối loạn tri giác nên cha mẹ không phát hiện được, cho con điều trị tại nhà bằng các loại thuốc kháng sinh, hạ sốt…Vì thế, nhiều trường hợp mắc bệnh không được chữa trị kịp thời hoặc do bệnh nặng dẫn đến biến chứng yếu chi, liệt nửa người, nặng hơn là tàn phế, sống đời sống thực vật... Vì vậy, ngay khi thấy trẻ sốt cao, nôn mửa, đau đầu, đặc biệt là khi có sự thay đổi tri giác như: trẻ ngủ nhiều, hoảng hốt, bứt dứt, co giật, hôn mê..., nên đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Khuyến cáo phòng chống bệnh viêm não do virut

Bệnh viêm não do virut có thể bị lây nhiễm qua muỗi đốt, lây qua đường tiêu hóa hoặc qua đường hô hấp. Trẻ em dưới 15 tuổi là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh.

Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương. Trên cả nước, hiện nay, số ca mắc bệnh viêm não do virut tích lũy 18 tuần đầu năm 2016 giảm 41,9% so với cùng kỳ năm 2015, tuy nhiên, vẫn ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh. Vậy để chủ động phòng bệnh viêm não virut, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh như sau:

1. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.

2. Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.

3. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín.

4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.

5. Riêng đối với virut gây bệnh viêm não Nhật Bản: tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất với 3 liều cơ bản:

- Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi;

- Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 - 2 tuần;

- Mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế

Nguyễn Thảo
Ý kiến của bạn