Hà Nội

Cảnh giác với viêm màng não do não mô cầu

31-01-2012 10:50 | Y học 360
google news

Theo Cục Y tế dự phòng, tại Việt Nam, giai đoạn từ năm 2001-2011, trung bình ghi nhận 650 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu mỗi năm, chủ yếu ở các tỉnh khu vực miền Bắc.

Theo Cục Y tế dự phòng, tại Việt Nam, giai đoạn từ năm 2001-2011, trung bình ghi nhận 650 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu mỗi năm, chủ yếu ở các tỉnh khu vực miền Bắc. Bệnh có xu hướng giảm từ năm 2006 đến nay (năm 2011 ghi nhận 305 trường hợp mắc và 4 trường hợp tử vong). Các ca bệnh xảy ra chủ yếu vào mùa xuân. Bệnh có thể lây từ người sang người qua nước bọt nên có thể gây thành dịch, nhất là trong các nhà trẻ, gia đình, khu phố. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về căn bệnh này cũng như có biện pháp thiết thực, chủ động phòng bệnh cho bản thân và gia đình.

Đặc điểm vi khuẩn và bệnh dịch

Não mô cầu có tên khoa học là Neisseria meningitidis, là song cầu hình hạt cà phê nằm trong tế bào. Vi khuẩn dễ bị diệt bởi: nhiệt độ 50oC trong 5 phút, 100oC chỉ trong 30 giây, các thuốc khử khuẩn thông thường đều dễ diệt vi khuẩn. Các nhóm vi khuẩn gây bệnh thường gặp là A, B, C, Y, W135, trong đó châu Âu và Việt Nam thường gặp A, B, C; Hoa Kỳ hay gặp B, C. Nguồn bệnh duy nhất là người: bệnh nhân hoặc người lành mang vi khuẩn không triệu chứng.
 
Theo một nghiên cứu, có đến 40% người lớn mang não mô cầu trong khoang mũi họng, nhưng chỉ có một số ít người bị bệnh. Bệnh được truyền qua các hạt nước bọt. Biểu hiện bệnh có thể là nhiễm khuẩn huyết não mô cầu (là một thể chớp nhoáng của nhiễm khuẩn máu mà không có viêm màng não) hoặc nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não, viêm màng não mủ là chủ yếu, có thể gặp nhiễm khuẩn huyết não mô cầu mạn tính tái phát với sốt, nổi ban và viêm khớp.
 Cấu trúc màng não.

Biểu hiện lâm sàng

Sau khi não mô cầu xâm nhiễm vào cơ thể, thời gian ủ bệnh từ 1-10 ngày, thường gặp 5-7 ngày. Bệnh biểu hiện rất đa dạng với nhiều thể bệnh: viêm mũi họng, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, tổn thương ở nhiều cơ quan. Thường gặp các thể bệnh như sau:

Thể viêm mũi họng: bệnh nhân sốt 38-39oC, kéo dài 1-7 ngày, đau đầu, rát họng, chảy nước mũi. Khám thấy xung huyết niêm mạc mũi, họng có khi phủ một lớp mủ. Xét nghiệm thấy bạch cầu đa nhân trung tính tăng.

Thể nhiễm khuẩn huyết: bệnh nhân sốt cao đột ngột 40-41oC, sốt liên tục hoặc sốt dao động mạnh kèm theo những cơn rét run; đau đầu, đau mỏi cơ khớp toàn thân. Ban xuất huyết xuất hiện sớm khoảng 5-15 giờ sau khi phát bệnh hoặc muộn hơn sau vài ngày. Các ban xuất huyết thường xuất hiện trước tiên ở chi dưới và các điểm tì đè, gặp trong hầu hết mọi trường hợp. Xuất huyết có thể thay đổi, từ kích thước bằng đầu kim đến mảng xuất huyết lớn, thậm chí từng vùng xuất huyết hoại tử da làm bong da, bì tổ chức dưới sâu. Gan lách to. Huyết áp càng những ngày sau càng giảm rõ, có thể tụt huyết áp nếu bị sốc.

Thể viêm màng não: thường xảy ra sau viêm mũi họng, nhiễm khuẩn huyết hoặc khởi phát đã là triệu chứng của viêm màng não. Bệnh nhân cũng bị sốt đột ngột 39-40oC, mệt mỏi, đau đầu nhiều, nôn vọt. Bệnh nhân nhanh chóng bị lú lẫn, hoảng loạn, co giật và hôn mê. Khám thực thể thấy cứng gáy, cứng cổ điển hình với dấu hiệu Kernig (đau khoeo làm chân co lại khi nâng thẳng 2 chân lên một góc 90oC so với thân) và dấu hiệu Brudzinski (đầu gối co lại khi nâng cổ cao lên khỏi mặt giường).

Trẻ em và người già có thể bị bệnh viêm màng não do não mô cầu nhưng triệu chứng không điển hình, không sốt, không cứng cổ.

 Vi khuẩn não mô cầu có hình hạt cà phê.

Khó nhận biết sớm bệnh viêm não mô cầu

Rất khó có dấu hiệu sớm để nhận biết bệnh viêm não mô cầu bởi các triệu chứng giống các trường hợp nhiễm vi khuẩn khác với biểu hiện đau họng, đau mỏi người. Nếu diễn tiến nặng hơn, bệnh gây biến chứng viêm não mô cầu thể viêm não mủ thì biểu hiện giống như những ca viêm não mủ bình thường khác, gồm các triệu chứng: sốt, đau hôn mê.

Còn khi vi khuẩn não mô cầu gây biến chứng nhiễm khuẩn huyết, người bệnh có biểu hiện ban hoại tử dưới da.

Điều trị

Cần dùng ngay kháng sinh sau cấy máu, trước cả khi chọc sống lưng. Thuốc được khuyên dùng là penicillin G, ampicillin, lincocin, oxacilin, cephalosporin thế hệ 3, thời gian điều trị là 7-10 ngày. Để giúp penicillin thấm vào màng não tốt hơn, có thể dùng thêm cafein. Nếu bệnh nhân dị ứng với penicillin hoặc nghi ngờ có viêm màng não do H.influenzae hoặc các vi khuẩn gram âm khác thì có thể dùng ceftriaxon. Thuốc điều trị hỗ trợ tim mạch, truyền dịch giải độc và điều chỉnh điện giải. Nếu bệnh nhân nặng và có dấu hiệu tăng áp lực nội sọ rõ rệt thì có thể dùng corticoid trong một vài ngày đầu. 

Để tránh lây lan (qua đường hô hấp), cần đeo khẩu trang khi đi ngoài đường, hạn chế chỗ đông người, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và ăn uống tốt để  nâng cao sức đề kháng.     
 

Để phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

- Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở: thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.

- Chủ động tiêm phòng vaccin phòng bệnh.

- Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.

- Khi phát hiện người nghi ngờ mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu cần thông báo theo đường dây nóng của y tế địa phương để được điều tra giám sát xử lý kịp thời.

      

ThS. Trần Minh Thanh


Ý kiến của bạn