Hà Nội

Cảnh giác với viêm cầu thận cấp do nhiễm liên cầu khuẩn

11-10-2018 10:32 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm cầu thận cấp nếu không được điều trị kịp thời dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy thận cấp, phù phổi cấp, phù não hoặc chảy máu não, suy tim trái hoặc suy tim toàn bộ...

Triệu chứng lâm sàng của bệnh

Bệnh thường khởi phát đột ngột, có thể có dấu hiệu báo trước như mệt mỏi, chán ăn, tức mỏi vùng lưng, sốt, viêm họng. Ba triệu chứng thường gặp là:

Phù: Phù mềm, trắng, ấn lõm để lại dấu ấn ngón tay, lúc đầu thường xuất hiện ở mặt như nặng mi mắt, sau đó có thể phù mặt trước xương chày, mu chân, quanh mắt cá, nặng hơn có thể có tràn dịch màng phổi, phù phổi cấp, phù não. Phù nhiều hay ít còn tùy thuộc vào chế độ ăn.

Đái máu: Thường xuất hiện sớm, đái máu đại thể khi thấy nước tiểu đỏ như nước rửa thịt hoặc đái máu vi thể là có hồng cầu trong nước tiểu khi soi kính hiển vi nhưng không nhiều. Trụ hồng cầu là một dấu hiệu, đặc trưng chứng tỏ hồng cầu là từ thận xuống. Đái máu đại thể thường khỏi sớm nhưng đái máu vi thể thường kéo dài, hồng cầu niệu có khi 3 tháng mới hết, do đó phải theo dõi dài ngày.

Cảnh giác với viêm cầu thận cấp do nhiễm liên cầu khuẩnLiên cầu nhóm A

Tăng huyết áp: Trên 60% bệnh nhân có tăng huyết áp, cao cả huyết áp tâm thu và tâm trương. Phù phổi cấp là biến chứng thường gặp do tăng huyết áp, phù và suy tim trái cấp.

Bệnh thường khởi phát đột ngột, có thể có dấu hiệu báo trước như mệt mỏi, chán ăn, tức mỏi vùng lưng, sốt, viêm họng.

Ngoài ra, còn có các triệu chứng như:

Đái ít hoặc vô niệu: Xuất hiện sớm, bệnh nhân thường chỉ đái được 500- 600 ml/ 24h (thiểu niệu), hoặc <300 ml/ 24h (vô niệu)

Suy tim: Ít gặp nhưng nếu có thì tiên lượng xấu, có thể do tăng huyết áp, giữ muối, giữ nước.

Điều trị bệnh như thế nào?

Kháng sinh: Nếu có nhiễm khuẩn thì phải đặt ra vấn đề dùng kháng sinh. Lựa chọn hàng đầu được nhắc đến là sử dụng penicillin dạng uống hoặc dạng tiêm trong vòng 7 - 10 ngày. Nếu thất bại, có thể sử dụng liệu pháp kháng sinh phối hợp giữa penicillin và một kháng sinh khác.

Điều trị triệu chứng: Ăn hạn chế muối để giảm phù. Tuỳ theo mức độ phù mà có thể sử dụng thuốc lợi tiểu cho hợp lý.

Điều trị tăng huyết áp: Tuỳ từng trường hợp có thể sử dụng một số thuốc thuộc các nhóm thuốc ức chế men chuyển; nhóm thuốc chẹn thụ thể angiotensin II; nhóm chẹn beta giao cảm; nhóm chẹn kênh canxi...

Cảnh giác với viêm cầu thận cấp do nhiễm liên cầu khuẩnBệnh ngoài da do liên cầu nhóm A có thể gây viêm cầu thận cấp.

Tuy nhiên trong viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu có thể sử dụng một hay hai loại thuốc hạ huyết áp kết hợp, thường hay dùng thuốc hạ huyết áp nhóm chẹn canxi kết hợp với thuốc hạ huyết áp nhóm ức chế thần kinh trung ương.

Ngoài ra nếu có tăng kali máu thì hạn chế đưa kali vào cơ thể qua đường ăn uống, có thể sử dụng dung dịch natribicarbonat hoặc calcium tiêm tĩch mạch để trao đổi ion. Khi có suy thận cấp nặng, kali máu > 6,5 mmol/L thì có chỉ định lọc máu cấp.

Trên 90% trẻ em có viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu khỏi hoàn toàn với điều trị bảo tồn. Ở một số bệnh nhân có hồng cầu niệu vi thể, protein niệu nhẹ có thể tồn tại vài tuần đến vài tháng nhưng sẽ khỏi. Ở người lớn bệnh thường nặng hơn, với khoảng 60% các trường hợp có thể hồi phục hoàn toàn, một số tiến triển thành viêm cầu thận tiến triển nhanh, số còn lại chuyển thành viêm cầu thận mạn. Do đó sau điều trị viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu, bệnh nhân cần được theo dõi thường xuyên, trong 6 tháng đầu mỗi tháng kiểm tra một lần, sau đó cứ 3 tháng kiểm tra một lần, sau 2 năm mà protein niệu âm tính coi như khỏi hoàn toàn.


ThS. Nguyễn Thu Hiền
Ý kiến của bạn