Viêm bể thận cấp là một bệnh thuộc đường tiết niệu thường gặp và là bệnh nhiễm khuẩn ở tổ chức kẽ của thận, vì vậy còn gọi là viêm thận kẽ. Bệnh viêm bể thận gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính nhưng tỷ lệ mắc ở nữ cao hơn nam. Viêm bể thận có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Bài viết sau xin giới thiệu những kiến thức về viêm bể thận cấp.
Viêm bể thận cấp do đâu?
Viêm bể thận cấp hầu hết xuất phát từ viêm đường tiết niệu (bàng quang, niệu quản, niệu đạo...), đặc biệt khi xuất hiện dòng chảy ngược của nước tiểu (thỉnh thoảng hay dai dẳng) từ bàng quang ngược lên niệu quản hay chậu thận. Khi viêm đường tiết niệu mà không phát hiện sớm và không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm sẽ gây viêm ngược dòng làm viêm bể thận.
Nguy cơ sẽ tăng lên nếu như đã từng bị viêm bàng quang, hoại tử mao mạch thận, sỏi thận, hồi lưu bàng quang niệu quản, hay bệnh lý đường tiết niệu. Trong các loại vi khuẩn gây viêm đường tiết niệu, hay gặp nhất là các loại vi khuẩn gram âm (chiếm tỷ lệ 90%), đặc biệt là E.coli, trực khuẩn mủ xanh và tụ cầu vàng, chưa kể đến các loại vi khuẩn gây viêm niệu đạo, âm đạo (nữ giới) như lậu cầu khuẩn, Chamydia, Mycoplasma. Viêm bể thận cấp do vi khuẩn viêm tiết niệu ngược dòng gặp nhiều nhất là E.coli, chiếm tỷ lệ khoảng 60 - 70%, trực khuẩn mủ xanh chỉ chiếm tỷ lệ thấp (6%). Ngoài nguyên nhân do vi khuẩn gây viêm tiết niệu đi ngược dòng lên còn có thể do vi khuẩn theo đường máu đi đến đài, bể thận và gây bệnh (nhiễm khuẩn huyết). Các trường hợp hay gặp trong cản trở dòng chảy là sỏi tiết niệu (sỏi niệu quản, bàng quang, sỏi thận), dị dạng đường tiết niệu, u (polyp, ung thư, u tiền liệt tuyến) hoặc liệt nửa người do tai biến mạch máu não hoặc có thói quen nhịn tiểu, nhất là nữ giới. Ngoài ra, ở nữ giới do viêm nhiễm bộ phận sinh dục (viêm âm đạo, cổ tử cung) cũng có thể gây lây lan mầm bệnh sang đường tiểu gây viêm ngược dòng.
Hình ảnh bể thận bị viêm. |
Dấu hiệu điển hình viêm bể thận cấp
Viêm bể thận cấp tính thường có sốt cao, rét run, môi khô, lưỡi bẩn, mệt mỏi do mất nước và chất điện giải. Bệnh nhân có đái buốt, đái dắt, đái đục, đái máu, đái mủ cuối bãi (được gọi là hội chứng bàng quang). Hội chứng bàng quang không thường xuyên và đôi khi xuất hiện trước khi viêm bể thận cấp do đã bị viêm bàng quang cấp trước đó. Điển hình nhất của viêm bể thận cấp là dấu hiệu đau vùng sườn - lưng hoặc thắt lưng, có thể đau một bên hoặc cả hai bên tùy theo tổn thương ở thận (thận bên nào bị viêm). Đau có tính chất âm ỉ, đôi khi xuất hiện cơn đau dữ dội. Trong trường hợp này thì xét nghiệm máu có thể có bạch cầu tăng cao, nếu xét nghiệm vi sinh nước tiểu sẽ thấy số lượng vi khuẩn trên 1000CFU/ml và nếu phân lập sẽ xác định được loại vi khuẩn có protein niệu và có thể xuất hiện hồng cầu. Siêu âm thận có kích thước to hơn, đài bể thận giãn.
Hậu quả khi viêm bể thận cấp có thể đưa đến suy thận cấp (urê máu và creatinin đều tăng), nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đễn suy thận mạn tính. Nên lưu ý là ở giai đoạn cấp của bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được loại bỏ nguy cơ và nguyên nhân gây bệnh. Nếu bị tái phát nhiều lần sẽ chuyển thành viêm bể thận mạn và hậu quả cuối cùng sẽ dẫn đến suy thận mạn. Bệnh nhân có thể tử vong do biến chứng suy thận mạn, do đó nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng và triệt để, bệnh nhân phục hồi hoàn toàn.
Có thể phòng viêm bể thận hay không?
Để tránh mắc bệnh viêm bể thận cấp tính, không để mắc bệnh viêm đường tiết niệu. Vì vậy cần vệ sinh sạch sẽ bộ phân sinh dục hằng ngày, nhất là nữ giới. Khi bị viêm đường tiết niệu (ngay cả viêm đường sinh dục) cần được điều trị sớm, dứt điểm. Trường hợp bị sỏi hoặc u đường tiết niệu nên khám bác sĩ tiết niệu để được điều trị sớm, tránh bị nhiễm khuẩn tiết niệu gây nhiễm ngược dòng làm viêm bể thận cấp.
PGS.TS. TTƯT. Bùi Khắc Hậu