Cảnh giác với tụ cầu vàng kháng thuốc

16-06-2012 17:26 | Dược
google news

Vi khuẩn tụ cầu có 3 loại (tụ cầu vàng, tụ cầu da và tụ cầu hoại sinh), trong 3 loại đó thì tụ cầu vàng (S.aureus) là loại gây nhiều bệnh nhiễm khuẩn ở cộng đồng cũng như trong bệnh viện (nhiễm khuẩn bệnh viện), đặc biệt gây nhiều bệnh cấp tính, nặng.

(SKDS) – Vi khuẩn tụ cầu có 3 loại (tụ cầu vàng, tụ cầu da và tụ cầu hoại sinh), trong 3 loại đó thì tụ cầu vàng (S.aureus) là loại gây nhiều bệnh nhiễm khuẩn ở cộng đồng cũng như trong bệnh viện (nhiễm khuẩn bệnh viện), đặc biệt gây nhiều bệnh cấp tính, nặng. Tụ cầu vàng kháng lại nhiều loại kháng sinh thông dụng, đặc biệt kháng lại kháng sinh methicilin.

Một số bệnh do tụ cầu vàng gây ra

Trong cộng đồng cũng như trong bệnh viện thì tụ cầu đặc biệt là loại tụ cầu vàng (TCV) có thể gây rất nhiều bệnh nhiễm khuẩn, trong đó có một số bệnh rất nặng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị tích cực. Theo một báo cáo tại hội thảo về chống nhiễm khuẩn thì ở Bệnh viện Bạch Mai hằng năm có 13,9% số trường hợp mắc bệnh nhiễm khuẩn là do vi khuẩn TCV nhập viện điều trị. Trong các bệnh nhiễm khuẩn do TCV gây ra thì bệnh nhiễm khuẩn huyết và viêm nội tâm mạc là những bệnh rất nặng. Hai bệnh này thường có liên quan với nhau, có diễn biến lâm sàng rất nặng và phức tạp, chiếm tỷ lệ khoảng 30 - 40% các trường hợp.
 
 Cơ chế kháng methicilin của tụ cầu vàng.
Phòng bệnh và hạn chế kháng thuốc của TCV  

Đề phòng mắc bệnh do tụ cầu gây ra nên vệ sinh cá nhân sạch sẽ hằng ngày để phòng bệnh về nhiễm khuẩn da và nhiễm khuẩn đường hô hấp. Vệ sinh an toàn thực phẩm là một khâu hết sức quan trọng, vừa phòng ngộ độc thực phẩm do TCV gây ra, vừa phòng ngộ độc thực phẩm do các vi sinh vật khác. Để hạn chế sự kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn nói chung và TCV nói riêng, không nên tự mua thuốc kháng sinh để điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Với bác sĩ khám chữa bệnh cần tuân theo các quy định sử dụng kháng sinh hợp lý của Bộ Y tế đề ra.

Nhiễm khuẩn huyết do TCV xuất phát từ một ổ nhiễm trùng nào đó đang có trên cơ thể (áp-xe, mụn nhọt, chốc đầu hoặc nhiễm khuẩn vết mổ, vết thương, bỏng, nhiễm khuẩn sau nạo phá thai, sót rau sau đẻ). TCV cũng có thể gây nên viêm phổi và áp-xe phổi. Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh viêm phổi nhất bởi TCV, thường là bệnh thứ phát sau cúm, sởi hoặc gặp ở trẻ mắc bệnh mạn tính như hen phế quản, suy giảm miễn dịch (còi xương, suy dinh dưỡng).
 
Triệu chứng phổ biến là sốt cao, mạch nhanh, thở nhanh, khó thở, ho và có thể suy hô hấp gây khó thở dữ dội hoặc bị sốc nhiễm khuẩn, nhiễm độc và nếu không điều trị kịp thời có thể hình thành ổ áp-xe ở phổi. Viêm phổi và áp-xe phổi do tụ cầu có thể gây nên biến chứng như tràn dịch màng phổi và mủ màng phổi. Viêm phổi do TCV cũng có thể xuất phát từ nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu.
 
Ngoài ra, TCV có thể gây ra ngộ độc thực phẩm bởi TCV có một ngoại độc tố có khả năng chịu nhiệt cao cho nên khi đun sôi 100oC vẫn chưa thể phân hủy được độc tố của chúng. Ngoài các bệnh nhiễm khuẩn mà TCV thường gây nên thì vai trò gây bệnh của nó trong các nhiễm khuẩn bệnh viện cũng đóng một vai trò đáng kể sau trực khuẩn mủ xanh. Điều đáng lo ngại nhất của các bệnh do tụ cầu gây ra là rất khó điều trị vì chúng có khả năng kháng lại nhiều loại thuốc kháng sinh, trong đó có các loại kháng sinh thế hệ mới và ngay cả kháng sinh đặc trị đối với TCV.

Vì sao  TCV có khả năng kháng thuốc kháng sinh?

Từ lâu đa số TCV đã có khả năng kháng lại kháng sinh penicilin G. Đó là loại đề kháng tự nhiên do TCV có khả năng sản sinh ra một loại men penicillinase, men này được hình thành nhờ gen của R-plasmid. Số còn lại của TCV lại có khả năng kháng lại kháng sinh methicilin (MRSA) bởi vì TCV có khả năng tạo ra các protein gắn vào vị trí tác động của kháng sinh. Ngoài các yếu tố đó, TCV còn có một số yếu tố khác khá đặc biệt làm cho chúng có khả năng kháng lại kháng sinh.
 
Theo TS. Ferric Fang - Trường đại học Y khoa ở Washington (Hoa Kỳ) thì cơ thể con người có khả năng sản sinh ra một hợp chất citric oxide (NO) để chống lại tác động của vi khuẩn khi chúng xâm nhập cơ thể. Tuy nhiên, khi TCV ở trong môi trường có NO thì chúng vẫn duy trì cân bằng hóa học của nó, chúng vẫn phát triển, sinh sản ở trong môi trường khắc nghiệt. Khi TCV tiếp xúc trực tiếp với NO thì nó tạo ra một enzym mới chịu trách nhiệm sản xuất acid lactic cùng với một enzym khác biến NO thành các sản phẩm không gây hại cho chúng. Với các cơ chế kháng thuốc này cùng với các cơ chế kháng thuốc như các vi khuẩn khác thì vi khuẩn TCV ngày càng có xu hướng kháng lại nhiều thuốc kháng sinh.
 
Theo kết quả của Chương trình giám sát thuốc kháng sinh của Bộ Y tế (ATS) thì TCV đã kháng lại methicilin lên tới 41,7% và kết quả nghiên cứu tại Bệnh viện Nhiệt đới Quốc gia cũng có kết quả tương tự (40%). Tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy, kết quả nghiên cứu đối với MRSA là 50%. Một nghiên cứu tương đối rộng ở 3 tỉnh (Đà Nẵng, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh) của Phạm Hồng Vân và Phạm Thái Bình cho thấy, TCV kháng lại hầu hết các loại kháng sinh thông dụng. Riêng 2 loại kháng sinh vancomycin và linezolid, TCV chưa hề đề kháng (còn nhạy cảm 100%).   

PGS.TS. Bùi Khắc Hậu


Ý kiến của bạn