Rất nhiều hội chứng và biểu hiện lâm sàng do tụ cầu khuẩn gây ra, từ các nhọt đơn thuần đến nhiễm khuẩn nhiều bộ phận trong cơ thể và tử vong. Trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính là đối tượng dễ bị tụ cầu xâm nhập nhất.
Có thể tử vong vì tụ cầu khuẩn
Các tổn thương thông thường do tụ cầu là chốc lở, viêm nang lông, các loại mụn nhọt, áp-xe và nhiễm khuẩn các vết rách, xước trên da. Các biểu hiện toàn thân hiếm gặp nhưng nếu các tổn thương lan rộng thì có thể làm người bệnh sốt, mệt mỏi, đau đầu, ăn uống kém. Các tổn thương chốc lở ngoài da thường không phức tạp nhưng khi vi khuẩn lưu hành trong máu có thể gây ra những bệnh nguy hiểm như viêm phổi, áp-xe phổi, viêm tuỷ xương, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng trong tim, viêm khớp xương mủ cấp, viêm màng não hoặc áp-xe não… Ngoài các tổn thương chủ yếu ở da, còn có viêm kết mạc do tụ cầu ở trẻ sơ sinh và người lớn.
Vi khuẩn tụ cầu vàng tấn công da gây viêm nang lông. |
Những đối tượng nào dễ bị tụ cầu xâm nhập
Trẻ sơ sinh và người mắc bệnh mạn tính là đối tượng dễ bị tụ cầu xâm nhập nhất. Người cao tuổi, bị suy nhược, người lạm dụng thuốc kháng sinh, bệnh nhân đái tháo đường, xơ túi mật, suy thận mạn, vô gammaglobulin huyết, rối loạn chức năng bạch cầu (mất bạch cầu hạt, bệnh u hạt mạn tính), khối u và bỏng… cũng có nguy cơ cao nhiễm loại vi khuẩn này.
Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở những vùng có điều kiện vệ sinh cá nhân kém, nơi đông dân cư, đặc biệt là thiếu nước sạch trong sinh hoạt, thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh mạnh. Nơi cư trú của vi khuẩn là ở lỗ mũi, có đến 20 - 30% dân số mang tụ cầu khuẩn coagulase dương tính và khoảng 1/3 các trường hợp bệnh là do tự nhiễm. Những người có các tổn thương chảy dịch và các chất tiết có mủ là nguồn thông thường làm lây lan dịch bệnh. Người mang vi khuẩn nhưng không có biểu hiện bệnh cũng là một nguồn lây bệnh. Vai trò truyền bệnh của các vật dụng bị nhiễm khuẩn cần đặc biệt lưu ý, bàn tay bẩn là nguyên nhân làm lây truyền bệnh quan trọng nhất. Bệnh hiếm khi lây truyền qua đường thở nhưng ở trẻ nhỏ có các bệnh do virut ở đường hô hấp thì cách lây truyền này vẫn có thể xảy ra.
Phòng ngừa tụ cầu khuẩn có khó khăn?
Tụ cầu khuẩn là một trong những vi khuẩn có tính kháng kháng sinh rất cao, nhất là đối với những bệnh nhân đã sử dụng kháng sinh nhiều thì khi mắc tụ cầu khuẩn, chỉ định điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn. Đối với những tổn thương khu trú trên da thì không cần phải điều trị kháng sinh trừ khi nhiễm khuẩn lan rộng hoặc có biến chứng. Tại chỗ mưng mủ chỉ cần làm sạch da tại chỗ bằng dung dịch sát khuẩn, dùng kháng sinh trực tiếp như là bôi ngoài da. Các loại áp-xe cần rạch mủ và kết hợp dùng kháng sinh đường uống hoặc tiêm. Những loại nhiễm khuẩn huyết, viêm màng trong tim cần có những kháng sinh đặc hiệu và khi điều trị phải theo dõi chặt chẽ, nhất là đối với người cao tuổi, người bị vữa xơ động mạch hay đái tháo đường.
Phòng bệnh tụ cầu khuẩn cũng như các bệnh nhiễm khuẩn khác thì yếu tố vệ sinh cá nhân là điều kiện quan trọng, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh là yêu cầu cơ bản để phòng bệnh, giữ gìn sạch sẽ những vết trầy xước trên da. Những bệnh nhân tai biến mạch máu não nằm liệt giường có thể dẫn đến xuất hiện các vết loét cần phải được chăm sóc hỗ trợ vận động như xoa bóp cho mạch máu lưu thông, bệnh nhân đái tháo đường cần giữ gìn bàn chân tránh bị phồng loét.
BS.Nguyễn Văn Dũng