Chóng mặt là một cảm giác hay ảo giác về cử động của cơ thể hoặc môi trường, thường gặp nhất là cảm giác xoay tròn kèm theo buồn nôn, đi đứng không vững, dáng đi lệch lạc, có thể khởi phát hay nặng lên khi cử động đầu.
Trong chẩn đoán, cần phân biệt chóng mặt (cần được chẩn đoán và điều trị chuyên biệt) và choáng váng (hiện tượng thoáng qua rồi biến mất), cũng cần xác định chóng mặt do nguyên nhân ngoại biên hay trung ương. Chóng mặt ngoại biên có nguồn gốc bên ngoài hệ thần kinh trung ương, đặc biệt ở các ống bán khuyên của tai và chiếm trên 90% các trường hợp; nguyên nhân do chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, viêm thần kinh tiền đình và bệnh Ménière. Chóng mặt trung ương có nguồn gốc bên trong hệ thần kinh trung ương chiếm khoảng dưới 10% các trường hợp do đột quỵ, đau đầu migraine, u bướu, bệnh thoái hóa myelin...
Dấu hiệu và triệu chứng bệnh lý
Người bệnh có ảo giác hay hoang tưởng về cử động cơ thể hay môi trường với cảm giác xoay tròn, không thăng bằng; trong chóng mặt kịch phát tư thế lành tính, các triệu chứng khởi phát từ cử động đầu khi quay đầu khỏi giường và giảm đi khi không cử động; chóng mặt xảy ra từng cơn, mỗi cơn kéo dài vài phút, trường hợp cơn tái phát có thể kéo dài đến vài tuần. Triệu chứng buồn nôn và nôn thường xảy ra do nguyên nhân từ tiền đình ngoại biên, ít từ nguyên nhân thần kinh trung ương. Rung giật nhãn cầu thường gặp tùy theo bệnh lý như: Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính gây rung giật nhãn cầu xoay, viêm dây thần kinh tiền đình gây rung giật nhãn cầu theo chiều ngang, đối với các nguyên nhân do thần kinh trung ương gây rung giật nhãn cầu theo bất kỳ hướng nào nhưng điển hình là rung giật nhãn cầu dọc. Đồng thời, người bệnh có tư thế không vững, không điều chỉnh được dáng điệu; ù tai và giảm thị lực trong rối loạn chức năng dây thần kinh sọ não VIII, bệnh Ménière.
Cần phân biệt chóng mặt tư thế kịch phát lành tính và chóng mặt thần kinh trung ương bằng các triệu chứng khác biệt. Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính có thời gian chờ để có triệu chứng từ 3 - 40 giây, triệu chứng biến mất khi duy trì tư thế, giảm bớt các triệu chứng khi lặp lại tư thế, cường độ chóng mặt nặng. Chóng mặt thần kinh trung ương không có thời gian chờ để có triệu chứng, người bệnh thường chóng mặt và rung giật nhãn cầu ngay tức thì, không biến mất triệu chứng khi duy trì tư thế, không giảm bớt triệu chứng khi làm lặp lại, cường độ chóng mặt thường nhẹ.
Khi bị chóng mặt người bệnh cần được bác sĩ thăm khám và tìm đúng nguyên nhân gây bệnh.
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính thường có tiền sử chấn thương đầu nhẹ chiếm khoảng 20% trường hợp, khởi phát khi quay đầu lên khỏi giường, tái lặp lại khi thay đổi tư thế đầu, cơn xảy ra ngắn, có thể cải thiện sau 10 - 80 giây khi không cử động đầu, buồn nôn nhưng ít nôn.
Viêm thần kinh tiền đình thường không theo tư thế, giữ vững được, có thể có triệu chứng nhiễm virus trước đó, triệu chứng khởi phát đột ngột cấp tính trong 73% trường hợp, buồn nôn và nôn, xảy ra ở người trẻ và trung niên, tiến triển từ từ nhiều ngày.
Bệnh Ménière thường gây chóng mặt mạn tính, xảy ra từng đợt, kéo dài nhiều giờ, giảm thính lực do thay đổi tiếp nhận, ù tai, nặng tai. Đau đầu migraine kèm chóng mặt có thể kéo dài nhiều phút đến nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày đến nhiều tuần, đau đầu, sợ ánh sáng, có tiền sử đau đầu migraine. Chóng mặt kéo dài cấp tính thường liên tục, buồn nôn và nôn, nhìn ảnh dao động, mất thăng bằng.
Cần căn cứ vào đặc tính dấu hiệu và triệu chứng bệnh lý khác nhau đã được nêu để chẩn đoán. Đồng thời cần phải thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết hỗ trợ khác để xác định cụ thể nguyên nhân gây chóng mặt.
Biện pháp xử trí can thiệp điều trị
Điều trị chóng mặt được thực hiện tùy theo nguyên nhân. Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính cần làm nghiệm pháp tái lập vị trí ống bán khuyên là nghiệm pháp Epley, có thể làm giảm triệu chứng bằng thuốc điều trị. Chóng mặt mạn tính có nguồn gốc từ mê đạo, điều trị bằng phục hồi hệ thống tiền đình. Chóng mặt thần kinh trung ương được điều trị theo từng trường hợp bệnh lý.
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính thực hiện tiến trình tái lập vị trí ống bán khuyên bằng nghiệm pháp Epley giúp làm rỗng các hạt vỡ ra từ ống bán khuyên sau và có thể thực hiện tại nhà, có thể dùng nghiệm pháp Semont thực hiện dễ hơn Epley, không khuyến cáo hạn chế hoạt động sau khi làm các nghiệm pháp tái lập tư thế; đồng thời phục hồi chức năng tiền đình dưới sự hướng dẫn của bác sĩ trị liệu nếu chóng mặt có nguồn gốc từ mê đạo.
Viêm thần kinh tiền đình gây chóng mặt hầu hết các trường hợp tự hết, dùng glucocorticoid có thể có hiệu quả tốt trong 3 ngày đầu khi khởi phát bệnh, thuốc ức chế tiền đình có thể làm giảm triệu chứng cấp tính nhưng không nên dùng nhiều ngày, cho người bệnh trở lại hoạt động bình thường càng sớm càng tốt và tiếp tục điều trị phục hồi chức năng tiền đình.
Bệnh Ménière nên dùng thuốc lợi tiểu và hạn chế dùng muối, tiêm gentamycine vào trong tai giữa.
Trong trường hợp chóng mặt cấp tính, có thể sử dụng các thuốc cần thiết nhưng ít hiệu quả đối với chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, nên dùng khi triệu chứng chóng mặt kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần và không có tác dụng cho những cơn ngắn riêng lẻ. Các trường hợp chóng mặt kèm theo buồn nôn và nôn cần được ưu tiên sử dụng thuốc, nên giảm liều hoặc ngưng điều trị khi hết triệu chứng. Nếu triệu chứng tái phát thì điều trị bắt đầu lại và giảm liều hoặc ngưng thuốc vài ngày sau đó.
Viêm dây thần kinh số 8 gây hiện tượng chóng mặt.
Thuốc điều trị chóng mặt cấp tính thường được sử dụng gồm các nhóm như: Benzodiazepin, kháng histamin, phenothiazin, anticholinergic, sympathomimetics, phối hợp ephedrine và promethazine, glucocorticoides. Ngoài ra, có thể phẫu thuật tai trong để cắt đứt đoạn tiền đình của dây thần kinh số VIII có thể làm giảm chóng mặt hơn 90% trường hợp và được chỉ định cho trường hợp dò ngoại dịch, bệnh Ménière kháng trị; cũng có thể điều trị chống đau đầu migraine cho những đợt tái phát của đau đầu migraine kèm theo chóng mặt.
Một số lưu ý
Nếu bệnh nhân có triệu chứng chóng mặt kéo dài cần phải đi khám chuyên khoa tai mũi họng để bác sĩ phát hiện bệnh lý. Trường hợp người bệnh có triệu chứng chóng mặt nghi ngờ liên quan đến thần kinh trung ương thì phải được bác sĩ chuyên khoa thần kinh xem xét và đánh giá. Biến chứng bệnh lý có thể xảy ra phụ thuộc vào nguyên nhân gây chóng mặt, tuy nhiên không có biến chứng nguy hiểm do chóng mặt từ nguyên nhân thần kinh ngoại biên cấp tính và hiếm khi thấy chóng mặt cấp tính xảy ra trong lúc bệnh nhân đang lái xe hay đang điều khiển máy móc nguy hiểm. Tiên lượng bệnh cũng phụ thuộc vào nguyên nhân, hầu hết các đợt chóng mặt do nguyên nhân thần kinh ngoại biên cấp tính đều tự giới hạn.
Nếu bệnh nhân đã có một cơn chóng mặt tư thế kịch phát lành tính thì có khả năng tăng nguy cơ bị những cơn chóng mặt xảy ra sau đó, có khoảng 7 - 23% tái phát trong giai đoạn ngắn và 50% tái phát trong giai đoạn dài. Những bệnh nhân có bệnh lý về thân não hay tiểu não sẽ giảm khả năng thích nghi và triệu chứng chóng mặt có thể kéo dài bất định.