(SKDS) - Những năm gần đây, tội phạm trộm tài khoản nick yahoo để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã xuất hiện tại Việt Nam, ở nhiều tỉnh thành địa phương đều có. Đội cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao (Phòng PC45 - Công an TP. Hà Nội) đã tiếp nhận rất nhiều đơn thư phản ánh từ các nạn nhân và không ít lần triệt phá thành công những vụ án liên quan đến loại tội phạm này. điển hình là nhóm 18 học sinh THPT bị bắt tại Quảng Trị cách đây ít ngày vì phạm tội này.
Lắm thủ đoạn và nhiều “chiêu”
Bằng phương thức rất đơn giản, chúng lên mạng sưu tầm, download những “phần mềm đánh cắp mật khẩu free”. Sau đó truyền qua cho nhau để khám phá, mỗi phần mềm có giao diện, cách sử dụng khác nhau nhưng hiệu quả thì tương đối cao. Vì thế, loại nick chat yahoo hoặc skype là mạng xã hội nhân rộng nên sau khi “thả” virut thì chúng nhân rộng, rất khó kiểm soát, ví dụ: Thông qua phần mềm, chúng dùng mạo danh một bức ảnh ca sĩ, diễn viên, trò chơi trúng thưởng để tăng sự hấp dẫn…gửi vào tên địa chỉ bất kỳ ai đó qua nick chat, có dòng thông báo như: “hình của tớ đây…”, nếu ai đó “tò mò” click vào thì ngay lập tức mọi thông tin của chủ nhân sở hữu nick đó sẽ lưu lại trong database của phần mềm mà chúng dùng.
![]() Người dùng nick chat yahoo cần cảnh giác với các thủ đoạn của hacker (ảnh chỉ có tính chất minh họa). |
Chủ nhân của nick yeuthuong_47 đã từng nhận được tin nhắn: “Vợ cào cho chồng thẻ điện thoại 200 nghìn nhé, chồng đang trong hội trường cần gọi điện thoại ra ngoài gấp”. Lập tức chủ nhân của nick yeuthuong_47 “lật đật” tìm mua thẻ điện thoại nhắn qua cho chồng. Vì sao chủ nhân của nick yeuthuong_47 không hề mảy may nghi ngờ? Bởi hacker đã đọc được nội dung trong nhật ký là hai vợ chồng, nắm được thói quen hai vợ chồng thường xuyên chat qua lại với nhau.
Làm thế nào để tránh?
Cũng theo một điều tra viên cho thấy, thường thì các hacker này tuy thoải mái sở hữu những địa chỉ nick chat nhưng sẽ không lừa khổ chủ thuộc phạm vi trong nước bằng các hình thức có giá trị lớn, mà theo cách lấy của nhiều người với số tiền nhỏ (bởi vì việc giao dịch, trao đổi có giá trị sẽ dễ bị cảnh giác hơn). Thông thường, chúng lừa bằng việc cào thẻ điện thoại có mệnh giá từ 100 - 500 nghìn đồng hoặc thẻ cào dùng cho trò chơi game, điển hình nếu là sinh viên thì chúng còn lừa được thẻ cào có mệnh giá 10 - 50 nghìn.
Điều đáng lưu ý, nếu hacker phát hiện ra nhật ký chat có giao dịch với người thân ở nước ngoài thì sẽ là cơ hội “béo bở” cho bọn chúng ra tay. Một cán bộ đang công tác trong cơ quan nhà nước có con học ở nước ngoài nên thường xuyên thông tin qua lại bằng nick chat, các hacker “thăm” được nhật ký nên đã thâm nhập và lừa được số tiền học chuyển qua thẻ ATM lên đến 30 triệu đồng mà nạn nhân không hề nghi ngờ, chỉ sau khi đọc thông tin trên mạng và kiểm tra lại thì đã quá muộn.
Làm thế nào để người dùng internet không bị trộm nick để tội phạm dễ bề lừa đảo? Theo nhiều chuyên gia, các chủ nhân cần phải cảnh giác cao với những tên nick lạ, không giao dịch, không click vào những đường link lạ mà mình chưa biết và chưa kích hoạt bao giờ. Bên cạnh đó, ngoài sự cố gắng của lực lượng công an, thiết nghĩ, để ngăn chặn triệt để loại tội phạm này, các nhà cung cấp mạng cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra để sớm tìm ra biện pháp ngăn chặn.
Thế Vinh