Cảnh giác với thuốc gây trướng bụng

16-12-2015 10:18 | Dược
google news

SKĐS - Đầy hơi, trướng bụng là các triệu chứng thuộc về đường tiêu hóa, tuy không nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho người bệnh.

Đầy hơi, trướng bụng là các triệu chứng thuộc về đường tiêu hóa, tuy không nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho người bệnh. Chứng đầy hơi thường là loại bệnh chức năng, nghĩa là không do tổn thương thực thể như viêm loét dạ dày - tá tràng, khối u hay hẹp tắc ruột. Thông thường, chứng đầy hơi xảy ra khi thói quen ăn uống nhiều tinh bột, các loại thức ăn chứa nhiều sorbitol, thói quen hay nhai kẹo cao su, thiếu hụt enzyme lactase, suy tuyến tụy. Tuy nhiên cũng cần chú ý, khi sử dụng một số loại thuốc liều cao, kéo dài có thể dẫn tới tình trạng đầy hơi.

Vitamin E

Vitamin E là thuật ngữ chỉ một nhóm các chất có hoạt tính sinh học tương tự nhau là α, β, γ, δ tocoferol trong đó α - tocoferol có hoạt tính mạnh nhất, hoạt tính của 1mg α - tocoferol bằng 1 đơn vị vitamin E. Vitamin E có nhiều trong dầu thực vật như dầu cám, dầu lạc, trong các hạt nảy mầm, trong rau xanh; được hấp thu qua niêm mạc ruột và cần có sự nhũ hóa của acid mật.

Vitamin E có rất nhiều tác dụng quan trọng, trong đó nó có tác dụng chống ôxy hóa bảo vệ màng tế bào khỏi sự tấn công của các gốc tự do, nhờ đó bảo vệ được tính toàn vẹn của màng tế bào. Đồng thời nó có tác dụng hiệp đồng với vitamin C, vitamin A, selen, nhất là có tác dụng bảo vệ vitamin A không bị ôxy hóa.

Chính vì tác dụng chống ôxy hóa mà hiện nay, việc sử dụng vitamin E trong điều trị nhiều khi bị lạm dụng. Do đó cần phải lưu ý, khi dùng liều cao, kéo dài có thể gặp các tác dụng không mong muốn như buồn nôn, nôn, đầy hơi, tiêu chảy...

Sắt

Sắt hàng ngày cung cấp cho cơ thể chủ yếu từ thức ăn như gan, tim, trứng, thịt nạc, hoa quả. Ở người bình thường, nhu cầu sắt khoảng 0,5 - 1mg trong 24 giờ, nhưng tăng gấp đôi ở phụ nữ khi hành kinh, và tăng 5 - 6 lần ở phụ nữ mang thai.

Có rất nhiều nguyên nhân có thể làm cơ thể thiếu sắt, trong đó đáng chú ý là các nguyên nhân dẫn đến kém hấp thu sắt như viêm dạ dày mạn tính, lao dạ dày, sau cắt đoạn dạ dày, tiêu chảy mạn, trĩ, ung thư... hoặc do nhiễm giun, do tăng nhu cầu sử dụng sắt ở phụ nữ có thai, ở tuổi dậy thì.

Chính vì vậy, thuốc được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau cắt đoạn dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày, viêm ruột mạn tính, rong kinh, trĩ, nhiễm giun móc, phụ nữ mang thai hoặc thời kỳ cho con bú.

Tuy nhiên cần chú ý, khi dùng đường uống, thuốc có thể gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa dẫn đến tình trạng lợm giọng, buồn nôn, táo bón, đầy hơi... khi dùng đường tiêm có thể gây nhức đầu, buồn nôn, sốt và đặc biệt khi dùng quá liều có thể gây tử vong.

Canxi

Canxi là khoáng chất phong phú nhất trong cơ thể, tham gia vào hầu hết các quá trình của sự sống và canxi còn có tên gọi là “nguồn gốc của sự sống”. Từ việc hình thành xương, co giãn cơ bắp, nhịp đập quả tim, hoạt động thần kinh và tư duy bộ não cho đến sự phát triển, loại bỏ sự mệt mỏi, kiện não ích trí và làm chậm quá trình lão hóa,... Có thể nói, mọi hoạt động của sự sống đều liên quan mật thiết với canxi. Canxi trong cơ thể ổn định mới có thể ngăn ngừa tai biến mạch máu não, ung thư và bệnh tim để từ đó giúp kéo dài tuổi thọ.

Tuy nhiên trong thực tế, không phải ai cũng có thể duy trì chế độ ăn uống để cung cấp đủ canxi, nhất là với các đối tượng có nhu cầu canxi cao hơn bình thường như phụ nữ có thai, trẻ em đang phát triển, người cao tuổi... khi đó cần phải sử dụng canxi bổ sung dưới dạng thuốc. Nhưng bên cạnh tác dụng tích cực, khi dùng canxi bổ sung có thể gặp các tác dụng không mong muốn như:

Đầy hơi: Đây là tác dụng phụ thường gặp và thường xảy ra khi mới bắt đầu sử dụng canxi bổ sung. Khi đã quen dần với liều lượng bổ sung canxi hằng ngày, sự đầy hơi cũng không còn xảy ra.

Buồn nôn và ói: Bổ sung canxi liều cao lúc bụng đói có thể gây buồn nôn và nôn. Điều này gây ảnh hưởng tai hại cho hệ tiêu hóa. Trong trường hợp này, cần phải giảm liều lượng bổ sung canxi.

Táo bón: Đây cũng là một tác dụng phụ “kinh điển” của việc bổ sung canxi, với hệ lụy là tích lũy độc chất trong cơ thể gây trướng bụng và đau bụng.

Vitamin D

Vitamin D là một nhóm gồm từ D2 đến D7, trong đó hai chất có hoạt tính mạnh nhất là D2 và D3. D3 được tổng hợp ở các tế bào da nhờ ánh sáng tử ngoại, nếu được tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời thì lượng D3 tạo ra đủ cho nhu cầu vitamin D của cơ thể.

Vitamin D có vai trò rất quan trọng trong quá trình tạo xương nhờ tác dụng chuyển hóa các chất vô cơ mà chủ yếu là canxi và phosphat; nó làm tăng hấp thu canxi và phosphat ở ruột, tăng tái hấp thu canxi ở thận, tham gia vào quá trình canxi hóa sụn tăng trưởng. Do vậy vai trò của nó rất quan trọng trong sự phát triển bình thường của trẻ em. Bên cạnh đó, nó còn có vai trò điều hòa nồng độ canxi trong máu luôn hằng định, khi thiếu vitamin D, ruột không hấp thu đủ canxi và phospho làm canxi máu giảm, khi đó canxi bị huy động từ xương ra để ổn định nồng độ canxi trong máu nên gây hậu quả là trẻ em chậm lớn còi xương, chậm biết đi, chân vòng kiềng... người lớn sẽ bị loãng xương, thưa xương, xương dễ gãy..

Tuy nhiên, khi nào bổ sung và bổ sung như thế nào cần có ý kiến của nhân viên y tế, không nên tự ý sử dụng thuốc, vì bên cạnh các tác dụng như trên, nếu dùng thuốc không đúng có thể gây chứng tăng canxi huyết, tăng canxi niệu, thậm chí sỏi thận, tăng huyết áp, đau nhức khớp; có thể gặp tình trạng ngộ độc với các biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, nôn, buồn nôn, tiêu chảy và đặc biệt là tình trạng trướng bụng đầy hơi.

ThS. NGUYỄN THU HIỀN


Ý kiến của bạn