Cảnh giác với thông tin xấu, độc chống phá Đảng, Nhà nước

02-01-2021 07:19 | Pháp luật
google news

SKĐS - Càng gần đến Đại hội Đảng toàn quốc, các thế lực phản động, thù địch, những kẻ cơ hội chính trị lại tìm mọi cách chống phá Đảng, Nhà nước bằng nhiều thủ đoạn, hình thức khác nhau.

Đặc biệt qua việc lợi dụng mạng internet, không chỉ chống phá về đường lối lãnh đạo của Đảng, thế lực thù địch đặc biệt tập trung chống phá, xuyên tạc về công tác nhân sự, đưa ra nhiều suy diễn, bình luận vô căn cứ nhằm gieo rắc sự hoài nghi trong xã hội.

Những thông tin xấu, độc

Theo cơ quan chức năng, gần đây trên mạng xã hội đã xuất hiện một kênh Youtube có chuyên mục riêng với tên gọi “Đại hội XIII” với hàng trăm video được đăng tải, trong đó phần lớn là những thông tin bị cắt dán, gán ghép, lồng vào đó là những góc nhìn sai lệch, xuyên tạc về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII. Đánh vào tâm lý tò mò của người dân, họ tung ra rất nhiều video theo kiểu “phân tích”, suy đoán về công tác nhân sự, kiểu như ai sẽ vào “tứ trụ” ở Đại hội XIII, ai sẽ là “trường hợp đặc biệt” vào Bộ Chính trị, rồi chân dung Tổng Bí thư, chân dung Thủ tướng nhiệm kỳ mới, liệu có tiếp tục nhất thể hóa chức danh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước... Thậm chí, họ còn trắng trợn xuyên tạc, kiểu như “Nhân sự Đại hội XIII: Quyết đấu trước hội nghị TW 14”...

Những thông tin suy đoán vô căn cứ được đăng tải trên mạng internet.

Những thông tin suy đoán vô căn cứ được đăng tải trên mạng internet.

Các cơ quan chức năng chỉ rõ, Việt Tân chính là tổ chức đứng đằng sau điều khiển, chỉ huy và thực hiện các hoạt động chống phá này. Và thực chất, hàng loạt những fanpage, trang cá nhân facebook phản động như: Nhật ký yêu nước, Chim báo bão, Lê Trung Khoa hay Hội những người cầm bút can đảm đều bằng phương pháp cóp nhặt những thông tin trong nước rồi xuyên tạc với mục đích chống phá chứ không phải vì trách nhiệm với đất nước, với xã hội.

Trong số các vấn đề mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị thường tập trung chống phá, vấn đề nhân sự luôn được quan tâm đặc biệt. Lập luận mà chúng thường đưa ra là công tác cán bộ của Đảng không dân chủ, thiếu minh bạch, làm theo kiểu “áo gấm đi đêm”; việc quy hoạch, sắp xếp cán bộ “không có dân chủ”... Một số kẻ còn tung tin thất thiệt kiểu: nhân sự lãnh đạo chủ chốt Đại hội XIII của Đảng đã được sắp xếp xong, vấn đề bầu bán chỉ là hình thức?! Chúng còn tập trung nói xấu, đặt điều vu khống về các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Một số đối tượng bất mãn thì tung đơn thư nặc danh, mạo danh trên các trang mạng xã hội, lan truyền những thông tin sai trái, bóp méo, xuyên tạc, kích động chia rẽ nội bộ; bôi nhọ danh dự, nhân phẩm những cán bộ liên quan đến công tác nhân sự đại hội và những người trong nguồn quy hoạch, khiến dư luận hoài nghi, thắc mắc, không hiểu đúng sai thế nào...

Cần phải nói thêm rằng, tại Hội nghị Trung ương 14 vừa qua, phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng đã được xem xét một cách dân chủ, khách quan, toàn diện; rà soát chặt chẽ, kỹ lưỡng, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án nhân sự theo đúng phương hướng, quy trình công tác nhân sự đã đề ra. Và tại hội nghị này, Trung ương mới chỉ thảo luận và bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Thế nhưng, trên một số trang mạng xã hội đã xuất hiện những thông tin không đúng sự thật về công tác nhân sự Đại hội. Chỉ ít giờ sau khi Hội nghị Trung ương 14 khai mạc, một số tài khoản đã tung ra những clip xuyên tạc rằng “Bộ Chính trị ra “thông cáo” về tứ trụ nhân sự Đại hội XIII” hay là “Bộ Chính trị thông báo “Tứ trụ tạm thời”, Hội nghị Trung ương 14 đã quyết định Tổng Bí thư khóa XIII. Phi lý hơn nữa đó là ngay từ đầu tháng 12 đã có những video giới thiệu về “chân dung tân Tổng Bí thư sau Đại hội XIII”, thu hút tới hàng trăm nghìn lượt theo dõi.

Một số trang web xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước trên mạng internet.

Một số trang web xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước trên mạng internet.

Cần tỉnh táo, trách nhiệm khi tiếp nhận, chia sẻ thông tin

Theo PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học an ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, tất cả những thông tin sắp xếp nhân sự Đại hội XIII của Đảng đang lan truyền trên mạng xã hội, đều là những suy đoán vô căn cứ. Các đối tượng tung tin xuyên tạc giống như kiểu thông tin mật, thông tin nội bộ nhằm gây ra sự hoang mang, nhất là những người không đủ bản lĩnh, không đủ tỉnh táo, mơ hồ. Họ muốn tạo ra sự bất ổn, nhiễu loạn thông tin trước thềm Đại hội. Nguy hiểm và tinh vi xảo quyệt hơn, các phần tử phản động còn sử dụng phần mềm tạo ra những hồ sơ bệnh án giả của một số cán bộ cấp cao của Đảng để đánh lừa dư luận; thậm chí chúng còn vô lương tâm suy diễn cho người đang sống thành người chết và dựng lên những kịch bản phe nhóm trong công tác nhân sự. Mục đích là tạo ra sự mất đoàn kết trong nội bộ cho nên chúng ta phải hết sức cảnh giác.

Những câu chuyện bịa đặt trắng trợn, các cụm từ giật gân, câu khách, những hình ảnh được cắt ghép, chỉnh sửa với dụng ý xấu nếu không được vạch rõ, không được phản bác kịp thời sẽ rất nguy hiểm, bởi những người nhẹ dạ cả tin, thiếu trình độ, khả năng thẩm định nội dung thông tin, hình ảnh hạn chế dễ dàng tin theo. Đặc biệt, khi những thông tin đó được lan ra từ người nổi tiếng trên mạng xã hội thì tác động tiêu cực còn lớn hơn.

Khi các thông tin sai trái, bịa đặt như vậy cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, lan truyền dày đặc trên mạng xã hội, nó sẽ gây hệ lụy lâu dài, nguy cơ ảnh hưởng và tác động xấu đến niềm tin vào lý tưởng xã hội, vai trò lãnh đạo của Ðảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, gây chia rẽ, ảnh hưởng tới khối đoàn kết toàn dân. Nếu bị động và tiếp nhận thiếu tỉnh táo, có người sẽ tin theo rồi đưa ra phát ngôn, thực hiện hành vi sai trái, vi phạm pháp luật; thậm chí còn kích động, lôi kéo người khác làm điều sai trái. Pháp luật Việt Nam bảo đảm quyền tự do ngôn luận của công dân, nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội. Việc lợi dụng tự do ngôn luận, tự do trên mạng để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, bịa đặt, vu khống uy tín tổ chức và cá nhân, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trước sự gia tăng các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng, trong thời gian qua Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và truyền thông đã chủ động sử dụng công nghệ, trong đó có phân tích dữ liệu lớn để nhận diện xu hướng thông tin, phát hiện những thông tin tiêu cực, xấu độc nhằm xử lý kịp thời. Đặc biệt, Cục thường xuyên yêu cầu, đề nghị các nền tảng xuyên biên giới như google, facebook... phải chủ động rà soát, phát hiện các kênh, video có nội dung xấu độc, xuyên tạc... để ngăn chặn, gỡ bỏ.

Thời gian diễn ra Đại hội XIII của Đảng đang đến gần, mỗi người dân cần nêu cao cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các phần tử thù địch, phản động trên các trang mạng xã hội. Bên cạnh đó, cần tỉnh táo, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng mỗi khi định chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng liên quan đến Đại hội Đảng. Đừng để mình trở thành “con rối”, tiếp tay cho kẻ xấu và các thế lực thù địch.


H. Phong
Ý kiến của bạn