Thoát vị bẹn là dị tật do ống phúc tinh mạc không bịt kín ngay khi trẻ chào đời, biểu hiện bằng một khối phồng tại vùng bẹn - bìu ở trẻ trai và ở gần âm hộ của trẻ gái. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời, các cơ quan trong ổ bụng như ruột, buồng trứng (ở bé gái) có thể chui vào ống phúc tinh mạc và bị nghẹt.
Còn với trẻ trai, do mạch máu nuôi tinh hoàn bị chèn ép bởi các nội tạng bị nghẹt, ruột ép vào bó mạch tinh hoàn, sẽ gây giảm lượng máu nuôi đến tinh hoàn. Thậm chí, ở các trẻ bị dị tật này, nếu không được mổ kịp thời sẽ dẫn đến nghẹt ruột, hoại tử ruột rất nguy hiểm.
Bệnh chiếm 0,8-4,4% bệnh lý ở trẻ em. Ở trẻ sinh non tần suất còn cao hơn, đến 30% tùy theo tuổi thai. Cả bé trai và bé gái đều có thể mắc bệnh, tuy nhiên tỉ lệ mắc bệnh ở bé trai cao hơn 3 – 10 lần .
Lỗ thoát vị nhìn qua camera bằng phương pháp nội soi.
Ca bệnh điển hình
Bé N.V.T. 6 tuổi, được bố mẹ phát hiện bé có khối u phồng lên ở vùng bẹn bên trái trong khoảng 1 tháng nay. Khối phồng to lên khi bé đi cầu hoặc khi bé ho, khóc và giảm kích thước khi bé nằm. Khối phồng bất thường này không làm bé bị đau nên gia đình không đưa bé đi thăm khám ngay mà chờ đợi xem thử liệu khối phồng có tự xẹp xuống hay không. Nhưng khối phòng càng ngày càng to lên, lúc đó bố mẹ bé T. mới quyết định dẫn bé đi khám bệnh tại Bệnh viện quận Thủ Đức ( TP.HCM).
Qua thăm khám và kiểm tra, Bác sĩ xác định bé T. bị thoát vị bẹn bên trái. Nguyên nhân chủ yếu là do còn ống phúc tinh mạc nên ruột và mạc nối chui qua ống này ra khỏi ổ bụng (bệnh lý sa ruột mà người dân hay gọi). Sau đó bé T. được chỉ định phẫu thuật nội soi cột ống phúc tinh mạc. Ca phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn cho bé T. đã diễn ra tốt đẹp chỉ trong vòng 20 phút. Do bé được thăm khám sớm sau khi phát hiện triệu chứng nên cổ túi thoát vị còn nhỏ, thuận lợi cho phẫu thuật bằng phương pháp nội soi.
Theo BS.Mai Hóa- trưởng khoa Ngoại Tổng quát cũng là bác sĩ phẫu thuật chính cho biết : “Phần lớn khối phồng xuất hiện ở vùng bẹn, bìu đối với bé trai ngay từ khi trẻ chào đời. Khối phồng mềm, nắn không đau nên gia đình hay chủ quan. Khối phồng này không xẹp xuống mà lớn dần theo thời gian. Nếu để lâu, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, như nghẹt, đau ở cổ túi thoát vị, có thể gây tắc ruột, thủng ruột, hoại tử ruột, tổn thương tinh hoàn ở bé trai”.
Sau khi mổ, bé được chuyển đến phòng hồi sức và được các bác sĩ thăm khám, xem lại vết mổ. Mọi thứ đều diễn ra theo mong đợi, bé khỏe, tỉnh táo và chỉ còn đau một ít ở rốn. Bé được bác sĩ cho xuất viện vào buổi chiều cùng ngày phẫu thuật.
Theo BS Huỳnh Tấn Đạt – phẫu thuật viên: “Hiện nay phẫu thuật nội soi là 1 phương tiện đang được phát triển rất mạnh. Ưu điểm của mổ nội soi so với mổ mở là ít đau sau mổ, thời gian hồi phục nhanh, kiểm soát được thành phần thoát vị tốt hơn, phát hiện sớm được thoát vị bẹn đối bên (nếu có). Tuy phẫu thuật nội soi chưa thể hoàn toàn thay thế được mổ mở (ở những ca thoát vị bẹn có biến chứng nghẹt) song lại là phương pháp điều trị đem lại nhiều lợi ích hơn mổ mở”.
Lời khuyên bác sĩ
Thoát vị bẹn biểu hiện bằng một khối phồng (khối thoát vị) tại vùng bẹn bìu ở trẻ trai và tại vùng bẹn môi lớn của bé gái. Khối phồng này thường xuất hiện to hơn khi trẻ ho, khóc, rặn khi đi đại tiện hay sau những vận động mạnh như chạy nhảy, tập thể dục... Lúc trẻ nghỉ ngơi hay nằm thì khối thoát vị có thể tự chui vào ổ bụng trở lại, khối phồng xẹp đi, vùng bẹn của trẻ trở lại như bình thường.
Khi phát hiện nghi ngờ như thấy trẻ bị các khối sưng phồng ở bẹn, xuất hiện khi quấy khóc rồi lại xẹp khi nằm yên, đây rất có thể là dấu hiệu trẻ bị thoát vị bẹn. Cha mẹ cần đưa trẻ tới khám để chẩn đoán đúng bệnh và có hướng xử lý sớm, hiệu quả.
Thoát vị bẹn cần phải được phẫu thuật sớm, ngay từ thời điểm phát hiện ra bệnh, ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhằm ngăn chặn biến chứng nghẹt có thể xảy ra, dẫn đến tổn thương đến các tạng bên trong bao thoát vị và các biến chứng nặng hơn nữa.