Mò đốt sẽ truyền bệnh sốt do ấu trùng mò (ở nước ta gọi là bệnh sốt mò), là bệnh truyền nhiễm cấp tính do mầm bệnh là Rickettsia orientalis gây nên. Bệnh gây sốt kéo dài 2-3 tuần, nổi hạch, nổi ban kèm theo loét da. Sốt mò thường xảy ra vào mùa mưa và nóng, ở miền Bắc từ tháng 5 đến tháng 10, còn ở miền Nam xảy ra quanh năm, cao nhất vào mùa mưa.
Sốt mò truyền bệnh thế nào?
Bệnh sốt mò còn gọi là bệnh sốt phát ban rừng rú, sốt phát ban nhiệt đới, sốt triền sông Nhật Bản… Bệnh gặp nhiều ở các nước vùng Đông Á và Đông Nam Á như Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Idonesia… Nguồn bệnh là các động vật hoang dã như chuột, thỏ, lợn, các loài chim, hoặc vật nuôi: chó, lợn, gà... Ấu trùng mò hút máu con vật bị bệnh, sau đó ấu trùng mò phát triển thành mò trưởng thành và đẻ trứng; trứng nở thành ấu trùng đã mang sẵn mầm bệnh và sẵn sàng hút máu. Khi đốt và hút máu chúng sẽ truyền bệnh cho người và các con vật khác. Mò có ở các bụi cây, bụi cỏ ẩm ướt trong rừng núi, ven sông suối, người đi qua hoặc làm việc ở những nơi này như bộ đội, người đi săn, người làm nương rẫy… bị mò đốt sẽ mắc bệnh.
Biểu hiện của sốt mò
Bệnh sốt mò có nhiều thể bệnh nặng nhẹ khác nhau, tùy vùng và tùy loại mầm bệnh có độc tính cao hay thấp. Do đó chúng ta cần nắm chắc triệu chứng của các thể bệnh để phát hiện bệnh nặng, đưa bệnh nhân đi chữa trị kịp thời, nhưng cũng không bỏ sót các thể bệnh nhẹ để tránh lây nhiễm.
Ấu trùng mò và vết đốt hay gặp. |
Các thể bệnh khác: thể tiềm tàng, không có triệu chứng gặp nhiều gấp 10 lần so với thể bệnh điển hình nói trên. Chỉ xét nghiệm làm phản ứng kết hợp bổ thể với Rickettsia dương tính mới phát hiện được thể này. Thể nhẹ: các triệu chứng nhẹ, không điển hình dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh sốt nhiễm khuẩn khác. Thể nặng: có các biến chứng về tim mạch, hô hấp, thần kinh, xuất huyết… dễ tử vong.
Lưu ý trong phòng và chữa bệnh
Sốt mò cần phát hiện và điều trị bệnh sớm để tránh biến chứng nặng và tử vong. Thuốc dùng là: chloramphenicol và tetracyclin có kết quả tốt, nhưng 2 thuốc này chỉ có tác dụng hãm khuẩn chứ không diệt được khuẩn, nên Rickettsia vẫn sống và tồn tại trong cơ thể bệnh nhân nhiều tháng và dễ tái phát bệnh. Vì thế dù bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh, nhưng chúng ta vẫn phải theo dõi để dùng thuốc ngay khi có dấu hiệu tái phát. Bệnh nhân sốt mò thường bị sốt lâu ngày nên dễ bị rối loạn nước và điện giải, do đó cần truyền dịch bồi phụ nước và điện giải. Đồng thời dùng các thuốc trợ tim mạch, an thần, hạ sốt, vitamin C, B.
Bộ đội, công nhân, du khách, người dân… khi phải vào rừng núi làm việc, công tác, du lịch… cần có biện pháp bảo vệ khỏi bị mò đốt bằng cách mặc quần áo dài, chân quấn xà cạp, đi bít tất, đi giày, gài ống quần và ống tay áo trong bít tất. Không phơi quần áo, đặt ba lô hành lý trên cỏ... Phun thuốc diệt ấu trùng mò bằng DDT, 666, malathion... Diệt chuột quanh khu vực nhà ở.
ThS. Trần Minh Thanh