Cảnh giác với rận mu

08-08-2014 14:00 | Y học 360

SKĐS - Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TW: Gần đây viện tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp rận mu, trong đó hầu hết bệnh nhân đều sống tại Hà Nội.

Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TW: Gần đây viện tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp rận mu, trong đó hầu hết bệnh nhân đều sống tại Hà Nội. Đồng thời ở các cơ sở y tế khác cũng tiếp nhận một số bệnh nhân đến từ các tỉnh: Tuyên Quang, Hưng Yên... Để giúp bạn đọc biết cách phát hiện, phòng và trị bệnh rận mu, báo Sức khỏe&Đời sống giới thiệu bài viết dưới đây.

Báo động rận mu xuất hiện ở nhiều nơi

Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TW cho biết: Ở Thủ đô Hà Nội, số người mắc bệnh rận mu nhiều hơn các nơi khác, điển hình là trường hợp một bệnh nhân nam 19 tuổi, ở quận Tây Hồ, bị ngứa vùng kín suốt 3 tuần liên tục, khi đến viện khám còn mang theo hai con rận nhỏ đựng trong lọ thủy tinh. Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Châu: “Hai côn trùng này được chúng tôi xác định đúng là rận bẹn”. Ông T., 45 tuổi, ở Hà Đông, mắc bệnh cho biết ông đã cạo sạch lông vùng kín nhưng vẫn bị ngứa phải gãi suốt đêm; bệnh lây sang cả người vợ.

Rận mu bám rất chắc vào lông.

Rận mu bám rất chắc vào
lông.

Lương y Vũ Quốc Trung thì cho biết: “Thời gian qua chúng tôi tiếp nhận 8 trường hợp mắc rận bẹn, gồm 2 nữ, 6 nam, đều là người lớn. 2 trường hợp gần nhất là bệnh nhân N., nữ, 35 tuổi, ở Tuyên Quang; và bệnh nhân nam tên T., 32 tuổi, ở Hưng Yên.

Rận mu lây lan thế nào?

Rận mu có tên khoa học là Pthius pubis, là loại côn trùng nhỏ hút máu, sống ký sinh trên người và động vật có vú. Rận mu còn được gọi là rận bẹn (vì gặp nhiều ở lông vùng bẹn) hay rận cua (vì nhìn giống như con cua). Vòng đời của rận mu gồm 3 giai đoạn: trứng, thiếu trùng và rận trưởng thành.

Thời gian từ trứng phát triển đến con trưởng thành mất khoảng 2 tuần. Trứng rận có màu trắng, dính chặt vào lông. Thiếu trùng có hình dạng giống rận trưởng thành nhưng nhỏ hơn nhiều. Rận mu trưởng thành có thể hút máu người vài lần trong một ngày. Rận mu sẽ chết trong khoảng vài ngày nếu nó không tiếp xúc được với cơ thể người.

Con rận mu trưởng thành có màu xám trắng, thường sống ở lông của vùng mu và đẻ trứng vào gốc của lông mu. Nếu bị nhiễm rận mu nặng và nhiều, nó có thể phát tán đến các vùng lông khác của cơ thể như lông đùi, lông ngực, lông nách, lông mi, lông mày, râu nhưng ít gặp ở tóc.

Rận mu lây lan từ người này sang người khác chủ yếu qua quan hệ tình dục hoặc các sinh hoạt tiếp xúc thân mật giữa người với người. Rận mu còn có thể bám trên chăn, ga, gối, đệm, chiếu, quần áo nên cũng dễ lây qua những người khác trong gia đình. Do đó rận mu không chỉ ký sinh ở người lớn, mà chúng còn ký sinh ở cả trẻ em. Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TW từng tiếp nhận bệnh nhi 5 tuổi, ở Hà Nội, vào viện trong tình trạng một bên mi mắt bị rận ký sinh gây đau, ngứa, khó chịu. Rận bám sát vào chân mi mắt, khiến bờ mi của cháu nổi cộm. PGS.TS. Nguyễn Văn Châu cho biết: “Chỉ trên một bên mi mắt mà mẹ của cháu bé bắt được gần 20 con rận mu”.

Biểu hiện của bệnh

Rận mu là một loại côn trùng có chân, nhưng không có cánh, màu giống với màu da của người bệnh. Rận có khả năng đổi màu nên rất khó nhìn thấy chúng. Rận mu hút máu người ở nơi chúng ký sinh như ở chân lông mu, dương vật, bìu, bẹn, bao quy đầu... Rận mu thường hút máu nhiều lần trong một ngày, gây ra cảm giác khó chịu, bực bội, ngứa ngáy dữ dội ở vùng da bị thương tổn. Chất độc ở tuyến nước bọt của rận xâm nhập vào da qua vết đốt có thể gây nên tình trạng cơ thể bị mệt mỏi và có cảm giác bị bệnh. Tại vết chúng hút máu thường xuất hiện nốt mẩn đỏ, chấm đỏ và gây ngứa rất khó chịu. Có khi vết hút máu là những vết thâm đen và chai cứng. Do ngứa dữ dội, bắt buộc người bệnh phải gãi nên bị trầy xước da, dẫn dến nhiễm khuẩn da. Nhưng cũng có các nốt đỏ, mẩn đỏ không ngứa. Có thể thấy hạch vùng bẹn sưng, đau. Ngoài cư trú và đẻ trứng ở lông vùng sinh dục, rận mu có thể trú ở cả lông các nơi khác, ở cả lông mi, lông mày hoặc có thể thấy ở cả tóc nhưng ít gặp. Do rận mu bám rất chắc vào các gốc chân lông nên có thể phải dùng vật cứng cạy rận mới bong tróc ra được. Trứng của rận mu màu trắng bám chắc ở lông.

Điều trị như thế nào?

Cần cạo sạch lông ở vùng mu và vùng bẹn, tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ 2 - 3 lần/ngày. Sử dụng hóa chất diệt côn trùng để diệt rận mu dạng dầu nước, nhũ tương hoặc bột chứa pyrethroid tổng hợp, không làm rát da và ít gây nên các phản ứng phụ. Dùng xà phòng hóa chất chứa 1% permethrin, thuộc nhóm pyrethroid tổng hợp tắm rửa để diệt rận mu. Bôi thuốc DEP để diệt rận. Dùng bông gòn, thấm dầu hỏa bôi lên vùng có rận mu và để 30 phút sau, rận mu sẽ bị tiêu diệt. Dùng lá xoan còn tươi giã nát lấy nước bôi lên vùng có rận hay dùng cây ruốc cá đập giập, lấy nước thoa lên vùng có rận. Điều trị bệnh rận mu thực ra không khó, nhưng bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc về điều trị mà cần đi khám để được bác sĩ chỉ định cụ thể nhằm diệt rận mu và trứng của nó triệt để.

Phòng bệnh

Tránh tiếp xúc tình dục với người lạ. Không mặc chung quần áo, không dùng chung chăn, ga, gối, đệm, chiếu và khăn tắm... Khi ngứa vùng kín cần đi khám ngay ở chuyên khoa da liễu.

ThS. Trần Minh Thành

 


Ý kiến của bạn