Cảnh giác với những yếu tố nguy cơ gây đái tháo đường thai kỳ

06-12-2018 06:31 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Các nghiên cứu dịch tễ học đã phát hiện, có sự liên quan giữa các yếu tố nguy cơ ở thai phụ với đái tháo đường thai kỳ. Các yếu tố nguy cơ này có nhiều điểm chung, tương đối giống với các yếu tố nguy cơ đái tháo đường typ 2.

Đái tháo đường thai kỳ có xu hướng hay gặp ở những thai phụ sinh con khi lớn tuổi, sanh nhiều con, thừa cân, tiền căn gia đình có đái tháo đường, tiền căn sản khoa: thai lưu, sinh con to.

Béo phì

Ở người béo phì có tình trạng kháng insulin và tăng tiết insulin gây rối loạn chuyển hóa glucose, được phát hiện qua nghiệm pháp dung nạp glucose, dễ tiến triển thành bệnh ĐTĐ. Hầu hết các nghiên cứu đều nhận thấy tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ gia tăng ở nhóm phụ nữ béo phì.

Tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ gia tăng ở nhóm phụ nữ béo phì.

Tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ gia tăng ở nhóm phụ nữ béo phì.

Tiền sử gia đình

Tiền sử gia đình có người đái tháo đường thế hệ thứ nhất là một trong những yếu tố nguy cơ cao của đái tháo đường thai kỳ, chiếm 50 - 60% so với nhóm tiền sử gia đình không có người đái tháo đường. Qua tổng kết các nghiên cứu cho thấy, ở nhóm có tiền sử gia đình đái tháo đường thế hệ thứ nhất thì đái tháo đường thai kỳ cao hơn 40%.Tỷ lệ mắc đái tháo đường thai  kỳở thai phụ có tiền sử gia đình là 5,2%, trong khi nhóm không có tiền sử gia đình là 3,9%.

Tiền sử sanh con to ≥ 4000 gam

Cân nặng trẻ sơ sinh to ≥ 4000 gam vừa là hậu quả của đái tháo đường thai kỳ, vừa là yếu tố nguy cơ cho mẹ trong những lần mang thai sau.

Tiền sử bất thường về dung nạp glucose

Đây là yếu tố nguy cơ cao đối với đái tháo đường thai kỳ. Đa số người có tiền sử rối loạn dung nạp glucose thì khi có thai đều bị đái tháo đường thai kỳ. Tiền sử này bao gồm cả tiền sử phát hiện đái tháo đường thai kỳ từ những lần sinh trước.

Glucose niệu dương tính

Đây cũng là yếu tố nguy cơ cao đối với đái tháo đường thai kỳ. Tuy nhiên, có khoảng 10 - 15% thai phụ có glucose niệu dương tính mà không phải do mắc đái tháo đường thai kỳ. Đây có thể là do ngưỡng glucose của thận ở một số thai phụ thấp. Tuy nhiên, khi glucose niệu dương tính thì tỷ lệ có rối loạn dung nạp glucose tăng cao.

Tuổi mang thai

Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) thì thai phụ có tuổi nhỏ hơn 25 được coi là ít nguy cơ đái tháo đường thai kỳ, khi phụ nữ lớn hơn 35 tuổi mang thai thì nguy cơ đái tháo đường thai kỳ tăng cao hơn. Nghiên cứu các yếu tố nguy cơ cao ở thai phụ châu Á, Aghamohammadi (2011) thấy tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ ở các thai phụ có tuổi ≥ 35 là 7,8% cao gấp 2,5 lần so với nhóm thai phụ có tuổi < 35 là 3,1%.

Tiền sử sản khoa bất thường

Thai chết lưu không rõ nguyên nhân, con bị dị tật bẩm sinh, tiền sản giật, sanh non… Các yếu tố này vừa được coi là hậu quả của đái tháo đường thai kỳ, vừa là yếu tố nguy cơ trung bình.

Chủng tộc

Đây cũng là một yếu tố nguy cơ độc lập dẫn đến đái tháo đường thai kỳ, có ảnh hưởng trực tiếp đến tần suất mắc đái tháo đường typ 2 trong dân số. Tần suất đái tháo đường thai kỳ có sự thay đổi lớn từ 3,1% đến 12,2% giữa các chủng tộc khác nhau: Ở Mỹ, tần suất đái tháo đường thai kỳ ở nhóm phụ nữ da đen, người Mỹ gốc Tây Ban Nha, thổ dân, châu Á cao hơn so với nhóm phụ nữ da trắng. Tại Úc, phụ nữ có nguồn gốc Trung Quốc hoặc Ấn Độ có tần suất đái tháo đường thai kỳ cao hơn so với phụ nữ có nguồn gốc từ châu Âu hay Bắc Phi. Tại châu Âu, tần suất đái tháo đường thai kỳgặp phổ biến hơn trong nhóm phụ nữ nguồn gốc châu Á so với phụ nữ có nguồn gốc châu Âu. Nhiều nghiên cứu khẳng định tần suất đái tháo đường thai kỳ khá cao và ngày một gia tăng ở các phụ nữ châu Á hay có nguồn gốc châu Á, đặc biệt là Nam Á trong đó có Việt Nam.


Xuân Thủy
Ý kiến của bạn