Gần đây, nhiều bạn đọc thông tin cho biết đã gặp trực tiếp hoặc người thân bị trở thành nạn nhân của một thủ đoạn lừa đảo tinh vi. Những kẻ lừa đảo mạo danh cơ quan điều tra và gọi điện để điều khiển từ xa nạn nhân, buộc họ chuyển tiền tiết kiệm hoặc trong tài khoản ngân hàng cho chúng với số lượng hàng trăm triệu đồng…
Bỗng nhiên “có tội”
Ông Nguyễn Lý T. (60 tuổi) ở phố Hoàng Mai, Hà Nội kể với phóng viên: Ngày 13/9/2014, đi làm về đến nhà thì ông bỗng thấy bà vợ ngồi khóc thút thít. Hỏi mãi bà T.T.L – vợ ông mới chịu cho biết, sáng hôm đó có một cuộc điện thoại của một người nói giọng miền Nam gọi cho bà và tự xưng là người của cơ quan cảnh sát điều tra. Để thêm phần tin tưởng, chúng đọc rõ tên tuổi của bà cùng chồng, địa chỉ…, sau đó thông báo: “Hiện nay tài khoản ngân hàng của vợ chồng bà đang bị nghi ngờ có dính líu đến một đường dây lừa đảo, rửa tiền và đánh cắp thẻ tín dụng quốc tế. Công an đang nghi ngờ họ mạo danh ông bà. Ngay trong chiều nay, bà phải ra ngân hàng và chuyển hết toàn bộ số tiền trong tài khoản sang tài khoản của cơ quan điều tra để tiến hành xem xét. Nếu ông bà hoàn toàn trong sạch thì sẽ được hoàn lại tiền, còn nếu cố tình chây ỳ, trốn tránh thì sẽ bị xử lý nghiêm với tình tiết tăng nặng”.
Bà L. nghe vậy run như cầy sấy, khóc lóc mếu máo nói rằng không chuyển hết được vì bà chỉ có tài khoản 200 triệu đồng, còn phải chờ chồng bà mới có đủ cả tài khoản, nghe vậy đầu dây bên kia cũng đồng ý để bà chuyển trước 200 triệu đồng vào ngay chiều hôm đó.
Rất may đến trưa, ông T. về nhà, sau khi nghe thuật lại câu chuyện, với kinh nghiệm và linh tính ông xác định chắc chắn đây là một thủ đoạn lừa đảo bởi không có cơ quan chức năng điều tra nào mà chỉ đi làm việc qua điện thoại như vậy. Do đó, ông trấn an vợ và gọi lại cho số điện đã gọi cho vợ ông buổi sáng, đầu dây bên kia vội nghe máy và nói giọng miền Nam, vẫn lời giới thiệu và “chỉ dẫn” như buổi sáng. Ông T. cứng giọng đe lại: “Nếu các anh có phải là thật thì xin mời đến tận nhà tôi đối chất. Còn nếu không thì đừng có giở giọng lừa đảo, tôi sẽ báo công an làm rõ”. Giọng “cán bộ điều tra” vẫn cố dằn để chữa ngượng: “Được rồi, nếu không làm theo thì gia đình ông sau này đừng hối tiếc”, rồi dập máy.
Ông T. cho biết, sau cuộc nói chuyện đó đến nay đã 2 tuần nhưng đúng là kẻ lừa đảo đã thôi quấy rầy gia đình vì biết đã bại lộ. Tuy nhiên, vì chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng và cũng ít chứng cớ, nên ông quyết định chưa báo cáo với công an về vụ việc.
Vạch trần thủ đoạn mới
Được biết đây là thủ đoạn mới, đã “thành công” với nhiều nạn nhân, chủ yếu là khu vực miền Nam. Gần đây, những kẻ lừa đảo vừa mở rộng hoạt động ra miền Bắc vì “hết đất” làm ăn do có nhiều người trong Nam đã đề cao cảnh giác.
Thông tin từ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50- Công an TP Hà Nội), cuối tháng 8-2014, bà L, tiểu thương tại quận Hoàn Kiếm đã bị "sập bẫy" lừa đảo cước điện thoại qua điện thoại với số tiền lên tới hơn 500 triệu đồng.
Cụ thể, có một phụ nữ gọi đến số điện thoại cố định của gia đình vị tiểu thương này thông báo phải thanh toán tiền cước 8,9 triệu đồng (do số CMND bị kẻ khác đăng ký), nếu không số điện thoại sẽ bị khóa sau 2 giờ và chỉ dẫn nạn nhân cách làm. Sợ điện thoại bị chặn, vị tiểu thương đã làm theo chỉ dẫn với một giọng phụ nữ nói tiếng miền Nam - người này nối máy để bà L nói chuyện với kẻ tự xưng là cán bộ cảnh sát phòng chống ma túy Công an TP Hồ Chí Minh yêu cầu bà L cung cấp số CMND để kiểm tra trên hệ thống.
Trong quá trình này, bọn chúng đã cố tình để bà L nghe thấy giọng một người nói qua bộ đàm với nội dung: Người này có liên quan đến đường dây ma túy xuyên quốc gia, đồng bọn đang tìm người có CMND này để trả thù... khiến bà L hoảng loạn. Tiếp theo, chúng yêu cầu bà L phải bay vào TP Hồ Chí Minh gấp, thấy bà L nói không thể đi ngay được chúng hỏi về gia cảnh, rồi nói nếu vị tiểu thương này không vào được thì phải chuyển khoản 500 triệu đồng vào tài khoản của Ban chuyên án để bảo lãnh và sẽ hoàn trả nếu không vi phạm. Vị tiểu thương này đã làm theo và chuyển hơn 500 triệu đồng cho bọn chúng.
Trước đó, cuối tháng 6/2014, ông Đ là cán bộ hưu trí ở quận Hai Bà Trưng cũng bị lừa với thủ đoạn tương tự, ông đã chuyển 720 triệu đồng tiết kiệm cho bọn xấu. Bà N trú tại quận Đống Đa cũng đã bị lừa 230 triệu đồng.
Đây là 3 vụ lừa đảo nổi cộm với số tiền lớn mà Công an TP Hà Nội tiếp nhận. Được biết, tại Hà Nội, còn khoảng 10 vụ lừa tương tự nhưng số tiền ít hơn, từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, theo đại diện của PC50, vẫn có một số trường hợp bị lừa nhưng ngại không đến trình báo.
Cuối tháng 6/2014 cơ quan điều tra Công an Hà Nội cũng đã bắt giữ hai đối tượng người Đài Loan - Trung Quốc tạm trú tại Khu đô thị Trung Hòa -Nhân Chính khi chúng đang thực hiện rút tiền. Kết quả điều tra cho thấy các đối tượng này giữ hàng chục chiếc thẻ ATM do các ngân hàng Việt Nam phát hành dưới nhiều tên chủ thẻ. Theo cơ quan công an, bọn chúng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số thành phần là người lao động phổ thông, xe ôm... để những người này cho "mượn" tên làm thẻ rồi thực hiện nhận tiền, rút tiền.
Theo đại diện PC50 hầu hết các băng nhóm lừa đảo này có kẻ cầm đầu mang quốc tịch Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia nhập cư trái phép vào Việt Nam để hoạt động tội phạm. Chúng còn sử dụng công nghệ cao để lập số điện thoại "ảo" giống y như số điện thoại của cơ quan công an (nên mới có chuyện bị hại hỏi tổng đài 1080 và nhận được trả lời đúng là số điện thoại của cơ quan công an).
Qua đây mới thấy, nhận thức pháp luật của nhiều người dân còn hạn chế, do vậy các cơ quan chức năng có liên quan cần đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho người dân, thậm chí được nhắc nhở bằng các hình thức ngay trong tổ dân phố.
Cuối tháng 8 vừa qua, công an bắt khẩn cấp Li Shi Min (30 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) tại phòng 305 Khách sạn Hà Nội, đường Hoàng Việt (quận Tân Bình, TPHCM) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại đây, công an thu giữ nhiều thẻ ATM của các ngân hàng ACB, VIB, Sacombank, BIDV, Vietinbank... và giấy tờ, tài liệu có liên quan vụ án. Cùng ngày, công an bắt khẩn cấp Huỳnh Thị Như Mai (30 tuổi, trú phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang).
Theo điều tra, Li Shi Min cùng một kẻ tên Sán (người Trung Quốc, chưa xác định được lai lịch) sang Việt Nam gặp Mai để thu mua thẻ ATM. Sau đó, Li Shi Min cung cấp thẻ này cho đồng bọn để chuyển tiền lừa đảo.
Cơ quan điều tra khuyến cáo người dân cảnh giác với bọn tội phạm gọi điện thoại để lừa đảo, hăm dọa, chiếm đoạt tiền. Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát khi điều tra vụ án, không tùy tiện giữ tiền và làm việc với người dân qua điện thoại. Tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản của người lạ. Khi gặp trường hợp tương tự, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan công an để xử lý kịp thời.
Tuấn Minh