Cảnh giác với những cơn ngưng thở khi ngủ

07-09-2014 19:08 | Y học 360
google news

SKĐS - Người ngủ ngáy nặng dễ dẫn đến tăng huyết áp và có những cơn đau thắt ngực, thậm chí có thể đột tử do ngủ ngáy có những cơn ngưng thở.

Ngủ ngáy không chỉ ảnh hưởng đến những người xung quanh mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bản thân. Người ngủ ngáy nặng dễ dẫn đến tăng huyết áp và có những cơn đau thắt ngực, thậm chí có thể đột tử do ngủ ngáy có những cơn ngưng thở.

Vì sao lại... ngáy?!

Có 4 nhóm nguy cơ chính, các yếu tố có thể riêng rẽ hoặc kết hợp làm cho tình trạng ngáy nặng nề hơn và khó điều trị hơn.

- Suy nhược cơ màn hầu, lưỡi, cơ họng: Đây là nguyên nhân ngủ ngáy thường gặp ở người lớn tuổi. Các cơ này tham gia vào chu kỳ thở và giữ cho đường thở luôn mở. Khi các cơ này suy nhược, đáy lưỡi tụt ra sau, màn hầu lưỡi gà chùng xuống làm hẹp đường thở. Khi luồng không khí đi qua khe hẹp này tạo nên sự rung động của các cơ này và tạo ra tiếng ngáy. Những người uống rượu, bia, thuốc lá, dùng thuốc an thần, thuốc kháng histamin trước khi ngủ sẽ làm tăng nguy cơ ngủ ngáy. Bệnh nhân tiểu đường, suy giáp trạng cũng bị ngủ ngáy do cơ chế này.

- Các khối choán chỗ trên đường thở như amidan, VA quá phát, thành họng dày ở những người béo phì, cổ to, lưỡi dày.

- Màn hầu rộng, mềm rũ và lưỡi gà quá dài cũng là nguyên nhân thường gặp làm hẹp đường thở và ngủ ngáy.

- Các bệnh lý ở mũi như dị hình vách ngăn, viêm mũi quá phát, khối u hốc mũi, polyp mũi, viêm mũi xoang dị ứng gây nên tắc ngạt mũi. Các yếu tố này làm tăng áp lực âm ở vùng họng miệng trong khi thở vào và làm tăng thêm sự rung động các thành phần ở đây.

Những cơn ngưng thở nguy hiểm khi ngủ ngáy

Ngủ ngáy không chỉ ảnh hưởng đến những người xung quanh mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bản thân. Nhiều người than phiền thường phải nằm riêng vì bạn đời không thể chịu được tiếng ngáy của mình, đi công tác cũng phải đặt phòng riêng. Đặc biệt, ngủ ngáy ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Người ngủ ngáy nặng dễ dẫn đến tăng huyết áp và có những cơn đau thắt ngực. Có thể đột tử do ngủ ngáy có những cơn ngưng thở. Tỷ lệ và mức độ nặng của ngủ ngáy tăng theo độ tuổi. Ở độ tuổi 30 - 35 có 20% đàn ông và 5% đàn bà ngủ ngáy, ở độ tuổi 60 thì 60% đàn ông và 40% đàn bà ngủ ngáy. Mức độ ngáy to có thể lên tới 60 - 70dB.

Suy nhược cơ lưỡi, cơ họng, màn hầu lưỡi gà chùng xuống làm hẹp đường thở gây ngủ ngáy.

Những người ngủ ngáy nặng thường có cơn ngưng thở. Xen kẽ giữa những tiếng ngáy to đều đều là những khoảng yên lặng, khi đó, đường thở bị tắc nghẽn hoàn toàn. Sau vài giây, tiếng ngáy to xuất hiện trở lại. Những cơn thở ngắn và xuất hiện ít thường không nguy hiểm, tuy nhiên, cơn ngưng thở kéo dài trên 10 giây và xuất hiện 5 - 7 lần trong một giờ được coi là bệnh lý nặng. Một số người có cơn ngưng thở kéo dài trên 20 - 30 giây và xuất hiện liên tục trong đêm; rất dễ dẫn đến nguy cơ đột tử. Những người này thường có giấc ngủ không sâu, sáng dậy hay đau đầu, mệt mỏi, hay ngủ gật, thậm chí trong khi làm việc, đọc sách, xem tivi, kể cả khi đang lái xe, nhiều trường hợp tai nạn giao thông là do lái xe ngủ gật.

Cách gì khắc phục?

Các trường hợp ngủ ngáy vừa, không thường xuyên:

Năng hoạt động, tập thể dục thường xuyên, thực hiện chế độ giảm cân. Tránh dùng đồ uống có cồn trong khoảng thời gian 3 giờ trước khi ngủ. Không dùng thuốc an thần, thuốc kháng histamin trước khi ngủ. Nằm nghiêng khi ngủ, kê cao đầu giường, không gối cao đầu.

Các trường hợp ngủ ngáy nặng, có cơn ngưng thở:

Điều trị can thiệp không phẫu thuật: Điều trị các viêm nhiễm mũi họng, làm giảm sự phù nề, xuất tiết của mũi họng, làm thông thoáng đường thở. Sử dụng quai đeo hàm hoặc máy hỗ trợ thở với áp lực dương liên tục trong khi ngủ

Điều trị phẫu thuật: Phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn, cuốn mũi, nội soi cắt polyp mũi, nạo VA, cắt amidan. Cấy trụ nâng khẩu cái mềm. Cấy máy tạo nhịp ở đáy lưỡi giúp kiểm soát và đẩy đáy lưỡi về phía trước trong khi ngủ. Phẫu thuật chỉnh hình họng - màn hầu - lưỡi gà, phẫu thuật chỉnh hình lưỡi gà - khẩu cái, phẫu thuật chỉnh hình hàm dưới, đáy lưỡi. Trường hợp ngủ ngáy có cơn ngưng thở liên tục đe dọa tính mạng người bệnh phải mở khí quản.

PGS.TS. TRẦN CÔNG HÒA

 


Ý kiến của bạn