Hà Nội

Cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo chạy việc làm

24-03-2016 08:47 | Xã hội
google news

SKĐS - Điều kiện mà người đàn ông nọ đưa là cũng khá “nan giải” khi phải lót tay cho sếp cũng như một số người liên quan của công ty với số tiền vào khoảng 80 triệu đồng.

Tôi có một người em họ quê ở Nghệ An, tốt nghiệp đại học Giao thông vận tải Hà Nội cách đây vài năm nhưng chưa xin được việc làm. Bám trụ tại Thủ đô và đã kinh qua khá nhiều công việc làm thêm với mức thu nhập bấp bênh, không đủ sống, vì vậy cậu ta tỏ ra chán nản. Mặc dù sống một cuộc sống đầy chật vật nhưng cậu em tôi vẫn nhất quyết ở lại thành phố với mong muốn sẽ xin được một công việc ổn định, đúng với chuyên ngành đào tạo là xây dựng. Đã gửi hồ sơ dự tuyển đến nhiều nơi, nhiều công ty, cơ quan... nhưng nguồn hi vọng vẫn chỉ là hi vọng mà thôi. Đang thất vọng tràn trề, cậu em tôi tình cờ quen được người đàn ông đứng tuổi ở lớp học ngoại ngữ ban tối ở một trung tâm tiếng Anh. Người này nói có quen biết “sếp” của một công ty xây dựng cỡ lớn và nói sẽ giúp đỡ cậu em tôi xin vào làm việc ở đó. Điều kiện mà người đàn ông nọ đưa là cũng khá “nan giải” khi phải lót tay cho sếp cũng như một số người liên quan của công ty với số tiền vào khoảng 80 triệu đồng. Mặc dù gia đình nhà cậu em tôi làm nông nghiệp, kinh tế luôn túng đói, nhưng vì muốn con cái có được công việc ổn định và tương lai sán lạn nên cô chú tôi đã cố gắng vay chạy nhiều nơi trong họ hàng mới đủ số tiền lớn ấy để lo việc cho con. Khi nhận tiền, người đàn ông nọ hứa chỉ 2 tuần nữa là sẽ hoàn tất hồ sơ để cậu em tôi đi làm trong công ty. Ấy vậy mà càng chờ càng mất hút, sau năm lần bảy lượt hẹn hò, khất lần khất lượt, rồi đến một hôm cậu em không thể liên lạc được với người đàn ông kia bằng điện thoại được nữa. Do chủ quan qua những lần gặp gỡ trao đổi và giao dịch, kể cả lúc đưa tiền, cậu em tôi đều gặp người đàn ông kia và các “đối tác” ở quán cà phê, mà chưa hề biết nhà cửa, vì vậy mà khi không thể liên lạc được bằng điện thoại thì việc tìm người đản ông lừa đảo kia chẳng khác nào tìm kim đáy biển. Vì quá nhẹ dạ và tin tưởng người lạ chỉ quen sơ qua mà chưa tìm hiểu ký càng như vậy nên việc bị mất một số tiền lớn như vậy là một tai nạn và bài học để đời của cậu em tôi cũng như đình cô chú tôi.

Chuyện bị lừa đảo xin việc và mất một số tiền lớn như cậu em họ tôi ở trên thực ra trong xã hội đã từng xẩy ra rất nhiều trường hợp, thậm chí có nhiều người còn bị lừa gạt những số tiền lớn hơn thế gấp nhiều lần. Bọn lừa đảo thường nắm bắt tâm lý của những cử nhân mới ra trường, những người trẻ tuổi đang chờ đợi việc và muốn có một công việc với thu nhập cao để... ra tay! Theo như tôi được biết, những tên lừa đảo hay lân la tại các trung tâm môi giới việc làm, lảng vảng ở các văn phòng quảng cáo của các báo, đài, phương tiện truyền thông- nơi mà người lao động thường lui tới ghi danh tìm cơ hội việc làm. Khi tiếp cận làm quen với các “con mồi” bọn lừa đảo thường tự nhận mình là con “ông nọ”, cháu “bà kia”, hoặc chí ít cũng có quen biết này nọ với những quan chức làm trong lĩnh vực công việc mà “con mồi” đang có nhu cầu xin vào. Vì những người đang đợi việc luôn rất thất vọng, chơi vơi, buồn, chán nản nên khi gặp được... “ân nhân” nói rằng hứa giúp xin việc hộ nên trong họ tức thì bừng lên hi vọng. Khi “ân nhân” đưa ra các điều kiện tiền bạc, cho dù với mức là bao nhiêu đi nữa họ không cần quan tâm, mà luôn hướng theo lời hứa chắc như đinh đóng cột, cùng với những viễn cảnh tươi sáng của công việc, đồng lương bổng cao chót vót mà “ân nhân”- những kẻ chủ ý lừa đảo “vẽ” ra trước mắt!

Hẳn chúng ta đểu biết năm 2014, 2015 từng xẩy ra khá nhiều vụ bị các cơ quan chức năng phanh phui mà báo chí đưa tin rất nhiều, đó là các đường dây lừa đảo chạy việc vào một số bệnh viện cả tuyến trung ương và địa phương, với các mức giá lên tới 300 triệu đồng/người. Những kẻ lừa đảo đã lừa giả mạo để lừa gạt rất nhiều người, và tất cả những người muốn có việc qua những đường dây lừa đảo này đều ngậm quả đắng khi tiền mất mà việc thì không hề có!

Rồi nữa, không ít các bọn lừa đảo đã vẽ ra các công việc ngon, lương cao, vài ba năm sau khi đi làm có thể “leo” lên chức giám đốc, tổng giám đốc... để lòe những người có nhu cầu xin việc khiến họ bị mê hoặc, thậm chí là u mê lao vào, bất chấp phải bỏ ra cả nhiều trăm triệu, thậm chí cả tỷ bạc mà vẫn chấp nhận đưa tiền. Chỉ đến khi những kẻ lừa đảo ôm tiền cao chạy xa bay họ mới tỉnh ngộ ra nhưng khi đó thì đã là quá muộn.

Để không mất tiền oan khi mắc mưu những kẻ lừa đảo chạy xin việc giúp thì những bạn trẻ mới tốt nghiệp ra trường nói riêng, và những người có nhu cầu việc làm nói chung hãy luôn thận trọng, nêu cao tinh thần cảnh giác. Tuyệt đối không nên giao tiền khi công việc chưa đi đến đâu, hoặc có giao tiền cũng phải làm cam kết có dấu công chứng, hoặc người làm chứng rõ ràng. Nên gặp gỡ đối tác, trao đổi, ký kết, giao tiền... tại nhà riêng của “ân nhân” để còn có cái để “nắm”, chứ gặp gỡ ở quán xá mà “ân nhân” luôn giấu nơi ở, cơ quan, quê quán... thì đích thị là kẻ lừa đảo mà những người có nhu cầu việc làm cần phải “nằm lòng” để tránh...


Nguyễn Thị Loan
Ý kiến của bạn