Cảnh giác với nhiễm trùng đường tiết niệu khi bé sốt cao

18-03-2015 10:14 | Đời sống
google news

Con trai 10 tháng tuổi sốt cao 39 độ C mà không có biểu hiện bất thường nào, chị Liên nghĩ do virus, không ngờ bé bị viêm đường tiết niệu.

Chị Liên (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, sau 4 ngày thấy con vẫn không hết sốt mà có dấu hiệu mệt mỏi, bỏ chơi, cứ 4 tiếng đồng hồ phải dùng thuốc hạ sốt một lần, gia đình chị đưa đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung. Chị rất bất ngờ khi bác sĩ xác định bé Linh bị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Hương, trưởng khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nhiễm trùng đường tiết niệu là bệnh lý nhiễm trùng thường gặp ở trẻ em, đứng thứ ba sau các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và nhiễm trùng đường tiêu hóa. Bệnh xuất hiện khi vi khuẩn đi vào niệu đạo và nhân lên trong đường tiểu hoặc do vi khuẩn đi từ máu đến thận và đường tiết niệu. Không nguy hiểm nhưng nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời và dứt điểm, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể tái phát nhiều lần, gây biến chứng như áp xe quanh thận, nhiễm trùng huyết...

sot-1823-1426646790.jpg

Ảnh minh họa: Wikihow.com.

Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hương, bệnh được phân thành nhiễm trùng đường tiết niệu dưới (còn gọi là viêm bàng quang) và nhiễm trùng đường tiết niệu trên (còn gọi là viêm thận - bể thận cấp). Do không có triệu chứng đặc hiệu nên việc chẩn đoán bệnh, nhất là nhiễm trùng đường tiết niệu trên, rất khó khăn. Các biểu hiện của nhiễm trùng đường tiết niệu trên giống với biểu hiện của nhiều bệnh khác: Sốt cao, rét run hoặc sốt cao kéo dài không rõ nguyên nhân, bú kém, nôn, tiêu chảy…

Bệnh xảy ra ở khoảng 5% trẻ em gái và 1-2% trẻ trai. Bệnh do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra. Vi khuẩn E.Coli là thủ phạm gây 90% trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

- Nhiễm trùng đường tiết niệu trên: Thông thường, trẻ chỉ có các biểu hiện nhiễm trùng và sốt, không có các triệu chứng rối loạn tiểu tiện như đái buốt, đái rắt, có thể có đái đục. Khi khám lâm sàng bác sĩ thường không phát hiện ra biểu hiện nhiễm trùng ở các bộ phận khác như tai, mũi, họng, đường tiêu hóa.

- Nhiễm trùng đường tiết niệu dưới: trẻ sốt 37,5-38 độ C, có triệu chứng rối loạn tiểu tiện rõ như đái buốt, đái rắt, có thể có đái máu. Xét nghiệm nước tiểu có bạch cầu niệu, hồng cầu niệu, protein niệu…

Bác sĩ Nguyễn Thu Hương khuyến cáo, để phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu, cha mẹ cần giữ vệ sinh cho trẻ, tránh cho bé tắm bồn, nên thay tã cho con ngay sau khi trẻ đi ngoài; cho trẻ uống nhiều nước; khuyến khích trẻ không nhịn tiểu; cho trẻ ăn đủ trái cây, tránh táo bón. Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục trên 24 giờ, gia đình cần đưa con đến các cơ sở y tế để khám bệnh tìm nguyên nhân gây sốt. Những trẻ bị nhiễm trùng kèm dị dạng đường tiết niệu cần phối hợp điều trị dị dạng để tránh tái phát.

 

 

 

 


Ý kiến của bạn
Tags: