Trước sự phát triển vượt bậc của nền khoa học công nghệ, đặc biệt là các phương tiện in ấn thì mức độ làm giả của các loại giấy tờ ngày càng tinh vi, bằng mắt thường rất khó phân biệt được. Thời gian qua, lực lượng công an liên tiếp phát hiện, triệt xóa nhiều đường dây, ổ nhóm chuyên sản xuất các loại giấy tờ giả tuy nhiên tội phạm hoạt động trong lĩnh vực này vẫn diễn biến rất phức tạp, gây ảnh hưởng rất lớn đến phát triển xã hội và tình hình an ninh trật tự nói chung.
Tang vật của các đối tượng Nguyễn Bích Ngà, Nguyễn Mạnh Trung dùng làm giấy tờ giả.
“Lọc lõi” như hiệu cầm đồ vẫn bị lừa giấy tờ giả
Mới đây, vào ngày 12/6 một ổ nhóm chuyên sản xuất các loại giấy tờ giả vừa bị lực lượng Công an quận (CAQ) Hoàng Mai triệt phá. Theo đó, đối tượng chính trong vụ án là Nguyễn Bích Ngà (SN 1960, trú tại phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) và 3 đối tượng liên quan khác đã bị bắt giữ cùng nhiều tang vật gồm 80 chiếc chứng minh nhân dân giả cũng như công cụ, phương tiện liên quan. Cơ quan công an cho biết, qua công tác quản lý địa bàn đã nắm được thông tin về 2 đối tượng nữ, thường xuyên xuất hiện tại một số hiệu cầm đồ trên địa bàn, với biểu hiện nghi vấn sử dụng giấy tờ giả để cầm cố. Sau khi được lực lượng công an phổ biến, cảnh báo về phương thức hoạt động của các đối tượng này, ngày 12/6 anh Ngô Bá Đạt là chủ hiệu cầm đồ nằm trên phố Tân Mai đã phát hiện 2 đối tượng nữ đến đây với nhu cầu làm thủ tục thế chấp giấy tờ để vay tiền. Ngay lập tức, anh Đạt đã trình báo sự việc này với CAQ Hoàng Mai. Lực lượng công an đã kiểm tra hành chính đối tượng Nguyễn Bích Ngà, phát hiện trong người đối tượng có 5 quyển sổ hộ khẩu, 80 chứng minh nhân dân, 3 điện thoại di động và 900 triệu đồng. Ngà khai đã tìm những người có nhu cầu làm giấy tờ giả, sau đó phối hợp với Nguyễn Mạnh Trung (SN 1980, ở phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng), làm nghề photocopy để làm các loại giấy tờ này.
Trước đó, vào cuối tháng 4/2015, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng loạt siêu xe được gắn biển số giả, kèm theo một bộ hồ sơ giấy tờ gồm: Sổ đăng kiểm, Giấy đăng ký xe, các loại tem lưu hành... tất cả đều được làm giả theo kiểu “trọn gói” do đối tượng Ngô Trung Hòa (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) “sản xuất”. Điều đáng nói, với bộ hồ sơ xe được làm giả như thế này thì những siêu xe có nguồn gốc phi pháp chỉ có giá bằng 1/4 giá xe đang bán trên thị trường.
Thận trọng trong mỗi giao dịch cần đến các loại giấy tờ
Liên quan đến thực trạng làm giả giấy tờ đang diễn biến ngày càng phức tạp, Thượng úy Hoàng Việt Cường - Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, thủ đoạn của đối tượng làm giấy tờ giả ngày càng tinh xảo. Nếu như trước kia, nhiều loại giấy tờ giả hoàn thành nhờ in lưới, thì nay, đa phần được chế trên máy tính với các phần mềm hiện đại. Có giấy tờ giả được “chế” từ phôi thật, sau đó tẩy xóa, chỉnh sửa nội dung. Song nhiều loại giấy tờ được đối tượng “chế” mới 100%. Độ tinh vi của giấy tờ giả đến mức ngay cả những người vốn giao dịch thường xuyên với các loại giấy tờ đó cũng bị mắc lừa.
Trước vấn nạn này, Thượng tá Phạm Ngọc Anh - Phó trưởng Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, mặc dù lực lượng công an đã tăng cường công tác đấu tranh, tuy nhiên, về phía người dân, chúng tôi khuyến cáo khi nhận các loại giấy tờ quan trọng như sổ đỏ, giấy tờ xe thì cần thận trọng, thậm chí phải yêu cầu giám định. Mỗi người dân hãy đề cao cảnh giác trong mỗi giao dịch cần đến các loại giấy tờ. Trước khi đưa ra quyết định mua bán, giao dịch, hãy xác định cụ thể nhân thân, địa chỉ của “đối tác” làm ăn với mình. Sự cẩn thận càng cần đặt ra trong những giao dịch tài sản có giá trị lớn, như ô tô, hay tham gia đầu tư, mua bán dự án bất động sản. Thực tế cho thấy, không ít đối tượng đã làm giả cả các quyết định phê duyệt, đầu tư của thành phố cho “dự án” mà chúng đem ra để thực hiện các hành vi lừa đảo, và không ít người dân đã mắc lừa. Cùng với sự nâng cao ý thức của người dân, yêu cầu cần đặt ra đối với cơ quan chức năng trong việc phanh phui, xử lý những đối tượng, đường dây làm giấy tờ giả.
Rõ ràng, vấn nạn giấy tờ giả đang gây ra những hệ lụy khôn lường. Do vậy, cùng với sự nâng cao ý thức của người dân, yêu cầu cần đặt ra đối với cơ quan chức năng trong việc phanh phui, xử lý nghiêm khắc những đối tượng, đường dây làm giấy tờ giả. Đồng thời, cần nhìn nhận đây là loại tội phạm đã và đang gây ảnh hưởng nhức nhối đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Theo Công ty Luật Ðào Ngọc Lý, hành vi làm giả con dấu, giả mạo chữ ký gây nguy hiểm cho xã hội, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý hình sự theo các tội danh tương ứng của Bộ luật Hình sự (BLHS) như: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Ðiều 139 BLHS). Mức hình phạt thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và mức cao nhất là tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm; tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức (Ðiều 267 BLHS). Mức hình phạt thấp nhất là là bị phạt tiền từ 5- 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và mức cao nhất là đến 7 năm tù.
Tuấn Phong