Sau một loạt những trường hợp nghi mắc bệnh than trên người và gia súc ở Hà Giang, vào trung tuần tháng 7/2008, đoàn cán bộ của Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia đã tiến hành điều tra, tìm hiểu tình hình dịch và hỗ trợ địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này. Vấn đề được rút ra sau chuyến thực tế vẫn lại là hạn chế trong ý thức của người dân...
Thiếu hiểu biết hay ý thức kém?
Trong những ngày đầu tháng 7 vừa qua, 421 người thuộc 87 hộ gia đình ở thôn Pó Qua, xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đã ngã bệnh sau khi ăn thịt bò chết không rõ nguyên nhân. Sau khi 2 con bò của gia đình các ông Thò Dũng Sính và Thò Mí Sài, thôn Pó Qua lăn ra chết, 2 ông đã mổ thịt đem chia cho 87 gia đình trong thôn nhờ ăn hộ. Nhưng sau khi ăn xong, 421 người ở các gia đình này bị ngộ độc, một số người có biểu hiện đau bụng, nôn ra thức ăn có dịch màu đen, chân phù nề. Đặc biệt, có 2 người rơi vào tình trạng hôn mê sâu rồi tử vong. Được biết, huyện Mèo Vạc là địa phương lưu hành bệnh nhiệt thán (bệnh than) ở gia súc và bệnh nhiệt thán ở người từ nhiều năm nay. Vì vậy, đoàn công tác nhận định, rất có thể những nạn nhân trên đã bị nhiễm bệnh than do ăn phải thịt bò bệnh.
Trước đó, ngày 17/6, tại thôn Pắc Cạm, xã Khâu Vai (cùng huyện Mèo Vạc) cũng xuất hiện bò, dê, lợn ốm chết bất thường với triệu chứng giống nhau nghi do bệnh nhiệt thán, có 110 người dân tham gia giết mổ và ăn thịt những gia súc ốm chết. Hậu quả đã có 15 người mắc bệnh với các triệu chứng sốt, nổi vết loét ngoài da, mệt mỏi, đau mình mẩy... Bệnh nhân đầu tiên là Mua Thị Dia, 16 tuổi, khởi bệnh ngày 19/6 với các triệu chứng sốt, nôn, có một vài nốt loét trên người, được chữa tại nhà nhưng không rõ điều trị bằng thuốc gì, bệnh nhân này đã tử vong sau đó 9 ngày. Các trường hợp còn lại đều được xác định mắc bệnh than thể da nhưng đã được điều trị ổn định, không còn nguy hiểm đến tính mạng. Những người có liên quan cũng được cho uống thuốc dự phòng theo đúng phác đồ.
Qua điều tra dịch tễ tại các xã này, đoàn công tác đã phát hiện bò, dê, lợn chết do bệnh nhiệt thán, tất cả đàn gia súc trong vùng đều chưa tiêm phòng bệnh này. Số gia súc chết đã được người dân mổ và ăn thịt. Bên cạnh đó, đoàn còn phát hiện gần nguồn nước có 1 xác con bò chết không rõ nguyên nhân được người dân vứt ra nương ngô cách nhà dân khoảng 2km không được tiêu hủy theo đúng yêu cầu của ngành chức năng. Từ đây nguy cơ dịch lan rộng ra các xã lân cận là hoàn toàn có thể xảy ra nếu không được xử lý kịp thời. Điều này cũng cho thấy sự thiếu hiểu biết cũng như nhận thức của người dân còn rất kém. Thậm chí có trường hợp biết rõ sự nguy hiểm của bệnh than nhưng vì tiếc của nên vẫn ăn thịt gia súc chết, đến khi cán bộ y tế thông báo mình mắc bệnh than từ gia súc thì xấu hổ và bỏ về nhà tự uống thuốc chữa bệnh.
Tuyệt đối không ăn thịt gia súc chết
Theo TS. Nguyễn Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế), bệnh than (hay bệnh nhiệt thán) là một bệnh truyền nhiễm ác tính do trực khuẩn Bacillus Anthracis gây ra, thường xuất hiện ở gia súc như trâu, bò, lợn, dê... Bệnh này có thể dễ dàng lây sang người nếu ăn phải thịt gia súc nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với mầm bệnh mà trên da có vết xây xước, hoặc hít phải vi khuẩn và bào tử của nó. Khi trực khuẩn than đã hình thành nha bào thì nó chỉ bị diệt khi đun sôi ở 100oC trong 10-20 phút. Vì vậy, nếu ăn phải thịt trâu, bò... bị nhiễm bệnh lại nấu chưa chín kỹ, mầm bệnh sẽ xâm nhập vào cơ thể người ăn. Đáng chú ý, trực khuẩn than có thể sống được trong những điều kiện môi trường khắc nghiệt ngay cả khi động vật mắc bệnh đã bị phân hủy. Da động vật nhiễm trực khuẩn đã được chế biến cũng có thể là nơi trú ngụ của bào tử trong nhiều năm. Trong cơ thể người bệnh than, vi khuẩn nằm sâu trong mụn loét ác tính và các hạch xung quanh mụn. Bệnh than ở người thường gặp nhất là thể ngoài da với các biểu hiện ngứa, tổn thương da, nổi sần, mụn nước và phát triển thành các nốt loét màu đen, phù và lan rộng, đôi khi có mụn nước nhỏ thứ phát. Đầu, cánh tay và bàn tay là nơi hay bị tổn thương nhất. Nơi nhiễm trùng không được điều trị có thể lan tới các hạch bạch huyết rồi vào máu gây nhiễm trùng huyết và tổn thương não. Tỉ lệ tử vong ở người mắc bệnh than thể da là từ 5-20%.
Ở nước ta, bệnh than thường xảy ra ở các vùng núi, do nhận thức của người dân còn hạn chế nên khi gia súc chết vì căn bệnh này, họ vẫn làm thịt để ăn. Để phòng ngừa dịch bệnh này, trước hết cần nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh. Những địa phương có dịch bệnh nhiệt thán ở gia súc cần cách ly con vật ốm, tuyệt đối không được giết mổ, vận chuyển gia súc qua vùng có dịch. Khi gia súc chết do bệnh nhiệt thán, cần tiêu độc, khử trùng chuồng trại và xác chết, đốt hết rơm rạ và những vật có liên quan đến con vật. Hố chôn phải cách xa nhà ở, nguồn nước. Người nghi mắc bệnh than cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời bằng kháng sinh. Các cơ sở điều trị đảm bảo quản lý, cách ly tốt bệnh nhân, cho uống thuốc dự phòng đối với những người có nguy cơ mắc bệnh cao như ăn thịt, giết mổ gia súc mắc bệnh hoặc có tiếp xúc với bệnh phẩm.
Đức Duy