1. Ma túy giả dạng thực phẩm tinh vi
- 1. Ma túy giả dạng thực phẩm tinh vi
- 2. Sử dụng ma túy giả dạng thực phẩm gây ngộ độc cấp, gây nghiện thậm chí tử vong
- 3. Điểm mặt một số loại ma túy giả dạng thực phẩm
- 3.1 Ma túy "trà sữa"
- 3.2 Kẹo mút cần sa
- 3.3 Bùa lưỡi (tem giấy ma túy)
- 3.4 "Nước vui"
- 3.5 Ma túy nước xoài
- 3.6 Nấm ma thuật
- 3.7 "Kẹo" dây chứa cần sa
- 3.8 Ma túy nước dâu Crispy Fruit
Theo Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, thời gian gần đây đã phát hiện nhiều chất ma túy tổng hợp mới, là các chất gây ảo giác mạnh. Ma túy tổng hợp không lấy từ tự nhiên mà là ma túy nhân tạo, hóa chất.
Đối tượng khách hàng nhắm tới của các con buôn ma túy là những người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên. Khi sử dụng các sản phẩm trà trộn ma tuý, nhiều em có biểu hiện ngộ độc như: hoa mắt, chóng mặt nhức đầu thậm chí bị ngất.
Tình trạng trà trộn ma túy tổng hợp vào các loại bánh kẹo, đồ ăn uống đầu độc giới trẻ xảy ra không hiếm. Vụ ngộ độc THC vừa rồi đối với các học sinh Quảng Ninh là vụ việc gần đây nhất mới xảy ra ngày 24/10 tại Quảng Ninh.
Ma túy tổng hợp có thể sản xuất từ bất cứ nơi nào. Vì vậy, việc kiểm soát ma túy tổng hợp khó khăn rất nhiều. Các vụ án có mẫu ma túy mới là những vụ án khó, vượt quá khả năng giám định của các phòng kĩ thuật ở địa phương do điều kiện trang thiết bị chưa đồng bộ như Viện Khoa học hình sự.
2. Sử dụng ma túy giả dạng thực phẩm gây ngộ độc cấp, gây nghiện thậm chí tử vong
TS. BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai gần đây đã từng cấp cứu cho nhiều bệnh nhân ngộ độc do sử dụng ma túy dưới dạng thực phẩm như: bánh, kẹo, nước giải khát...
- Sử dụng thực phẩm có ma túy có thể gặp các ngộ độc tức thời như: thần kinh bị lẫn lộn, hôn mê, co giật, rối loạn tâm thần; loạn nhịp tim, tăng huyết áp, tụt huyết áp, suy hô hấp... Thậm chí, có thể gây tử vong.
- Sử dụng thực phẩm có ma túy lâu dài sẽ gây nghiện. Nghiện ma túy tổng hợp sẽ gặp nhiều chứng bệnh mạn tính: suy giảm miễn dịch, mắc bệnh phổi tắc nghẽn, bệnh mạch vành, hội chứng nôn nặng dai dẳng…
Đặc biệt với người trẻ, nghiện ma túy làm giảm khả năng nhận thức và học hành, giảm quá trình hồi phục trí nhớ, giảm khả năng tập trung, giảm chức năng điều hành (giảm kiểm soát nhận thức và hành vi).
Người nghiện ma túy tổng hợp cũng dễ bị tai nạn giao thông do giảm khả năng phản ứng, giảm tập trung).
3. Điểm mặt một số loại ma túy giả dạng thực phẩm
Điều nguy hiểm là ma túy tổng hợp giả dạng thực phẩm có bao bì như đồ thực phẩm bình thường.
3.1 Ma túy "trà sữa"
Ma túy trà sữa tồn tại ở dạng bột, thường được đựng trong các túi nilon có bao bì bắt mắt, có mùi sữa, được pha cùng với các loại nước có ga tạo thành dung dịch có màu sắc và mùi vị giống như trà sữa thông thường.
Sử dụng ma túy trà sữa sẽ xuất hiện ảo giác bay bổng, thần kinh hoang tưởng, không kiểm soát hành vi.
3.2 Kẹo mút cần sa
"Kẹo mút cần sa" là một dạng ma túy tạo cảm giác ảo gây kích thích. Thành phần kẹo này có chứa tinh dầu cần sa (Cannabis essensal oil) và bột hạt cần sa. Chúng được sản xuất, mua bán, sử dụng ở nước ngoài và du nhập vào Việt Nam dưới dạng "hàng xách tay".
Kẹo chứa cần sa làm cho người dùng có cảm giác kích thích, mơ màng nhưng nếu dùng nhiều thì sẽ bị nghiện.
3.3 Bùa lưỡi (tem giấy ma túy)
Bùa lưỡi hay còn gọi là tem giấy ma túy. Tem giấy được tẩm chất gây ảo giác LSD (Lysergic Axit Diethylamide).
Tem giấy là một miếng giấy dán tem kích thước 1,5×1,5 cm. Trong một miếng bìa có khoảng 25 tem giấy. Trên bìa in hình các nhân vật nổi tiếng. Tem giấy nhìn giống như miếng bìa chơi của trẻ con. Giá mỗi miếng tem này chỉ khoảng 20.000 đồng.
Tem giấy xuất hiện từ từ cuối thập niên 1970 nhưng sau đó ngưng sản xuất và lại tái xuất hiện trong thời gian gần đây.
Tem giấy tác dụng trực tiếp vào cơ thể người sử dụng thông qua lưỡi. Khi sử dụng tem giấy sẽ gây loạn thần rất nhanh, tạo ảo giác mạnh.
Để tem giấy tan hết trong miệng phải mất 2-3 giờ. Sau khi thuốc phát sẽ "phê" trong vòng 6 tiếng. Nếu sử dụng nhiều, sẽ phụ thuộc và gây nghiện. Người sử dụng sẽ có các hành vi kèm theo hành vi nhân cách bị rối loạn; Nguy cơ tử vong là rất cao đối với người sử dụng bị sốc, không được cấp cứu kịp thời.
3.4 "Nước vui"
"Nước vui" có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong thành phần nước vui thường trộn lẫn với các loại nước có ga theo một tỷ lệ nhất định sau đó uống trực tiếp vào cơ thể.
Loại ma túy này sẽ tạo cho người sử dụng cảm giác hưng phấn, vui vẻ kéo dài, đặc biệt là khi kết hợp với nghe nhạc mạnh.
Khi sử dụng "nước vui" nhiều sẽ gây ức chế trung tâm thần kinh vận động và hô hấp, loạn trương lực cơ, lú lẫn, co giật, hôn mê có thể dẫn đến tử vong.
3.5 Ma túy nước xoài
Ma túy nước xoài là loại ma túy ở dạng bột màu vàng dựng trong bao túi nilong có ghi chữ "Crispy Fruit Mango". Loại ma túy này được sử dụng pha vào nước để uống nên dễ bị nhầm lẫn như một loại nước giải khát. Người uống ma túy nước xoài sẽ có ảo giác lâng lâng, tăng khả năng quan hệ tình dục cho người sử dụng.
Ma túy nước xoài thuộc loại bromazepam. Bromazepam là loại chất ma túy thuộc danh mục III, Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.
Tuy nhiên, bromazepam thường được sử dụng trong lĩnh vực y khoa, bromazepam thuộc nhóm thuốc hướng thần Benzodiaxepine. Bromazepam chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ vì có thể gây nghiện. Loại này có tác dụng giảm căng thẳng, lo âu, dùng để an thần, gây ngủ, làm dãn cơ...
Nếu sử dụng Bromazepam trong thời gian dài sẽ gây nghiện như nghiện một loại ma túy dẫn tới nhiều tác hại như: không kiểm soát được lời nói, dễ kích thích, nhịp tim nhanh, gây ảo giác, hay đổ mồ hôi, lo sợ vô cớ, mất kiểm soát hành vi.
3.6 Nấm ma thuật
Nấm ma thuật còn có những cái tên khác như: nấm thức thần, nấm ảo giác. Nấm ma thuật có hình dáng giống hệt cây nấm với mùi hương pha trộn giữa mùi nấm hương và mùi thuốc lá. Nấm ma thuật có hình dáng không khác những loại nấm thường dùng làm thực phẩm. Nấm ma thuật được bán với giá khoảng 600.000 đồng/bịch 1 gr.
Với hình dáng bên ngoài không khác gì những loại nấm dùng làm thực phẩm hay những loại nấm mọc hoang ngoài tự nhiên, nhưng lại chứa 1 chất ma túy cực mạnh, nằm trong danh mục các chất ma túy nguy hiểm nhất hiện nay.
Trong nấm ma thuật có hai hoạt chất Psilocine và Psilotcin chính là nguyên nhân gây ảo giác mạnh cho người dùng. Hai hoạt chất này nằm ở số thứ tự 36 trong danh mục 1 – các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng cả trong y học lẫn đời sống xã hội của Nghị định 73/2018/ NĐ - CP quy định về danh mục chất ma túy và tiền chất.
Mỗi cây nấm được cắt ra làm 2-3 phần, chân nấm dài có thể được cắt nhiều phần hơn nữa. Và mỗi miếng nhỏ như thế này sẽ có giá khoảng 500.000 đồng với hàng loại 1.
Sử dụng nấm ma thuật này, người dùng sẽ cảm giác lâng lâng, bay bổng, cười khóc vô cớ, khiến người trầm cảm trở nên tươi vui lạ thường. Mỗi một miếng nấm là một "chuyến đi" đem lại ảo giác cho người dùng có thể kéo dài từ 6 đến 20 giờ đồng hồ, tùy thể trạng và liều dùng.
Tuy nhiên, đối với những người thể trạng yếu khi sử dụng nấm ma thuật sẽ trở nên kiệt sức, không thể thoát khỏi chuyến đi ma quái đó nếu không có sự đánh thức của người khác.
3.7 "Kẹo" dây chứa cần sa
Những thông tin về loại "kẹo" dây được giới thiệu trên trang web bán hàng của nước ngoài là: Một loại kẹo ngọt và dẻo rất ngon, không từ nào có thể diễn tả nổi. Kẹo có nhiều hương vị khác nhau như dâu tây, việt quất, anh đào và nho. Loại kẹo dây này chứa 400mg THC trong mỗi sợi dây. Những sợi dây kẹo dẻo được quảng cáo sẽ làm bạn hài lòng và nó rất hoàn hảo với cơ thể bạn sau một ngày dài làm việc…
Phần mô tả cũng giới thiệu các hiệu ứng của loại "kẹo" này là: Giảm đau; Giảm viêm; Thúc đẩy giấc ngủ...
Đây chính là loại kẹo có chứa THC gây ngộ độc cho nhóm học sinh tại Quảng Ninh mới đây.
3.8 Ma túy nước dâu Crispy Fruit
Mới đây, Bộ Công an đưa ra cảnh báo về về loại ma túy tổng hợp được ngụy trang dưới dạng gói bột thực phẩm hương dâu pha uống.
Loại ma túy này được đóng trong loại bao bì bắt mắt có in hình quả dâu, bên ngoài ghi chữ "Crispy Fruit"; và có in các thành phần thường thấy như nhiều bao bì của loại nước uống trái cây.
Ma túy nước dâu là một loại ma túy mới, có thể hòa tan với nước để uống nên dễ ngụy trang thành các loại nước giải khát. Nhìn bề ngoài bao bì rất dễ lầm tưởng là một loại gói nước uống giải khát chứ không phải là ma túy. Có thể nhận biết là bao bì không ghi thông tin của nhà sản xuất cũng như xuất xứ của sản phẩm.
Các danh mục chất ma túy và tiền chất
Theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP, ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ ban hành quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất. Theo Nghị định này các danh mục chất ma túy và tiền chất gồm các nhóm sau đây:
Danh mục I: Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội, nhóm này gồm có 46 loại.
Danh mục II: Các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học. Nhóm này gồm có 398 loại.
Danh mục III: Các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học. Nhóm này gồm có 71 loại.
Danh mục IV: Các tiền chất sử dụng vì mục đích quốc phòng, an ninh, sử dụng trong lĩnh vực thú ý do Bộ Công an và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và cấp phép xuất, nhập khẩu. Nhóm này gồm có 44 loại.
Nếu năm 2015 có 292 chất và tiền chất ma túy tại Việt Nam thì đến nay, theo quy định của Chính phủ Việt Nam, tại thời điểm hiện tại có tổng cộng có tới 559 chất được đưa vào danh mục là chất ma túy.
Danh sách các loại ma túy mới chắc chắn không dừng lại mà ngày càng nhiều loại ma túy nguy hiểm hơn, trà trộn dưới nhiều hình thức hơn. Thậm chí có những chất ma túy mới xuất hiện chưa nằm trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam. Không chỉ tăng nhanh về số lượng, các loại ma túy tổng hợp ngày càng tăng nồng độ gây ảo giác, cực kỳ nguy hiểm cho bản thân người sử dụng và cả cộng đồng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Lưu ý dùng thuốc khi bị sốt sau tiêm vaccine phòng COVID-19