Hà Nội

Cảnh giác với loại nấm mọc hoang trong vườn dễ lầm tưởng là nấm rơm

07-09-2023 08:21 | Cảnh giác thực phẩm
google news

SKĐS - Nhiều loại nấm là thực phẩm nhưng cũng có những loại chứa độc tính gây ngộ độc, thậm chí tử vong. Do vậỵ, nên cảnh giác với những loại nấm mọc hoang trong vườn nhà.

1. Ăn nhầm nấm độc mọc trong vườn, 3 mẹ con bị ngộ độc

Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ vừa tiếp nhận các ca bệnh bị ngộ độc nấm là người trong cùng một gia đình là chị N.T.N. (37 tuổi, Lâm Thao, Phú Thọ) cùng với 2 con (bé trai 11 tuổi và bé gái 5 tuổi).

Chị N. cho biết, thấy trong vườn có nhiều nấm mọc dại hình thù giống với nấm rơm, nghĩ là nấm lành ăn được nên chị N. đã hái và xào ăn cùng với 2 con. Sau khi ăn khoảng 4 giờ, cả 3 mẹ con chị N. đều xuất hiện các triệu chứng nôn nhiều, đau bụng, đi ngoài, sốt và ngay lập tức được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Nguy hiểm khi ăn nấm mọc dại - Ảnh 2.

Cây nấm dại 3 mẹ con chị N ăn. Ảnh: BV cung cấp.

Tại bệnh viện, cả 3 mẹ con chị N. được chẩn đoán nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn, theo dõi rối loạn điện giải. Sau 1 ngày được điều trị tích cực bằng truyền dịch, sử dụng kháng sinh, bù điện giải, chị N. và 2 con đã ổn định, tình trạng sức khỏe phục hồi đáng kể và được xuất viện sau 2 ngày điều trị. Trường hợp này được đánh giá là khá may mắn vì các nạn nhân được đưa đến viện sớm ngay sau khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc nên được thăm khám và điều trị kịp thời.

Không được may mắn như 3 mẹ con chị N., cách đây mấy tháng, một gia đình ba người gồm cha, mẹ và con gái 17 tuổi ở Tây Ninh bị ngộ độc nấm được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. HCM. Trước đó, gia đình bệnh nhân đã đi hái nấm về xào với mướp ăn, người cha ăn khoảng nửa phần nấm, người mẹ và con gái ăn phần còn lại.

Sau khi ăn xong từ 8 - 12 tiếng, cả ba người đều có dấu hiệu nôn ói, đi ngoài nhiều nên được cấp cứu tại bệnh viện địa phương trước khi chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy TP. HCM. Đáng tiếc do ngộ độc quá nặng nên người cha và người mẹ đã tử vong, còn con gái may mắn thoát được cơn nguy kịch. Được biết, gia đình này thường xuyên có thói quen đi hái nấm. Lần gần nhất, cả gia đình ăn nấm nhưng không có hiện tượng gì.

2. Triệu chứng ngộ độc nấm

Tùy thuộc vào loại chất độc ăn vào, các triệu chứng ngộ độc nấm có thể khác nhau, từ khó chịu ở đường tiêu hóa đến suy gan, gây tử vong.

Phần lớn các trường hợp ngộ độc được xác định do nhầm loại nấm. Các triệu chứng ngộ độc nấm phổ biến nhất bao gồm:

  • Buồn nôn.
  • Nôn mửa.
  • Đau bụng, đau bụng dữ dội
  • Tiêu chảy.

Nếu nghi ngờ bị nhiễm độc nấm, hãy đưa nạn nhân đến bệnh viện ngay lập tức. Ở những loại nấm ít độc hơn, các triệu chứng tiêu hóa của ngộ độc nấm phát triển sớm nhất là từ 20 phút đến 4 giờ sau khi ăn và những triệu chứng này có thể hết sau khi chất độc được thải ra ngoài.

Các loại nấm nguy hiểm phổ biến nhất là những loại thuộc chi Amanita, đặc biệt là Amanita phalloides. Được gọi là "nấm tử thần", chứa các hợp chất độc hại gọi là amatoxin gây tổn thương tế bào gan. Trong trường hợp ngộ độc Amanita, các triệu chứng ban đầu thường bắt đầu từ 6 đến 24 giờ sau khi ăn nhưng có thể bị trì hoãn và thậm chí xuất hiện muộn hơn thế.

Cảnh giác với loại nấm mọc hoang trong vườn dễ lầm tưởng là nấm rơm - Ảnh 4.

Các loại nấm nguy hiểm phổ biến nhất là những loại thuộc chi Amanita, đặc biệt là Amanita phalloides.

Do xuất hiện triệu chứng ngộ độc muộn nên người ăn đã hấp thụ hoàn toàn độc tố có trong nấm. Sau giai đoạn đầu của các triệu chứng tiêu hóa là cảm giác hồi phục trong hai đến ba ngày nhưng sau đó, sẽ tái phát và có thể bị suy gan và thận.

Mặc dù, có một số người hồi phục hoàn toàn sau ngộ độc nấm nếu được can thiệp kịp thời và điều trị thích hợp nhưng có những người khác lại bị chảy máu ồ ạt, có thể dẫn đến tử vong.

3. Cách phân biệt nấm ăn được và nấm độc

Nguy hiểm khi ăn nấm mọc dại - Ảnh 4.

Rất khó để phân biệt nấm độc.

ThS.BS Nguyễn Đức Long, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ cho biết, hiện tại đang là mùa mưa, các loại nấm phát triển mạnh nên nhiều người hái về nấu ăn. Để phân biệt nấm độc, người ta thường dựa vào màu sắc, mùi và hình dạng của nấm. Thông thường, nấm độc có màu sắc sặc sỡ, trên mũ nấm có đốm màu trắng, đen hoặc đỏ. Nếu ngửi thấy nấm có mùi thơm, khi ngắt có nhựa chảy ra thì đó là nấm độc không nên ăn.

Những loại nấm có phần gốc phình to giống củ hầu hết là nấm độc. Tuy nhiên, trên thực tế, một số loại nấm độc có màu sắc và hình dạng giống với nấm thường nên rất dễ gây nhầm lẫn. Do đó, người dân cần nhận biết và phân biệt được các loại nấm, nếu chưa rõ nguồn gốc, không biết loại nấm đó có độc hay không thì tốt nhất không nên ăn. Ngay cả việc rửa hoặc nấu nấm độc cũng không giảm bớt độc tố. Tốt nhất không nên ăn những loại nấm không rõ nguồn gốc, nên mua nấm bán ở các siêu thị hay cửa hàng rau an toàn, có uy tín.

Các bác sĩ khuyến cáo, trong trường hợp đã ăn nấm và thấy xuất hiện các biểu hiện ngộ độc như nôn nao, buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài cần nhanh chóng gây nôn càng sớm càng tốt để đẩy bớt độc tố ra ngoài, đồng thời cần uống nhiều nước, tốt nhất là dùng oresol. Ngoài ra, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Người giảm cân nên biết 3 điều xảy ra khi ăn keto và cắt giảm carbsNgười giảm cân nên biết 3 điều xảy ra khi ăn keto và cắt giảm carbs

SKĐS - Nhiều người ăn chế độ keto cắt giảm lượng carbs để giảm cân nhưng không phải ai cũng biết việc loại bỏ carbs thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Xem thêm video đang được quan tâm:

Khi bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh có nên nhịn ăn?


Bảo Châu
Ý kiến của bạn