Hà Nội

Cảnh giác với hoại tử loạn dưỡng xương đùi

29-08-2014 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Hoại tử loạn dưỡng xương đùi là tổn thương không phải bẩm sinh, không có biểu hiện viêm.

Hoại tử loạn dưỡng xương đùi là tổn thương không phải bẩm sinh, không có biểu hiện viêm. Thường gặp là hoại tử vô khuẩn đầu xương đùi ở người lớn, bệnh chỏm xương đùi dẹt, tiêu đầu xương tuổi thiếu niên. Nếu phát hiện và điều trị sớm sẽ hạn chế tàn phế.

Hoại tử vô khuẩn đầu xương đùi ở người lớn

Tổn thương hoại tử một phần chỏm xương đùi do tắc mạch, không do nhiễm khuẩn, nên gọi là hoại tử vô khuẩn. Bệnh được phân thành 2 thể: nguyên phát và thứ phát, nhưng triệu chứng đều giống nhau. Bệnh  gặp ở nam giới (80%), tuổi mắc bệnh phổ biến từ 30 - 60 tuổi. Những người có cơ địa đặc biệt như béo bệu, mắc bệnh đái tháo đường, bệnh gút, xơ vữa động mạch, nghiện rượu dễ mắc bệnh... Hoại tử vô khuẩn đầu xương đùi ở người lớn thường do các nguyên nhân: nghiện rượu; bệnh thợ lặn bị tắc mạch do khí; bệnh hồng cầu liềm, tắc mạch do hồng cầu; tắc mạch do chấn thương; bệnh tạo keo như xơ cứng bì toàn thể; chiếu xạ quá liều trong điều trị bệnh, bệnh nghề nghiệp; người dùng corticoid kéo dài.

Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi ở người lớn.

Chụp phim Xquang thấy những dấu hiệu rất đặc hiệu, nhưng thường xuất hiện muộn. Chụp cắt lớp sẽ thấy được các tổn thương từ sớm. Các hình ảnh tổn thương gồm: đường viền đậm hình cung lõm ở phía trên, tạo nên một giới hạn phần hoại tử và phần lành của chỏm xương đùi; đậm đặc phần đầu xương bị hoại tử, đặc xương đồng đều; có dấu hiệu khấc lõm hay bậc thang, phần xương hoại tử tụt thấp so với phần lành tạo nên một khấc lõm bậc thang. Bệnh tiến triển kéo dài, phần xương hoại tử lõm dần xuống, xơ hóa đậm đặc, có thể tách thành nhiều mảnh, biến dạng và có dấu hiệu thoái hóa thứ phát.

Chụp hệ tĩnh mạch đầu xương đùi có thể thấy hình ảnh tổn thương mạch. Sinh thiết đầu xương thấy hoại tử xương.

Điều trị: giai đoạn đầu dùng các thuốc giảm đau, điều trị vật lý, hạn chế vận động, đi lại, chống béo phì, chống xơ vữa mạch. Giai đoạn nặng cần phẫu thuật điều trị, khoan xương, cắt xương rồi ghép khớp giả bằng kim loại hay chất dẻo kết hợp.

Bệnh chỏm xương đùi dẹt

Bệnh thường gặp ở trẻ em nam (chiếm 85%), độ tuổi từ 4 - 12 tuổi, thường tổn thương một bên, chỉ có 10% tổn thương cả hai bên, đôi khi có tính chất gia đình. Tổn thương hoại tử của nhân cốt hóa đầu xương đùi, có thể do nguyên nhân thiếu máu cục bộ do tắc mạch, sau đó là hiện tượng tăng sinh tổ chức liên kết quanh khớp. Đầu xương đùi biến dạng thành dẹt và hậu quả cuối cùng là thoái hóa thứ phát của khớp háng.

Biểu hiện lâm sàng: bệnh khởi phát từ từ, nhưng cũng có thể bắt đầu sau một chấn thương. Bệnh nhi đau vùng háng lan xuống gối, đau tăng khi vận động, giảm khi nghỉ, đi hơi khập khiễng vì đau. Khám lúc đầu hạn chế động tác dạng và quay, về sau có thể hạn chế cả động tác gấp. Bệnh không có dấu hiệu toàn thân, không sốt, không thấy nổi hạch ở bẹn. Tiến triển bệnh kéo dài, tổn thương nặng dần từ 16 - 36 tháng, sau đó bệnh ổn định, đau giảm dần, vận động khá lên trong thời gian khoảng 16 - 20 tháng, gọi là thời gian tái tạo, cuối cùng khỏi bệnh.

Chỏm xương đùi dẹt trên phim Xquang.

Chụp phim Xquang thấy các hình ảnh tổn thương: nhân cốt hóa của đầu xương đùi không đồng đều, đậm đặc, lam nham, ranh giới không gọn rõ, hình thái dẹt như mũ nấm. Khe khớp háng như giãn rộng ra, phần hành xương ở cổ xương đùi to và lam nham. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, chỏm xương đùi khi khỏi sẽ trở nên dẹt và sau đó là thoái hóa thứ phát.

Điều trị: cần phát hiện bệnh sớm, cho bệnh nhân hạn chế đi lại, vận động từ 10 - 36 tháng. Khi chụp phim thấy hiện tượng cốt hóa trở lại thì cho bệnh nhi vận động bình thường. Biện pháp này có thể ngăn ngừa được chỏm xương đùi không bị dẹt. Nếu chẩn đoán muộn, khi chỏm xương đùi đã bị dẹt, cần theo dõi điều trị chỉnh hình nội khoa và ngoại khoa.

Bệnh tiêu đầu xương thiếu niên

Bệnh gặp ở trẻ em nam từ 12 - 17 tuổi, tổn thương xảy ra do loạn dưỡng phần sụn nối giữa chỏm và cổ xương đùi, dẫn tới hậu quả chỏm xương đùi tách và bong di lệch xuống dưới và ra sau.

Biểu hiện lâm sàng: bệnh nhân đau vùng háng, đi khập khiễng tăng dần. Khám thấy hạn chế động tác khép và dạng. Tổn thương có thể bắt đầu đột ngột sau một chấn thương, gây đau dữ dội và hạn chế vận động do chỏm bong tách khỏi phần cổ (hành xương). Bệnh tiến triển nặng dần, có thể biến chứng viêm thứ phát.

Chụp phim Xquang thấy rõ các hình ảnh tổn thương như: sụn nối giữa chỏm và cổ xương đùi giãn rộng, hành xương (phần cổ) mờ lam nham, chỏm dẹt và tách ra khỏi vị trí giải phẫu bình thường; hình chỏm tách hẳn với cổ xương, phần cổ xương ngắn lại và to ra.

Điều trị: khi có tách, bong chỏm thì phải phẫu thuật để điều trị đóng đinh, ghép khớp nhân tạo.

ThS. Phạm Phú Vinh

 


Ý kiến của bạn