Hà Nội

Cảnh giác với hóa chất trong mỹ phẩm

15-01-2019 14:03 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Trong hầu hết các loại mỹ phẩm đang lưu hành trên thị trường, bên cạnh dưỡng chất đều có chứa một số hóa chất để bảo quản, tạo mùi hương...

Trong hầu hết các loại mỹ phẩm đang lưu hành trên thị trường, bên cạnh dưỡng chất đều có chứa một số hóa chất để bảo quản, tạo mùi hương... Các chất này có thể xâm nhập, hấp thu vào máu đi đến các mô của cơ thể gây hại...

Chất chống ôxy hóa

Butylated hydroxyanisole (BHA) là một chất chống ôxy hóa tổng hợp, được sử dụng rộng rãi làm chất bảo quản để ngăn ngừa sự biến chất của sản phẩm, ổn định hoạt chất. Do đó, BHA được sử dụng như một chất bảo quản trong thực phẩm có chứa chất béo, bao gồm cả đồ uống, kem, kẹo, bánh nướng, các loại dầu ăn, ngũ cốc, men bia khô và xúc xích... Ngoài ra, BHA còn có mặt trong nhiều loại sản phẩm mỹ phẩm như: sữa dưỡng thể, son môi... Khi sử dụng BHA với liều lượng 50 - 100mg/kg thể trọng sẽ được chuyển hóa và đưa ra khỏi cơ thể ở dạng nước tiểu, dưới nồng độ cho phép này không gây ngộ độc cho cơ thể. Mặc dù vậy, đây là chất nghi ngờ gây ung thư, dị ứng, ngộ độc, gây rối loạn cơ thể trên động vật thí nghiệm như khỉ, chó, chuột, mèo... khi được sử dụng liều cao (khoảng 0,8g/kg thể trọng một ngày). Do đó, nếu bạn sử dụng quá nhiều mỹ phẩm chứa BHA, đặc biệt là đối với các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường, không được kiểm định hàm lượng chất ôxy hóa này lại kết hợp với thức ăn chế biến sẵn cũng chứa chất này thì không an toàn cho cơ thể.

Chất bảo quản

Chất DMDM hydantoin: Chất này được tạo ra từ công nghệ dầu mỏ và được sử dụng như một hoạt chất chống đông trong xe hơi. DMDM Hydantoin là một chất bảo quản  ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tăng trưởng của vi sinh vật, do đó được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm chăm sóc da và tóc. Nó được xem là chất bảo quản được cho phép sử dụng thay thế cho parabens, với nồng độ khoảng 0,2-0,6%. Tuy nhiên, chất này có thể giải phóng formaldehyde - một chất gây ung thư. Ngoài ra, hoạt chất này có thể gây đau cơ, ung thư, viêm da tiếp xúc, viêm da kích thích, trầm cảm, đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, mất ngủ... Nếu tiếp xúc chất này nhiều, nồng độ cao trong thời gian dài có thể gây tình trạng hen suyễn, tim đập nhanh, kích ứng đường hô hấp...Một trường hợp dị ứng hóa chất trong mỹ phẩm.

Một trường hợp dị ứng hóa chất trong mỹ phẩm.

Chất parabens: Có mặt trong các sản phẩm làm đẹp, được dùng để ức chế sự phát triển của vi khuẩn, nấm mốc, là một chất bảo quản được sử rộng rộng rãi cho các sản phẩm mỹ phẩm. Parabens có cơ chế hoạt động như một oestrogen tổng hợp, vì vậy có thể phá vỡ hệ thống nội tiết, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và sức khỏe của thai nhi, có khả năng gây viêm da biểu bì, ung thư vú, gây tình trạng mạn kinh sớm, chứng loãng xương, giảm khả năng sinh sản ở nam giới.

Chất tạo mùi hương

Các hương liệu tự nhiên có tác dụng rất tốt cho sức khỏe, chẳng hạn như hoa oải hương làm tăng sự trao đổi chất trong cơ thể, giúp tinh thần và thể xác ổn định, giảm stress, nhức đầu, mất ngủ, khử khuẩn, chống viêm da... Hương bạc hà giúp tăng cường năng lượng cơ thể, mùi hương chocolate giúp tăng cường trí nhớ. Tuy nhiên, mùi hương được làm từ chất tạo mùi thì lại khác. Chẳng hạn như một sản phẩm có hương chanh không có nghĩa là chúng được làm từ quả chanh tươi... Hầu hết các mùi hương có trong mỹ phẩm đều được tạo ra từ các chất tạo mùi là hóa chất phthales, mang hương liệu tổng hợp, còn được sử dụng để diệt côn trùng... chất này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn là tác nhân gây dị ứng, kích ứng đường hô hấp. Theo báo cáo của WHO, đây là chất có thể gây ung thư. Phthales thường có trong son môi, nước hoa, nước sơn móng, xịt tóc... có các ký hiệu được ghi trên bao bì sản phẩm như: BZBP, DBP, DEP... đôi khi ghi là pragrance.

Khi sử dụng sữa tắm, dầu gội, mỹ phẩm chăm sóc da, kem chống nắng... bạn nhận thấy những dấu hiệu bất thường trên cơ thể thì rất có thể bạn đang bị dị ứng với hương liệu chứa trong mỹ phẩm. Với những biểu hiện: ngứa họng, ngứa mũi, hắt xì, ngứa mắt, phát ban, ngứa ngoài da, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt... nên dừng ngay sản phẩm.

Hương liệu có thể xâm nhập cơ thể thông qua việc hít thở hoặc qua tiếp xúc với da. Nếu như hóa chất được đưa vào cơ thể với nồng độ và hàm lượng thấp thì có thể cơ thể tự giải độc và đào thải ra bên ngoài. Nếu chất độc ở nồng độ cao sẽ gây tổn thương các tế bào trong cơ thể. Và đó là lý do các cơ quan quản lý luôn buộc các nhà sản xuất phải ghi rõ hàm lượng và nồng độ hương liệu trên các sản phẩm để không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Khi mua mỹ phẩm, bạn nên tìm thông tin cho thấy sản phẩm đó không có hương liệu bằng dòng chữ “fragrance-free”.

Chất dưỡng da

Retinyl palmitate (vitamin A) được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm dưỡng da, chống lão hóa. Tuy nhiên, theo Ủy ban Bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng của châu Âu mới đưa ra thông tin, vitamin A trong mỹ phẩm có thể thấm qua da, cộng hưởng với vitamin A có sẵn trong cơ thể hoặc từ thực phẩm chức năng, thức ăn... mà người tiêu dùng đã tiêu thụ, từ đó có thể dẫn đến quá liều gây tác hại cho sức khỏe như biến đổi bào thai, loãng xương...

Chất cân bằng PH

Triethanolamine (TEA) là một hợp chất hữu cơ bao gồm ethylene oxide và amoniac. Hợp chất hóa học này thường được tìm thấy trong một số sản phẩm mỹ phẩm như: sữa dưỡng thể, phấn mắt, mascara, bút kẻ mắt, nước hoa, kem che khuyết điểm... Đôi khi, nó cũng được thêm vào các sản phẩm chăm sóc tóc như thuốc nhuộm tóc, kem cạo râu... Tác dụng chính của chất này là cân bằng độ pH, nhưng nó còn có tác dụng giúp giữ cho sản phẩm ổn định, làm mềm sản phẩm trên da.

Mặc dù Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt triethanolamine là an toàn để sử dụng, nhưng sản phẩm không được chứa quá 5% nồng độ chất này. Mặc dù đây là chất có nhiều công dụng nhưng nếu sử dụng lâu dài nó cũng gây nguy hiểm cho da và hệ thống miễn dịch (gây khô, ngứa da, gãy tóc, chảy nước mắt, mụn nước, nóng bỏng...).

Nếu bạn thường xuyên sử dụng màu mắt và bút kẻ mắt có chứa các hợp chất này thì cần phải làm sạch da hoàn toàn trước khi đi ngủ. Không nên để loại hóa chất này lưu lại trên da trong suốt 24 giờ.


DS. Bùi Ngọc Lan Hương
Ý kiến của bạn