Cảnh giác với hiện tượng lạ

22-02-2013 21:24 | Xã hội
google news

Chuyện đèn lồng xuất xứ từ Trung Quốc in trên đó những chữ “Tam Sa”, “Tây Sa” tràn ngập đường phố ở một số tỉnh trong Tết Quý Tỵ vừa qua là một chuyện lạ.

Chuyện đèn lồng xuất xứ từ Trung Quốc in trên đó những chữ “Tam Sa”, “Tây Sa” tràn ngập đường phố ở một số tỉnh  trong Tết Quý Tỵ vừa qua là một chuyện lạ. Rất mừng là nhiều tỉnh đã kịp thời có biện pháp nhắc nhở dẹp bỏ và nhân dân dù vô tình bỏ tiền ra mua về trang trí đã tự nguyện tháo dỡ là điều đáng mừng.

Ý thức cảnh giác trước thứ vi phạm chủ quyền tinh vi qua văn hoá đã vượt lên chuyện tiếc tiền dù người mua không hiểu chữ Trung Quốc và có cả lý do ham giá rẻ. Thế nhưng giả dụ những đèn lồng kia không in những chữ vi phạm chủ quyền, không có chất độc hại trong đó liệu có những biện pháp tích cực thay đổi không?

Thời hiện đại, những cuộc xâm lược đất đai có thể chưa xảy ra nhưng những cuộc xâm lược văn hóa luôn có dưới những hình thức tinh vi. Đèn lồng từ Trung Quốc giá rẻ có khi biến nhiều đường phố Việt Nam như thành... đường phố Trung Quốc! Ngay tại Hà Nội cũng đã xuất hiện những nhà hàng với hàng cột đỏ và cầu quán như kiến trúc bên Trung Quốc thiết nghĩ cũng nên băn khoăn. Chúng ta đã có quy định bảng hiệu chữ nước ngoài phải nhỏ hơn chữ Việt nhưng những thực thể ngoại lai xuất hiện không phải là chữ mà là vật dụng lạ, kiến trúc, thiết kế lạ giống nước ngoài làm thay đổi bản sắc dân tộc tại một thời điểm, tại một vùng dân cư liệu có nên cảnh giác và nên có những quy định chặt chẽ, cụ thể?

Bên Philippines nhập về những quả địa cầu từ Trung Quốc có giá bằng 1/10 quả địa cầu cùng loại của Mỹ với đường lưỡi bò trên đó lập tức bị hủy chứ không có chuyện tự xóa và dùng vì tiếc tiền. Có ngôi chùa mới xây ở Việt Nam trông kiến trúc như bên Trung Quốc, khác hẳn phong cách chùa Việt rồi hàng trăm pho tượng bày ra khi ít ai hiểu nguồn gốc, tiểu sử nhân vật tượng mang tên có phải là điều đáng suy nghĩ?

Văn hóa là thế và kinh tế cũng lắm sự lạ. Trước đây có chuyện tư thương Trung Quốc mua móng trâu bò, râu ngô non, dây đồng với giá rất “lạ” và đằng sau chuyện lạ này, dư luận đã hiểu ra. Gần đây hơn là chuyện mua đỉa, mua lá sắn, mua lá điều rồi cả chuyện thuê đất biến ruộng trồng lúa thành ruộng trồng khoai lang cũng đều từ tư thương Trung Quốc. Chao ôi, ruộng lúa mà cải tạo thành ruộng trồng khoai lang, dù nông dân có lãi to từ sự “chuyển đổi cây trồng” này trong một vụ thì khi khoai ế, ruộng khoai có muốn thành ruộng lúa như xưa cũng phải mất cả chục năm!

Gần đây nhất là ở Long An có chuyện người Trung Quốc đến thuê ruộng trồng lúa. Lạ cái là giống lúa quá lạ và khi chính quyền đến kiểm tra thì “chuyên gia Trung Quốc... vắng mặt”! Không biết giống lúa lạ này có như ốc bươu vàng không mà Sở NN&PTNT Long An đã phải yêu cầu những người trồng lúa phải xuất trình giấy chứng nhận giống lúa của Bộ NN&PTNT, đồng thời người Trung Quốc tham gia trồng lúa phải xuất trình hợp đồng thuê chuyên gia, nếu không toàn bộ sản lượng lúa lạ sẽ bị thu hồi, xay xát thành gạo để ngăn không cho giống lúa lạ này phát tán. Hoan hô Long An!

Đến chuyện hàng tiêu dùng rồi đồ ăn thức uống cho vào miệng nhập lậu từ Trung Quốc cũng có quá nhiều chuyện lạ như thuốc lạ trong áo ngực phụ nữ, vật lạ giống như đỉa nằm trong áo,  bột lạ hoà vào nước thành rượu, phụ gia lạ có 3 chục ngàn cho vào nồi lẩu thành ngọt lừ!

Rất nhiều việc lạ, chuyện lạ nhảy vào nước ta bằng con đường quen - ấy là con đường kích thích lòng tham, lợi nhuận của một số người bằng giá bán thì rẻ và giá thu mua thì cao!

Hiện tượng lạ cần phải cảnh giác nhưng dân khó có điều kiện để nâng cao cảnh giác vì không phải ai cũng là nhà khoa học. Thiết nghĩ, trước mỗi hiện tượng lạ, cơ quan chức năng, các nhà khoa học cần nhanh nhạy phân tích sự lạ, nguyên nhân mục đích đằng sau hiện tượng lạ để nhân dân quen với những cái lạ mà cảnh giác.

Lê Quý


Ý kiến của bạn